Trò chuyện với “hot boy” duy nhất đoàn Việt Nam tại HYLI 2013

(Dân trí) - Là một trong 4 đại diện Việt Nam tại HYLI 2013, Nguyễn Vũ Nhật Anh đã học hỏi được rất nhiều từ diễn đàn lần này cũng như cùng các đại diện các nước thảo luận về việc gắn kết bạn trẻ ASEAN trong thời gian tới…

Vượt qua rất nhiều hồ sơ nặng ký, Nguyễn Vũ Nhật Anh đã trở thành một trong 4 đại diện Việt Nam tham gia chương trình Sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi lần thứ 12 (HYLI 2013) tại Bangkok, Thái Lan.

 

Tại đây, chàng sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành Quan hệ quốc tế (ĐH KHXH&NV TP.HCM) cùng 27 bạn trẻ xuất sắc khác đến từ 6 nước ASEAN và Nhật Bản đã được tham dự các buổi diễn thuyết, làm việc nhóm cũng như tham quan, giao lưu thực tế.

 

Và trước khi HYLI 2013 khép lại, PV Dân trí đã có dịp trò chuyện với Nhật Anh, chàng trai duy nhất của đoàn Việt Nam về ấn tượng chương trình và những kinh nghiệm học hỏi được từ bạn bè trong khu vực.
 
Trò chuyện với “hot boy” duy nhất đoàn Việt Nam tại HYLI 2013
Nhật Anh trong một phiên họp chương trình.

 

Khi được thông báo là một trong 4 đại diện Việt Nam tham dự HYLI 2013, Nhật Anh đã có sự chuẩn bị như thế nào và sự chuẩn bị đó có đủ để em tự tin trong những cuộc hội thảo, làm việc nhóm không?

 

Cùng với việc thông báo được chọn là một trong những đại diện Việt Nam tham dự HYLI 2013, Ban tổ chức cũng đã yêu cầu em chuẩn bị một bài tiểu luận ngắn liên quan tới chủ đề chương trình. Khi làm bài viết này, Nhật Anh cũng thực hiện một số nghiên cứu về các vấn đề liên quan.

 

Đồng thời trước khi HYLI diễn ra, BTC cũng đã phát những bài tiểu luận của các bạn tham dự HYLI do vậy em cũng có dịp đọc được ý kiến của mọi người. Và điều thú vị ở chỗ toàn bộ ý kiến của mọi người đều khác nhau, không hề trùng lặp về chủ đề.

 

Chủ đề diễn đàn chỉ xoay quanh vấn đề kinh tế ASEAN nhưng những đại biểu tham dự lại đang học ở những ngành, lĩnh vực khác nhau thậm chí những ngành mà ít người nghĩ lại có thể tham gia chương trình này như y tế, dinh dưỡng nhưng họ lại đưa ra được góc nhìn xác đáng.

 

Còn chuẩn bị có đủ để mình hoàn toàn thoải mái tham dự diễn đàn hay không, thẳng thắn mà nói là không. Lúc đầu em cũng khá yên tâm với những kiến thức mình được đào tạo và đã nắm vững nhưng khi tiến đến góc nhìn mới như từ mảng y tế ảnh hưởng tới sự luân chuyển người lao động, đều là kiến thức mới và em phải ghi chép lại. Song đó không phải sự lo lắng mà chỉ là bỡ ngỡ thôi.

 
Khi tham gia các hoạt động tại HYLI 2013, em ấn tượng nhất điều gì?
 

Khi tham gia các hoạt động tại HYLI 2013, em ấn tượng nhất điều gì?

 

Hầu như tất cả các hoạt động trong lịch trình, em đều tham gia. Tuy nhiên ấn tượng nhất chính là những buổi báo cáo và làm việc chung với các bạn nước ngoài. Chính nhờ làm việc chung nên mình mới học hỏi không chỉ ở mặt kiến thức mà còn cách thức làm việc.

 

Thẳng thắn mà nói, họ làm việc chuyên nghiệp hơn mình, tất nhiên còn do chênh lệch tuổi tác bởi trong nhóm em có những bạn nước khác đang học thạc sĩ, tiến sĩ. Khoảng cách đó ít nhiều xóa nhòa khi mọi người sử dụng tiếng Anh nhưng cách họ làm việc, thái độ tiếp cận công việc họ giúp em học tập được rất nhiều.

