Vụ bê bối sản xuất thép kém chất lượng Kobe Steel:

Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan An toàn Hàng không châu Âu vào cuộc

(Dân trí) - Kobe Steel, tập đoàn sản xuất thép lớn thứ ba Nhật Bản đang vướng phải vụ bê bối chất lượng trên phạm vi toàn cầu, hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Tư pháp Mỹ. Trong khi đó, Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu cũng khuyến cáo các công ty nên ngừng thu mua vật liệu từ Kobe Steel cho đến khi nhà chức trách xác nhận độ an toàn của các sản phẩm do tập đoàn này sản xuất.

Phó chủ tích của tập đoàn thép Kobe - Naoto Umehara (phải) cúi đầu trong buổi họp báo tại Tokyo
Phó chủ tích của tập đoàn thép Kobe - Naoto Umehara (phải) cúi đầu trong buổi họp báo tại Tokyo

Kobe Steel thông báo, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức yêu cầu chi nhánh của Tập đoàn tại Mỹ - Kobe Steel USA - trình các tài liệu và hồ sơ liên quan đến vụ bê bối làm giả dữ liệu khi tập đoàn này hiện cung cấp sản phẩm cho hàng loạt ngành công nghiệp tại Mỹ.

Vụ bê bối Kobe Steel ngày càng nghiêm trọng khi 6 nhà sản xuất ôtô nổi tiếng nhất của "xứ sở Mặt trời mọc" gồm Toyota, Mitsubishi Motors, Subaru, Mazda, Nissan và Honda thừa nhận đã sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu của Kobe Steel. Sau đó, các hãng Boeing, General Motors, Ford Motor và một số công ty khác của Mỹ đã phải mở các cuộc điều tra chất lượng. Động thái mới nhất này của chính phủ Mỹ nhằm nỗ lực xác định những hậu quả trong việc sử dụng các kim loại không sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật phù hợp.

Phát biểu trong một tuyên bố, hãng Kobe Steel khẳng định: “Hãng và các công ty con sẽ hợp tác chặt chẽ trong quá trình điều tra. Thời điểm này, tác động của vụ việc đến hiệu quả kinh doanh của hãng là chưa rõ ràng.”

Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan An toàn Hàng không châu Âu vào cuộc - 2

Trong khi đó, trước sự việc Kobe Steel thừa nhận đã làm giả dữ liệu chất lượng của một loạt sản phẩm cung cấp cho hàng trăm công ty trên toàn cầu, ngày 18/10, Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) cũng đã khuyến cáo các công ty nên ngừng thu mua vật liệu từ Tập đoàn sản xuất thép Kobe Steel cho đến khi nhà chức trách xác nhận độ an toàn của các sản phẩm do tập đoàn này sản xuất.

Trong một thông cáo trên wesite, EASA đề nghị các công ty hiện sử dụng sản phẩm của Tập đoàn Kobe Steel rà soát kĩ lượng các chuỗi cung ứng của mình nhằm xác định liệu họ có đang sử dụng các sản phẩm “bị nghi không được chấp thuận” của tập đoàn này hay không.

Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan An toàn Hàng không châu Âu vào cuộc - 3

EASA cũng khuyến cáo các bên liên quan báo cáo với cơ quan chức năng về việc sử dụng các vật liệu trên và tìm nhà cung ứng thay thế cho đến khi nhà chức trách có thể xác nhận “tính hợp pháp của các sản phẩm bị ảnh hưởng.”

Không chỉ dấy lên mối lo ngại về việc quản lý chất lượng sản phẩm, mà vụ bê bối của Kobe còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng đối với uy tín sản xuất sản phẩm chất lượng cao của “xứ sở Mặt trời mọc” trên thị trường. Bê bối làm giả dữ liệu này chắc chắn gây ra thiệt hại tài chính lớn hơn con số ước tính 133 tỷ USD. Nhưng xét về lâu dài, điều đáng lo ngại hơn là sự sụt giảm uy tín của Kobe Steel nói riêng và ngành sản xuất Nhật Bản nói chung.

Giám đốc điều hành Kobe Steel – ông Hiroya Kawasaki – mới đây đã buộc phải thừa nhận rằng sự sự tín nhiệm dành cho tập đoàn giờ bằng 0. Hiện số công ty bị ảnh hưởng đã lên tới con số 500.

Nissan chuẩn bị đưa ra đợt triệu hồi đầu tiên liên quan đến chất lượng thép của Kobe. Nhiều khả năng các mẫu xe đầu tiên sẽ là ở thị trường Nhật Bản.
Nissan chuẩn bị đưa ra đợt triệu hồi đầu tiên liên quan đến chất lượng thép của Kobe. Nhiều khả năng các mẫu xe đầu tiên sẽ là ở thị trường Nhật Bản.

Năm ngoái, cả Mitsubishi và Suzuki đều thừa nhận đã gian lận kiểm tra mức tiết kiệm nhiên liệu. Hồi tháng 6 vừa qua, tập đoàn sản xuất túi khí lớn thứ 2 thế giới Takata của Nhật Bản cũng đã chính thức nộp hồ sơ làm thủ tục bảo hộ phá sản ở cả Mỹ và Nhật Bản, do không thể cầm cự thêm trong cuộc khủng hoảng lỗi túi khí lan rộng trên phạm vi toàn cầu khiến ít nhất 17 người thiệt mạng, trong đó có 12 người tại Mỹ.

Takata sau đó đã phải chấp thuận đền bù 875 triệu USD cho các nhà sản xuất xe hơi về chi phí liên quan đến việc triệu hồi và 125 triệu USD cho các nạn nhân, 25 triệu USD cho Chính phủ Mỹ. Các khoản bồi thường này nằm trong thỏa thuận đã được thông qua giữa Takata và Bộ Tư pháp Mỹ. Không dừng lại ở đó, 3 cựu giám đốc điều hành của Takata cũng đã bị Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc giả mạo báo cáo kiểm tra và hiện đang chờ xử lý.

Gia Bảo
Theo New York Times, Independent

Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan An toàn Hàng không châu Âu vào cuộc - 5