DMagazine

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019

(Dân trí) - Mẫu xe mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên xuất xưởng, ôtô nhập khẩu miễn thuế ngập tràn, những đợt khuyến mại giảm giá kỷ lục, thêm nhiều thương hiệu siêu xe chính thức có mặt, những cuộc soán ngôi thú vị trên thị trường... Năm 2019 đã khép lại với nhiều biển chuyển, theo cả hướng tích cực và đáng phải suy nghĩ.

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019

Mẫu xe mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên xuất xưởng, ôtô nhập khẩu miễn thuế ngập tràn, những đợt khuyến mại giảm giá kỷ lục, thêm nhiều thương hiệu siêu xe chính thức có mặt, những cuộc soán ngôi thú vị trên thị trường... Năm 2019 đã khép lại với nhiều biển chuyển, theo cả hướng tích cực và đáng phải suy nghĩ.

1. Nhiều thay đổi "thượng tầng" đối với các thương hiệu ôtô tại Việt Nam

Thị trường ôtô Việt Nam xem ra vẫn là điểm đến nhiều hứa hẹn với các hãng xe lớn, đặc biệt là các thương hiệu siêu xe và siêu sang. Tháng 3/2019, Aston Martin chính thức góp mặt bằng đại lí đầu tiên tại Tp. Hồ Chí Minh. Đến tháng 8/2019, Ferrari cũng xuất hiện tại Sài Gòn, nhưng mới chỉ được thực hiện phần việc cung cấp dịch vụ bảo dưỡng chứ chưa được bán xe mới. 

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 1
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 2
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 3
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 4

Và đến cuối năm 2019, trả lời truyền thông châu Âu, đích thân CEO Mike Flewitt của McLaren cho biết, với những thành công ngoài mong đợi từ các thị trường châu Á (ngoài Trung Quốc), hãng xe lâu đời của Anh quốc này quyết định mở rộng thêm các đại lý của mình, trước mắt sẽ là Philippines và Việt Nam. Như vậy, sau Lamborghini, Bentley, Rolls-Royce…, thị trường Việt Nam dường như chỉ còn thiếu Bugatti nữa là đủ bộ những cái tên siêu xe - siêu sang mà người tiêu dùng quen thuộc nhất.

Bên cạnh đó là hàng loạt thay đổi của các thương hiệu đã có mặt trước đó. Đầu tiên là việc Jaguar Land Rover đã có sự chuyển giao về quản lý. Một tập đoàn trong nước đã liên doanh với tập đoàn PON (Hà Lan) để nhập khẩu và phân phối các dòng xe này. Đây cũng là công ty hoạt động trong lĩnh vực buôn bán ôtô lớn tại châu Âu, với các thương hiệu Audi, Volkswagen, Lamborghini, Bentley, Bugatti và cả Man, Caterpillar…

Trong khi đó, Nissan Việt Nam - liên doanh giữa Nissan Motor (Nhật Bản) và tập đoàn TanChong (Malaysia) đáng lẽ đã dừng hoạt động vào tháng 9/2019 theo tuyên bố của TanChong (từ cuối năm 2018), nhưng do không thể tìm được nhà phân phối đủ năng lực, liên doanh Nissan Việt Nam tiếp tục được Nissan Motor gia hạn hoạt động thêm một năm. Thời hạn “một năm để thử thách” này xem ra chỉ là lại cớ để “giữ thể diện”, khi mà đối với ngành công nghiệp và kinh doanh trong mảng ôtô, khoảng thời gian này không đủ để triển khai và thực hiện bất cứ một kế hoạch nào liên quan đến bán hàng, dịch vụ và đặt mua sản phẩm mới (từ nhà sản xuất và nhập khẩu).

Nissan Motor (Nhật Bản) đã từng tìm đến tập đoàn TC Motor (tiền thân là Hyundai Thành Công) nhưng những vấn đề cuối cùng liên quan đến đại lý đã khiến “mối lương duyên” này không trở thành hiện thực.