 

Trong quá trình thảo luận, một vấn đề nữa nảy sinh, tiếng Anh để thể hiện quan điểm, ý tưởng chưa đủ. Em nghĩ bản thân em và cả 3 SV còn lại trong đoàn Việt Nam, tiếng Anh thể hiện kiến thức không phải là kém nhưng vấn đề là mình thể hiện ra như thế nào và đóng góp cho buổi thảo luận ra sao. Đây là một trở ngại nhất định đối với bản thân em.

 
Khi tham gia các hoạt động tại HYLI 2013, em ấn tượng nhất điều gì?
4 đại diện của Việt Nam tại HYLI 2013.
 

Em có thể nói rõ hơn về tính chuyên nghiệp của bạn trẻ nước khác mà em học được ở chương trình lần này?

 

Trong quá trình làm việc nhóm, em thực sự nể đại diện Nhật Bản. Bạn này hơn em 2 tuổi và đang làm thạc sĩ. Ngay từ đầu, bạn không cố chứng tỏ sự lãnh đạo mà đóng vai trò dẫn dắt cả nhóm. Bạn lần lượt hỏi ý kiến mọi người và cẩn thận ghi chép lên bảng chung để mọi người cùng nắm ý kiến của nhau.

 

Trong quá trình thảo luận, mọi người nói rất nhiều nhưng bạn ấy tự tìm ra những từ khóa quan trọng để ghi lại ý kiến và tóm tắt ý kiến mọi người thành một bản.

 

Em cũng từng phụ trách một CLB tiếng Anh nên khái niệm “dẫn dắt mọi người” không quá xa lạ. Nhưng để dẫn dắt mọi người, hay đơn giản điều hành một cuộc họp sao cho hiệu quả lại không hề đơn giản bởi trong cuộc họp của các bạn SV Việt Nam, mọi người nói nhiều nhưng dàn trải. Do vậy điều quan trọng là phải tóm tắt lại được nội dung và giải quyết được vấn đề gì mà mọi người đã đưa ra.   

 

Một trong những nội dung quan trọng tại HYLI 2013 là lắng nghe và chất vấn các diễn giả. Em ấn tượng nhất với bài diễn thuyết của khách mời nào?

 

Em ấn tượng nhất với phần trình bày của Tiến sĩ Surin Pitsuwan, nguyên Tổng thư ký ASEAN. Bài diễn thuyết đã lồng ghép được cả tinh thần khiến mọi người hứng khởi về ý nghĩa của HYLI lần này cùng những thông tin mà Tiến sĩ cung cấp.

 

Ngoài ra, ông Pitsuwan đề cao cột trụ thứ 3 về vấn đề ASEAN, đó là cột trụ Văn hóa xã hội và giáo dục. Dù chương trình lần này chỉ nói về cột trụ thứ 2 là Kinh tế nhưng ông cũng nói thẳng luôn là để đạt được mục tiêu cao hơn về an ninh, kinh tế, mục tiêu lâu dài phải đạt được chính là sự kết nối về văn hóa xã hội mà giáo dục trong giới trẻ về ASEAN, về đất nước mình là vấn đề rất quan trọng.
 
Khi tham gia các hoạt động tại HYLI 2013, em ấn tượng nhất điều gì?
Nhóm của Nhật Anh trình bày kết quả sau các buổi thảo luận chung.

 

Bản thân em và nhóm thảo luận của em nghĩ gì về việc kết nối giới trẻ ngay tại HYLI lần này và xa hơn là các hoạt động để bạn trẻ ASEAN kết nối chặt chẽ với nhau hơn?

 

Trong nhóm em cũng đã thảo luận về vấn đề này. Giải pháp mà bọn em đưa ra là đẩy mạnh hơn nữa các diễn đàn. Như anh biết, diễn đàn này là do công ty Hitachi Nhật Bản tổ chức và thực tế các nước ASEAN rất ít những diễn đàn, hoạt động để tập hợp các bạn trẻ.
 
Và em hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều diễn đàn để bạn trẻ ASEAN tham gia, nhất là bạn trẻ ở một số nước ASEAN không tham gia tại HYLI lần này như Campuchia, Lào, Brunei.
 

