Trường Sa - Đi và hiểu

“Trước chuyến đi Trường Sa, tình yêu biển, đảo đối với mình là có nhưng nó không mãnh liệt như lúc mình trở về. Đây thật sự không còn là một trải nghiệm nữa mà nó là chuyến đi học và thấu hiểu”.

Đó là những chia sẻ rất thật của Lê Thị Kiều Nhi (năm thứ hai, khoa Y, trường ĐH Y Dược TP. HCM) sau khi trở về từ chuyến đi Trường Sa, trong chương trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2017”.

“Ý tưởng xuất phát từ chính cái mình đang có”

Kiều Nhi cho rằng, cơ hội đi Trường Sa đến với cô là một điều rất tình cờ và cũng rất may mắn. Cô biết đến chương trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2017” thông qua một cuộc họp do Hội Sinh viên trường tổ chức.

Sau khi nghe thông báo, Kiều Nhi không có chút quan tâm đặc biệt nào đến nó, thậm chí, cô còn nghĩ chương trình ấy quá lớn lao so với một sinh viên năm thứ hai như mình và việc đưa ra một ý tưởng hữu ích cho cuộc sống của chiến sĩ và người dân sống trên đảo cũng trở nên quá xa vời.

Nhưng sau khi nghe Chủ tịch Hội Sinh viên chia sẻ những kinh nghiệm, những bài học đắt giá anh thu nhận được sau 3 lần đi đến các vùng biển, đảo khác nhau thì Kiều Nhi đã suy nghĩ một cách nghiêm túc và quyết định đăng ký, cho dù trong đầu cô chưa hề hình thành một ý tưởng cụ thể nào cả.


Lê Thị Kiều Nhi, đại biểu thanh niên tham gia chương trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2017”.

Lê Thị Kiều Nhi, đại biểu thanh niên tham gia chương trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2017”.

“Từ việc lên mạng tìm kiếm thông tin, mình phát hiện ra, những thông tin về sự thiếu thốn ở Trường Sa còn rất hạn chế. Và mình rất muốn làm một điều gì đó để tập hợp mọi thông tin cần thiết về những thứ mà các chiến sĩ và người dân sống trên đảo đang cần, đang gặp khó khăn, giúp định hướng chính xác sự giúp đỡ của đất liền dành cho họ.

Chuyên môn của mình là mảng y tế, vì vậy, cái thiết thực nhất mà mình có thể giúp đỡ họ là các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Thế rồi, mình đã xác định được cái mình muốn làm là xây dựng một cổng thông tin y tế, sức khỏe Trường Sa”, Kiều Nhi bộc bạch.

Chiếc cầu nối hai chiều

Lê Thị Kiều Nhi là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn khoa Y, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên khoa Y, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên trường ĐH Y Dược TP. HCM.

Kiều Nhi cho biết: “Theo nhiều nguồn thông tin, mình nhận thấy nhu cầu y tế ở Trường Sa là vấn đề cấp thiết nhưng đội ngũ cán bộ y tế cũng như nguồn lực y tế ở đây lại thiếu thốn. Mặc dù Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ nhưng trung bình, mỗi đảo của Trường Sa chỉ có từ một đến hai nhân viên y tế. Trong khi đó, số lượng chiến sĩ thì lại đông. Mỗi người đều phải tự trang bị những kiến thức y tế cơ bản để khôngbị phụ thuộc quá nhiều vào nhân viên y tế.

Hiểu theo cách đơn giản, ý tưởng “Cổng thông tin y tế, sức khỏe Trường Sa” là một website tích hợp nhiều nội dung và hình thức thể hiện. Trong đó, cung cấp chủ yếu các kiến thức về y tế và sức khỏe. Mình mong muốn xây dựng nó thành một chiếc cầu nối hai chiều, từ đất liền ra biển, đảo và ngược lại.