Cũng trong năm 2019, tập đoàn TanChong đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) với SAIC (Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải) về việc phân phối các mẫu xe của SAIC tại Việt Nam. Và theo thông tin báo Dân trí có được, thương hiệu đầu tiên của tập đoàn Trung Quốc này vào Việt Nam sẽ là MG - thương hiệu từng có mặt tại Việt Nam vào năm 2012. Ngoài ra, một hãng xe tải của Trung Quốc là DongFeng cũng đã thể hiện mục tiêu lấn sân tại thị trường Việt Nam khi chính thức giới thiệu mẫu crossover T5 tại Tp Hồ Chí Minh vào tháng 11 vừa qua.

2. Ngày càng nhiều các mẫu xe chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu nguyên chiếc

Hiệp định thương mại tự do khu vực ASEAN (AFTA) chính thức có hiệu lực đã giúp các hãng có thể nhập khẩu xe miễn thuế vào Việt Nam (nếu đáp ứng đủ điều kiện). Từ đó, phân khúc xe bình dân tại Việt Nam có sự chuyển biến rõ rệt, chỉ còn lắp ráp những mẫu xe mang hiệu quả kinh doanh cũng như đạt được các tiêu chí về sản lượng/tăng trưởng để được hưởng các ưu đãi về thuế TTĐB cho số phụ tùng, linh kiện nhập khẩu (phục vụ lắp ráp cũng như bảo hành bảo dưỡng).

Cụ thể, trong năm 2019 này, Toyota chỉ còn lắp ráp tại Việt Nam các mẫu: Vios, Innova và một phần Fortuner. Còn lại, Camry, Hilux, Wigo, Avanza, Rush, Yaris… những mẫu xe bán chạy có nguồn gốc ASEAN được nhập khẩu nguyên chiếc.

Honda giữ City lại lắp ráp trong khi nhập khẩu Civic, Accord, CR-V, HR-V, Jazz…

Mitsubishi nhập khẩu Xpander, Pajero/ Pajero Sport, Mirage/Attrage, và Triton, chỉ duy trì lắp ráp Outlander.

Suzuki chỉ lắp xe tải nhẹ, trong khi toàn bộ danh mục sản phẩm xe du lịch đều nhập khẩu; gồm: Ciaz, Celerio, Ertiga…

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 5
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 6
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 7
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 8

Thậm chí, Mercedes-Benz, thương hiệu xe sang duy nhất có nhà máy tại Việt Nam, trong năm 2019 vừa qua cũng đã chuyển sang nhập khẩu mẫu GLC và một phần dòng C-class - dòng xe bán nhiều nhất của thương hiệu này, thay vì lắp ráp tại nhà máy ở Tp. Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11/2019, đã có khoảng 133.700 xe nhập khẩu vào Việt Nam; trong đó, có tới hơn 117.000 xe miễn thuế nhập khẩu đến từ Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, trớ trêu ở chỗ, cho dù đẩy mạnh nhập khẩu, cạnh tranh với dòng xe lắp ráp trong nước nhưng thực tế là người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải mua những dòng xe có giá bán cao hơn so với các mẫu xe cùng loại, tại các thị trường khác trong khu vực ASEAN.

3. Cạnh tranh ngày càng mạnh tại thị trường ôtô Việt Nam với việc “chia lại” thị phần

Nếu như năm 2018, Toyota vẫn duy trì ngôi vị số 1 tại thị trường Việt Nam với gần 66.000 xe bán ra (tương đương 23,8% thị phần của VAMA) lớn hơn gấp đôi so với thương hiệu đứng sau thì bước sang năm 2019 này, thị trường Việt Nam ghi nhận việc xu hướng tiêu dùng thay đổi, khi người tiêu dùng tìm thấy nhiều lựa chọn phù hợp hơn từ các thương hiệu khác.

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 9

Năm 2019 ghi nhận những đợt khuyến mại, hỗ trợ lên tới hàng trăm triệu đồng cho những mẫu xe được coi là “tượng đài” của Toyota tại Việt Nam, như Innova, Fortuner… Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của hãng xe Nhật Bản này tại Việt Nam. Chỉ vài năm trước, người tiêu dùng Việt Nam còn phải trả thêm tiền ngoài giá bán cho đại lý để “được” mua xe của Toyota.

