Các “đại gia” ô tô Mỹ cố tình ém hàng?

(Dân trí) - Nhiều chủ đại lý tại Mỹ cho rằng cả 3 “đại gia” sản xuất ô tô của nước này - GM, Chrysler và Ford - đang cố tình để xảy ra tình trạng khan hàng tại các đại lý nhằm tăng lợi nhuận.

 
Các “đại gia” ô tô Mỹ cố tình ém hàng?  - 1

Một đại lý xe GM tại Mỹ

 
Sau nhiều cuộc phỏng vấn của Bloomberg, người ta đang đặt ra nghi ngờ các nhà sản xuất ô tô Mỹ đang giới hạn sản lượng quá mức nhằm tăng lợi nhuận trên mỗi đầu xe bán ra (việc khan hàng khiến mức chiết khấu cho đại lý giảm xuống).

 

Các nhà sản xuất Mỹ đang nỗ lực từ bỏ thói quen đã tồn tại hàng thập kỷ qua - sản xuất quá dư thừa rồi sau đó giảm giá mạnh - nhằm cân đối lại chi phí nhân công cố định. Tuy nhiên, một số đại lý cho rằng nỗ lực này đã đi quá xa.

 

Trong tháng 7, Ford chỉ giao có 7 xe Fusion phiên bản 2010 cho Galpin Ford, đại lý lớn nhất của công ty tại Bắc Mỹ, dù phó chủ tịch đại lý, ông Beau Boechmann, cho biết đã yêu cầu 100 xe trong tháng.

 

“Tôi đã khẩn khoản yêu cầu ban lãnh đạo công ty giao xe,” ông Boeckmann trả lời phóng viên Bloomberg. “Cách đây một năm, tôi không thể ngủ ngon vì có quá nhiều xe tồn kho, thì nay tôi lại ăn không ngon ngủ không yên vì không có đủ hàng để bán.”

 

Ford không phải là nhà sản xuất ô tô Mỹ duy nhất bị quy kết “nhỏ giọt” hàng cho các đại lý. Ông Gordon Stewart, chủ sở hữu nhiều đại lý ô tô trên khắp Michigan, Georgia và Florida, cho rằng sản lượng xe Equinox của GM hiện ở mức thấp hơn nhiều do với mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo ông, doanh số có thể cao gấp 3, thậm chí là gấp 4 lần, nếu các đại lý được cung cấp đủ số xe cần thiết.

 

Sau một tháng doanh số mạnh của Equinox trên toàn nước Mỹ, GM tuần trước đã công bố kế hoạch tăng sản lượng của mẫu xe này.

 

Tuy nhiên, đại diện GM cho biết công ty sẽ tăng sản lượng một cách rất thận trọng, vì vẫn muốn giảm sự lệ thuộc vào việc phải giảm giá, chiết khấu mạnh để giải quyết hàng tồn kho. “Chúng tôi đang nỗ lực tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhưng chúng tôi không muốn trở lại những ngày trước đây, khi chúng tôi sản xuất dư thừa và phải dùng tới nhiều biện pháp kích cầu để tiêu thụ xe,” người phát ngôn Tom Henderson của GM nói.

 

Do đều vừa thoát khỏi tình trạng bảo hộ phá sản năm 2009, nên cả GM và Chrysler đã có một số gián đoạn tạm thời trong sản xuất. Năm 2009, tổng sản lượng của Chrysler giảm 50%, còn GM giảm 44%. Trong khi đó, do không rơi vào tình cảnh bảo hộ phá sản, Ford chỉ chứng kiến sản lượng giảm 16% cùng năm, theo số liệu của J.D. Power & Associates.

 

Năm 2010, mặc dù các thị trường đã có một số tín hiệu ổn định trở lại, nhưng GM và Chrysler vẫn có sản lượng thấp hơn so với năm 2008, khi chưa xảy ra hàng loạt khó khăn. Cụ thể, lượng xe sẵn có trong kho của GM trên cả nước Mỹ giảm 43% xuống còn 424.000 xe, còn Chrysler giảm 53% xuống còn 191.000 xe. Trong khi đó, so với cùng kỳ năm 2008, lượng hàng lưu kho của Ford giảm 30% xuống còn 349.100 xe.

 

Nhật Minh

Theo Leftlane