Theo kế hoạch của dự án, ở đảo sẽ thành lập một câu lạc bộ tên là Blouse Xanh. Hàng tháng, câu lạc bộ sinh hoạt theo một chuyên đề nhất định, do chính sinh viên tụi mình tự biên soạn, với sự giúp đỡ của các giảng viên và các anh chị khóa trên. Sau đó, các chuyên đề sẽ được tải lên website, những người phụ trách chính trong CLB Blouse Xanh có trách nhiệm tổng hợp thông tin, rồi tổ chức sinh hoạt cho các chiến sĩ.

Thêm nữa, để tránh sự nhàm chán trong mỗi chuyên đề, mình sẽ bổ sung thêm các trò chơi nhỏ nhưng mang tính ứng dụng cao. Bên cạnh đó, mình cũng chú trọng soạn thảo các nội dung phát trên radio của website để không chỉ các chiến sĩ mà người dân trên đảo cũng có thể tiếp cận được những kiến thức ấy.

Ngoài ra, các hệ thống tuyên truyền khác, như: Tờ rơi, áp phích… về các bệnh và cách phòng bệnh cũng được in ấn và gửi ra các đảo, thông qua những chuyến tàu.

Mình nghĩ rằng, việc lựa chọn đại biểu thanh niên tham gia chương trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” không chỉ dựa vào tiêu chí “ý tưởng hay” mà còn dựa vào cách mình thể hiện tình yêu đối với biển, đảo như thế nào và khao khát được đến những nơi đó”.

“10 ngày trở nên thật ngắn ngủi”

Qua lời kể của Kiều Nhi, dường như những cảm xúc vẫn còn y nguyên trong cô và tất cả mọi chuyện như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua.


Lê Thị Kiều Nhi, đại biểu thanh niên tham gia chương trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2017”.

Lê Thị Kiều Nhi, đại biểu thanh niên tham gia chương trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2017”.

“Điều duy nhất mình thấy tiếc nuối là thời gian ở lại Trường Sa quá ít, 10 ngày trở nên thật ngắn ngủi. Những dư âm về chuyến đi hiện giờ vẫn khiến mình xúc động. Mình nhớ, lúc mới ra đảo, biển rất trong xanh và đẹp. Các chiến sĩ tận tình dùng xuồng đưa từng nhóm nhỏ vào bờ, giúp đoàn cởi áo phao, đưa nước cho từng người rửa tay chân, mặt mũi.

Khi sinh hoạt cùng các chiến sĩ, mình phát hiện ra một điều rất thú vị, tuy có vẻ bề ngoài cao to, rắn rỏi nhưng hễ các bạn nữ bên đội văn công đến trò chuyện, nắm tay cùng chơi những trò chơi tập thể thì trông các anh lại rất ngại ngùng, e thẹn và cũng thật dễ thương”, Kiều Nhi chia sẻ.

Nhi cho biết, cô sẽ không bao giờ quên được hình ảnh về cuộc sống đầy khó khăn của các chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió. Đó không chỉ là sự thiếu thốn về nước ngọt, rau xanh mà nó còn là sự thiếu hụt lớn về mặt tinh thần. Đặc biệt, câu chuyện kể về 64 người lính nắm tay nhau hy sinh ở Gạc Ma vẫn ám ảnh trong tâm trí Nhi, khiến cô càng thêm trân trọng những giây phút bình yên hiện tại.

“Một điều quan trọng nữa, tất cả mọi người trong đoàn đều cảm nhận đượcsự thương mến dạt dào mà những người lính đảo gửi gắm trong từng món quà tự tay làm để tặng cho mỗi thành viên, trước lúc đoàn chia tay,trở lại đất liền.

Sau chuyến đi, mình cảm thấy suy nghĩ chín chắn hơn, có thêm những mối quan hệ vừa chân tình, vừa đặc biệt với các bạn sinh viên, các anh chị và cô chú trong đoàn. Đặc biệt, chuyến đi đã vun đắp thêm tình yêu của mình đối với biển, đảo quê hương Việt Nam”, Nhi bộc bạch.

“Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” là chương trình do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức định kỳ hằng năm nhằm thể hiện tinh thần yêu nước và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tham gia ủng hộ, giúp đỡ xây dựng các điểm đảo, chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.

Theo Phạm Văn - Biển Phạm

Sinh viên Việt Nam