Tại tất cả các phân khúc mà Toyota có sản phẩm tham gia đều diễn ra sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ khác. Cụ thể, phân khúc bán tải và SUV có sự cạnh tranh từ Ford; xe hạng B dành cho khách hàng mới và vận tải nhỏ có sự cạnh tranh từ Hyundai và KIA; phân khúc xe du lịch hạng C có sự so kè của Mazda; thậm chí, ở phân khúc xe đa dụng 7 chỗ vốn được coi là lãnh địa của Innova nay cũng gặp khó khăn với sự cạnh tranh của Mitsubishi…

Tính đến hết tháng 11/2019, Hyundai tại Việt Nam đã bán ra 70.800 xe, vượt qua Toyota (bán ra 70.600 chiếc). Điều đáng lưu ý là gần như toàn bộ các mẫu xe của Hyundai (chỉ với 6 mẫu xe du lịch) đều được lắp ráp trong nước (xe chuyên dụng nhập khẩu chỉ có 252 xe), trong khi Toyota có tới 13 mẫu xe lắp ráp và nhập khẩu.

Ngoài ra, nếu tính gộp các dòng xe du lịch hạng trung bình và các dòng xe thương mại, tập đoàn Trường Hải còn đạt doanh số 82.828 xe, chưa kể doanh số từ dòng xe hạng trung cao cấp như BMW, Peugeot, MINI…

Xu hướng tiêu dùng có sự thay đổi mang tới một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ hơn đối với các thương hiệu hiện có tại thị trường ôtô Việt Nam, điều này giúp người tiêu dùng được hưởng lợi hơn, khi mà các hãng, không còn cách nào khác, phải tung ra các sản phẩm tốt, có giá bán phù hợp nhất, cũng như có thêm nhiều các chương trình hỗ trợ hậu mãi…

4. Xe nhập khẩu từ Trung Quốc sử dụng bản đồ có đường 9 đoạn vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam

Không ai và không cơ quan nào biết được từ bao giờ các trên các dòng xe có xuất xứ từ Trung Quốc, với nhiều thương hiệu khác nhau, có mặt tại Việt Nam lại sử dụng bản đồ định vị có đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Chỉ biết rằng sự việc này được phát hiện vào giữa tháng 10/2019, khi một chiếc Zotye T600 cũ (phiên bản 2017) đang được rao bán bị phát hiện sử dụng bản đồ định vị có đường lưỡi bò. Sau đó, có thêm chiếc Zotye Z8 cũng bị phát hiện tương tự.

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 10
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 11
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 12

Nhà phân phối thương hiệu ôtô Trung Quốc này đã đưa ra văn bản cam kết sẽ kiểm tra các mẫu xe mới nhập khẩu, cũng như chủ động liên hệ với khách hàng để gỡ bỏ ứng dụng này.

Tuy nhiên, sự việc chưa dừng ở đó, đến cuối tháng 10/2019, một chiếc Volkswagen trưng bày tại Triển lãm Ôtô Việt Nam 2019 bị phát hiện cũng có hệ thống định vị sử dụng đường lưỡi bò. Đây là một trong hai chiếc xe được nhà phân phối ở Việt Nam mượn lại đối tác là nhà sản xuất tại Trung Quốc để trưng bày triển lãm. Sau sự việc này, chiếc xe trưng bày tại triển lãm này bị tịch thu, và các cơ quan quản lý đã xử phạt cả nhà phân phối và nhập khẩu Volkswagen. Cùng thời điểm này, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ phát hiện thêm 7 chiếc xe du lịch mang thương hiệu Hanteng (Trung Quốc) có vi phạm tương tự.

Sự việc dẫn tới yêu cầu cần có quy định bắt buộc phải kiểm tra (và cả những biện pháp xử phạt nghiêm khắc) 100% để không để bất cứ một mẫu xe nào sử dụng bản đồ vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam lăn bánh trên đường phố.