Với lượng kiến thức và vốn tiếng Anh sử dụng ở chương trình này, em đánh giá thế nào về khả năng tham gia của bạn trẻ Việt Nam trong các diễn đàn sinh viên tầm khu vực và quốc tế?

 

Em không hề nghĩ chương trình này quá sức với bạn trẻ Việt Nam. Đây là dịp tốt để mình phát triển thêm kiến thức, vốn tiếng Anh. Dĩ nhiên mình phải có nền tảng, chuẩn bị sẵn sàng để bắt kịp nội dung chương trình.

 

Những kỹ năng được học ở trường như làm việc nhóm, trình bày văn bản, em tin các SV Việt Nam không gặp nhiều khó khăn khi tham gia những diễn đàn như thế này.

 

Tuy nhiên điều đáng nói là rào cản ngôn ngữ mà phần lớn bạn trẻ Việt Nam đang mắc phải. Theo em được biết, ở một số nước như Thái Lan, Malaysia, Singapore nhiều chương trình thi hùng biện quốc tế diễn ra thường xuyên, liên tục. Một số các bạn ở đây đã biết nhau từ trước nhờ các cuộc thi đó trong khi Việt Nam không hề nắm được.

 

Có thể nói họ đã sử dụng thành thạo tiếng Anh cao hơn rất nhiều so với mức giao tiếp thông thường. Việc tiếp xúc môi trường tiếng Anh liên tục từ nhỏ và các chương trình giao lưu giúp họ khi đến với hoạt động quốc tế cực kỳ tự tin, không hề bỡ ngỡ chút nào.

 
Em có muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên Việt Nam thông qua chương trình này?
Đại diện các nước tại HYLI 2013 chụp ảnh lưu niệm.
 

Em có muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên Việt Nam thông qua chương trình này?

 

Bên cạnh việc học tập, tìm tòi thông tin trong trường, em mong muốn các SV Việt Nam học tiếng Anh không phải chỉ để cho biết. Mà tiếng Anh trong thời đại này là công cụ thiết yếu để trau dồi, học hỏi kiến thức giúp ích bản thân cũng như cho đất nước, khu vực.     

 

Cám ơn Nhật Anh về những chia sẻ bổ ích này.

 

Sau 5 ngày diễn ra (từ 1-5/7) tại Bangkok, Thái Lan, chương trình Sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi lần thứ 12 (HYLI 2013) đã chính thức khép lại. Với chủ đề “Lộ trình trước mắt: Vai trò của ASEAN đối với nền kinh tế Châu Á và toàn cầu”, 28 bạn sinh viên đến từ 6 nước ASEAN và Nhật Bản đã có dịp lắng nghe các diễn giả, thảo luận nhóm để cùng nhau phân tích, bàn giải pháp về những vấn đề đáng quan tâm trong khu vực.

 

Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn có các hoạt động ngoại khóa như tìm hiểu Cơ quan quản lý điện lực Thái Lan, thảo luận với SV ĐH Chulalongkorn và giao lưu văn hóa.

 

Được khởi xướng vào năm 1996, Sáng kiến Tài năng Lãnh đạo trẻ Hitachi (HYLI) là chương trình trách nhiệm xã hội của Hitachi khu vực nhằm tìm kiếm các nhà lãnh đạo trẻ Châu Á bằng việc mang lại cơ hội cho các sinh viên xuất sắc thảo luận các vấn đề trọng điểm và thiết lập quan hệ với các nhà lãnh đạo kiệt xuất trong khu vực như các quan chức chính phủ, doanh nhân, học giả và đại diện các Tổ chức Phi chính phủ.

 

Sau 12 kỳ diễn ra, chương trình HYLI đã thành công trong việc quy tụ những sinh viên sáng giá và xuất sắc nhất đến từ bảy quốc gia là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản.

 

Sáng kiến đã mang lại cho các sinh viên một nền tảng độc đáo nhằm mở rộng tầm nhìn đối với các vấn đề khu vực và quốc tế đồng thời thúc đẩy các giá trị mang đậm truyền thống Châu Á và tăng cường sự hiểu biết giao lưu văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực

 

Vũ Phong
Từ Bangkok, Thái Lan