5. Hiện tượng Mitsubishi Xpander: vừa nhiều triệu hồi, vừa có lỗi phải bảo hành nhưng vẫn bán chạy hơn các "ông lớn"

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 13
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 14

2019 xứng đáng được coi là năm của Mitsubishi Xpander, không chỉ tại thị trường Việt Nam, mà trong toàn bộ khu vực ASEAN. Tính đến hết tháng 11/2019, Xpander bán ra 17.306 xe, trong khi "ông vua" ở phân khúc này lâu nay là Toyota Innova chỉ đạt 10.748 xe. Doanh số này giúp Xpander vượt lên ở vị trí thứ 3 trong số những mẫu xe bán nhiều nhất Việt Nam, chỉ sau Toyota Vios (23.998 xe) và Hyundai Accent (17.551 xe). Đây là sự tăng trưởng thần tốc bởi kết thúc năm 2018, Mitsubishi Việt Nam chỉ bán ra vỏn vẹn 990 xe.

Đạt được doanh số lớn như vậy, bất chấp việc phải đặt hàng sản xuất từ Indonesia (cho cả khu vực ASEAN) nhưng với thiết kế hiện đại và giá bán được coi là hợp lý, Mitsubishi Xpander đã tạo ra một sức ép khủng khiếp không chỉ cho các đối thủ cùng phân khúc mà còn khiến thị phần của các dòng xe dành cho gia đình và cá nhân (có cùng khoảng giá) phải dè chừng.

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 15
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 16
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 17

Doanh số này của Mitsubishi Xpander còn trở nên đặc biệt hơn khi mà doanh số không hề giảm sút bất chấp việc trong tháng 10 vừa qua, mẫu MPV 5+2 này chính thức phải triệu hồi (vì lỗi bơm xăng) và vẫn đang phải đối đầu với vấn đề kỹ thuật (hệ thống giảm xóc bị chảy dầu). Ngoài ra, cũng cần phải nói đến việc Mitsubishi Xpander đạt được điều này khi mà không có nhiều sự lựa chọn - chỉ có 2 phiên bản (MT và AT).

Thêm một trường hợp khá thú vị về thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam “đã yêu thì bất chấp rủi ro”.

6. Ra mắt mẫu ôtô Việt Nam đầu tiên với thương hiệu VinFast Lux cùng chính sách giá bán “đặc biệt”

Mẫu ôtô Việt Nam đầu tiên của thương hiệu VinFast là Lux A/SA 2.0 xuất xưởng vào tháng 7/2019 đánh dấu việc tham gia một cách đầy đủ việc sản xuất một mẫu ôtô tại thị trường Việt Nam từ lên ý tưởng, thiết kế, sản xuất… Và ở những khía cạnh nhất định, chất lượng của mẫu xe này được chứng minh khi cả VinFast Lux A và Lux SA đều đạt tiêu chuẩn an toàn 5 sao của chương trình đánh giá xe mới khu vực Đông Nam Á - ASEAN NCAP (ở các hạng mục an toàn cho người lớn, cho trẻ em và các tính năng hỗ trợ an toàn).

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 18
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 19

Không chỉ gây thu hút với sự xuất hiện này, VinFast còn làm thị trường chú ý với chính sách giá bán: Công bố giá bán ngay từ khi chưa sản xuất xe, đưa ra các lộ trình tăng giá xe từ cuối năm 2018 trong khi đến tháng 7/2019 mới có xe để giao tới người tiêu dùng. Đến tháng 11/2019, VinFast công bố bảng cơ cấu giá thành của xe Lux, lí giải cho việc vì sao có các đợt tăng giá các mẫu Lux của mình.

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 20
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 21

Theo VinFast, các căn cứ cấu thành xe (bao gồm chi phí vật tư, sản xuất, thuế…) cho thấy hiện hãng đang bán xe với không chỉ không có lãi, mà phải bù lỗ tới 300 triệu đồng/xe cho người tiêu dùng. Chưa hết, bất chấp việc hoàn toàn lỗ tại mảng ôtô, VinFast còn làm ngược lại các cách thức kinh doanh thông thường khi quyết định miễn lãi vay cho người mua Lux trong hai năm đầu tiên, tặng quà tri ân cho những người đặt mua xe trong năm 2019 với mức ưu đãi lên tới 200 triệu đồng.

Sự xuất hiện của mẫu xe Việt Nam đầu tiên (của VinFast) cùng với các mẫu xe trong tương lai, sẽ khiến người tiêu dùng có niềm tự hào về việc sở hữu một mẫu xe ôtô mang thương hiệu Việt Nam và được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, với cách thức kinh doanh “hoàn toàn lỗ” này, câu hỏi chung của thị trường là: "VinFast sẽ duy trì được bao lâu?" trong khi các nghĩa vụ về bảo hành, bảo dưỡng và chất lượng sản phẩm khi lưu hành cần phải được đảm bảo (ngay cả khi hết thời hạn bảo hành).

7. Hiệu ứng chặng đua F1 tại Hà Nội 

Sau khi thành phố Hà Nội chính thức nhận quyền đăng cai một chặng đua F1 vào tháng 4/2020, mối quan tâm của những người hâm mộ bộ môn tốc độ này gia tăng đáng kể. Hàng loạt cuộc đua được tổ chức để đón đầu các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Các cuộc đua Vietnam Offroad Cup (VOC), Knock Out the King (KOK) hay giải đua xe địa hình tại Ninh Thuận, giải đua Vietnam Auto Gymkhana Championship… được gấp rút tổ chức.

Thậm chí, các “vận động viên” Việt Nam còn ý thức được cuộc chơi tầm cỡ quốc tế này đã tự ghi tên, tham gia sinh hoạt và các giải đua vốn được FIA công nhận để “tích điểm” như đội đua Racing AKA tham gia giải đua ASIA Cross Country Rally 2019, đội đua Redline Racing giải đấu Asia Auto Gymkhana Championship 2019…

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 22
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 23
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 24

Tuy nhiên, những sự việc này cũng phơi bày một thực tế mà xuất hiện tại Hà Nội để khởi công đường đua F1- Chủ tịch FIA Jean Todt tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi Việt Nam đã được tổ chức một giải đua số 1 thế giới về tốc độ nhưng không có một cơ quan kiểm soát tổ chức và một giải đua nào đạt chuẩn về kỹ thuật, các tiêu chí về an toàn…

Và rõ ràng, những cuộc đua kể trên đều mang tính cục bộ, không có điều lệ, quy định an toàn, tiêu chuẩn vận động viên một cách thống nhất và đúng nhất. Chưa kể, để tham các cuộc đua trong khu vực được FIA công nhận các vận động viên tham gia phải được cấp một giấy phép đạt chuẩn - điều mà không một tổ chức nào tại Việt Nam được phép thực hiện (theo quy định của FIA).

Hai bài thi tại vòng sơ loại phía bắc của giải Gymkhana 2019

Thậm chí, với Hiệp hội thể thao xe động cơ Việt Nam (Vietnam Motorsport Association - VMA) được thành lập với mục đích tổ chức các giải đua trong hệ thống được công nhận FIA (đơn vị đang tổ chức Vietnam Auto Gymkhana Championship) thì đến thời điểm nội dung này được thực hiện, VMA vẫn chưa được FIA chính thức công nhận và đặc biệt là chưa được Chính phủ Việt Nam công nhận là đơn vị có quyền đăng cai các giải đua xe chính thức tại Việt Nam, theo các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự xuất hiện của một chặng đua F1 tại Hà Nội tới đây sẽ thúc đẩy bộ môn thể thao tốc độ này Việt Nam, và hy vọng từ những giải đấu sơ khai này, hy vọng sẽ mang tới những vận động viên tiềm năng, mới tới sức sống mới cho môn đua xe tại Việt Nam. Theo thông tin mới nhất, giải đua Thailand Super Series sẽ trở thành giải đua phụ ngay trước ngày đua chính thức F1 tại Việt Nam. Đây là giải đua có sự góp mặt của hàng loạt siêu xe thể thao như Lamborghini Gallardo R-EX, Audi R8 EVO, Lamborghini Huracan EVO, Lexus RC- F, Ferrari 458...

8. Thị trường ôtô xáo động với hàng loạt đợt giảm giá trăm triệu đồng

Chưa bao giờ như trong năm 2019 này, thị trường ôtô lại có những đợt giảm giá với những con số “khủng khiếp”; BMW giảm giá cho 3-series và 5-series (nhập khẩu trong năm) từ 100 – 300 triệu đồng, Mazda đồng loạt giảm từ 50 – 60 triệu đồng cho CX-5 và CX-8 (mẫu CX-5 cũ còn có mức giảm lên tới 100 triệu đồng), Toyota Fortuner máy dầu giảm 100 triệu đồng, Subaru Forester giảm 90 – 140 triệu đồng so với giá công bố, Mitsubishi giảm 90 triệu đồng cho mẫu Pajero Sport 4x2 diesel phiên bản số sàn, Chevrolet Trailblazer tiếp tục duy trì giảm 100 triệu đồng so với giá bán mà nhà phân phối cũ công bố…

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 25
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 26
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 27

Việc giảm giá xe với các mức giảm tính bằng trăm triệu đồng này (ở cả các phiên bản mới ra mắt và phiên bản cũ), giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội và phương án mua xe hơn.

Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng, đây là hệ quả của việc đánh giá sai sự tăng trưởng thị trường, dẫn đến việc cung vượt quá cầu, trong khi sức cạnh tranh của các thương hiệu có mặt trên thị trường ngày càng gay gắt.

Tuy nhiên, việc giảm giá khủng khiếp như vậy cũng mang tới những hệ quả khó lường về hình ảnh và đặc biệt là việc chăm sóc khách hàng. Bạn thấy sao khi cùng mua một mẫu xe, chỉ sau một đêm thức dậy, bạn đã “mất đi” cả trăm triệu đồng - con số không hề nhỏ. Chưa kể việc giảm giá liên tục này sẽ khiến người tiêu dùng e dè với quyết định mua xe khi mà không biết, “ngày mai sẽ có thể sẽ giảm giá và khuyến mại nhiều hơn”.

Đáng quan tâm, đối với những chương trình giảm giá kéo dài, với mức giảm cao không khỏi khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi: "Đâu là giá trị thực của chiếc xe và việc định giá sản phẩm của các hãng có “vấn đề” tại thị trường Việt Nam?"

Mặc dù vậy, với bất kể lý do và cách lý giải nào đi chăng nữa, rõ ràng đây là cơ hội tốt để mua xe đối với người tiêu dùng Việt Nam, cơ hội để được chăm sóc và phục vụ đúng nghĩa của những “Thượng đế”.

9 Xe nhập khẩu thêm cơ hội với quy định chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 28

Mở cửa hơn đối với xe nhập khẩu sau khi đã đưa vào nền nếp? Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng; “Việc sửa đổi các quy định về thông quan xe nhập khẩu quy định tại Nghị định 116/2017 là phù hợp với bối cảnh thị trường ôtô khi mà hoạt động nhập khẩu ôtô đã đi vào ổn định”.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản sửa đổi quy định của Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh ôtô nhập khẩu. Theo đó, thay vì hình thức kiểm tra theo lô trước khi thông quan (tiền kiểm), các dòng xe này sẽ chuyển sang kiểm tra theo kiểu loại (hậu kiểm). Điều này thực sự mang tới cơ hội mới cho các thương hiệu kinh doanh nhập khẩu ôtô tại Việt Nam.

Theo những quy định hiện tại, bất cứ lô xe nào nhập khẩu vào Việt Nam, thuộc bất cứ phiên bản nào, ở bất cứ cảng biển nào (trong số 5 cảng biển được phép thông quan ôtô dưới 16 chỗ là Quảng Ninh (Cái Lân), Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu), nhà nhập khẩu phải mang một mẫu xe thuộc mỗi chủng loại, phiên bản tới cơ quan đăng kiểm để làm thủ tục chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và môi trường rồi mới được phép thông quan, bán tới người tiêu dùng. Trong khi đó, cả nước hiện chỉ có một trung tâm đăng kiểm duy nhất tại Hà Nội đủ điều kiện kiểm định xe mới đối với các mẫu xe nhập khẩu.

Theo đại diện một thương hiệu ôtô tại Việt Nam có kinh doanh nhập khẩu ôtô tại Việt Nam, động thái chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ kiểm định theo lô sang kiểm định theo chủng loại sẽ giúp các hãng tiết kiệm khoảng một nửa thời gian đưa ra sản phẩm mới vào thị trường Việt Nam, chưa kể việc sẽ giúp tối ưu đầu tư khi không mất quá nhiều thời gian vào việc kinh doanh ôtô nhập khẩu.

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 29

Ở khía cạnh khác có thể nhận thấy những điều kiện quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP đã không còn là trở ngại với các hãng, khi mà thực tế ghi nhận số lượng các mẫu xe nhập khẩu tăng lên không ngừng trong năm 2019 này. Và việc thay đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” cũng chỉ là một bước nới rộng đường cho các dòng xe nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, khi mà trước đó, phản ứng của các hãng kinh doanh nhập khẩu ôtô đã khiến các nhà quản lý phải “định nghĩa lại” quy định về giấy chứng nhận kiểu loại.

Theo đó, các quy định tại Thông tư 03/2018/TT-BGTVT yêu cầu các thương hiệu muốn nhập khẩu xe mới sẽ phải cung cấp Giấy chứng nhận kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại nước ngoài (là giấy chứng nhận về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), và nước cấp giấy chứng nhận VTA không nhất thiết phải đúng là nước sản xuất. Điều này xuất phát từ chính thức tế là không một cơ quan nào tại Nhật Bản, Mỹ… có đủ thẩm quyền để cung cấp loại giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng cho các mẫu xe xuất khẩu sang Việt Nam.

10. Phân khúc xe máy điện bắt đầu phát triển

Ngay sau khi tổ hợp sản xuất ôtô xe máy trong nước - VinFast nhảy vào cuộc chơi xe máy điện, với mẫu xe đầu tiên mang tên Klara, phân khúc này tại Việt Nam mới được để ý một cách đúng mực, còn trước đây bị coi là dành riêng cho các dòng xe ít tên tuổi đến từ Trung Quốc.

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 30
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 31
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 32

Tháng 9/2019, hãng xe máy điện MBI của Hàn Quốc đã chính thức góp mặt tại thị trường Việt Nam với ba mẫu xe tham gia vào phân khúc hạng trung, có giá bán từ 40 - 60 triệu đồng. Đến tháng 11/2019, Yadea - thương hiệu xe máy điện của Trung Quốc bán nhiều nhất thế giới năm 2018 - cũng chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam, với nhà máy đầu tiên tại Bắc Giang cùng các dòng sản phẩm với giá bán 16 - 40 triệu đồng. Ngoài ra, cùng với các thương hiệu xe máy điện có sẵn tại thị trường Việt Nam như Pega (tiền thân là HKbike), Terra, Detech hay các dòng xe máy điện có nguồn gốc Trung Quốc nhưng có tên gọi Honda, Vespa… phân khúc xe máy điện được đánh giá là ngày càng phát triển tại Việt Nam - một trong những thị trường hai bánh lớn nhất thế giới.

10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 33
10 điểm nhấn trên thị trường ôtô - xe máy Việt Nam năm 2019 - 34

Tuy nhiên, cùng với việc ngày càng phát huy được các ưu điểm đối với người tiêu dùng Việt Nam - sử dụng đơn giản, chi phí vận hành rẻ, các phương thức sử dụng dễ dàng (tự sạc pin hoặc có các điểm đổi pin ngày càng nhiều), một vấn đề cần được quan tâm đúng mực của các nhà quản lý là yếu tố môi trường. Rõ ràng việc không phát thải CO2 là một thế mạnh của xe điện, nhưng quá trình xử lý pin lithium (thường có tuổi thọ khoảng 5 năm) và ắc-quy chì (khoảng 3 năm) sẽ gây hại môi trường rất lớn nếu không được thực hiện đúng cách.

Thực tế hiện nay, VinFast mới chỉ có kế hoạch xây dựng nhà máy tái chế ắc-quy sau khi sử dụng, còn lại các thương hiệu khác đều chưa có bất cứ phương án nào để giải quyết vấn đề này, thậm chí các hãng còn đưa ra phương án thu mua để xuất khẩu để tái chế (hầu hết là trở lại Trung Quốc) - một phương án được đánh giá là không khả thi kể cả trên phương diện kinh doanh và thực tế.

Ô tô- Xe máy