Tri thức trẻ về làm Phó chủ tịch xã nghèo: Chiến tích khởi đầu

(Dân trí) - Mang theo hoài bão và niềm tin, những thanh niên tuổi đôi mươi đã lặn lội về 32 xã nghèo tỉnh Điện Biên để chia sẻ kiến thức và hi vọng cùng người dân nơi đây thoát khỏi cái nghèo dai dẳng suốt nhiều năm qua.

Ngày 31/3 tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Nội vụ, Tỉnh đoàn Điện Biên tổ chức diễn đàn “Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững” với sự tham dự của 29 trí thức trẻ (trong số 32 người) đang công tác tại các xã nghèo tỉnh Điện Biên.

 

Các tri thức trẻ về làm Phó chủ tịch xã tại các địa phương khó khăn theo dự án tuyển chọn 600 trí thức dưới tuổi 30, có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo. Đây là chủ trương sáng suốt của Chính phủ, được Bộ Nội vụ phối hợp với TW Đoàn triển khai tổ chức.

 

Diễn đàn ngày 31/3 là dịp để các Phó chủ tịch xã trẻ tỉnh Điện Biên khẳng định những kết quả đã làm được trong quá trình công tác tại xã với vai trò, nhiệm vụ của Phó Chủ tịch xã; trao đổi, chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, những khó khăn về cơ chế chính sách cũng như những đề xuất, giải pháp trong quá trình thực hiện sau một năm tham gia Dự án.

 
Diễn đàn “Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững”
Diễn đàn “Tuổi trẻ chung tay cùng xã nghèo vượt khó và phát triển bền vững”
 

Lặn lội xa xôi

 

Bạn Nguyễn Văn Quân (sinh 1984), tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, quê ở xã Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội cho biết những hiểu biết về lịch sử của quê hương Điện Biên đã thôi thúc Quân đến đăng kí tham gia dự án. Với mong muốn giản đơn là được thử sức mình ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé ở cương vị Phó Chủ tịch xã.

 

Xã Sín Thầu hiện nay có 97% đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống. Hiện xã có 6 bản với 245 hộ, 1.232 khẩu. "Điều mình lo lắng nhất là bất đồng về ngôn ngữ, hiểu biết về phong tục tập quán còn ít. Giao thông đi lại rất khó khăn, từ xã đến thôn phải đi đến 15 km, trời nắng có thể đi được, nhưng mưa thì rất khó đi”, Quân nói.

 

Tuy nhiên, với quyết tâm tuổi trẻ, bạn sẵn sàng đối mặt với thử thách, hi vọng sẽ gặt được thành quả xứng đáng.

 

Bạn trẻ Bạc Cầm Nga, quê Thuận Châu, Sơn La chia sẻ, bạn đã may mắn nhận được sự ủng hộ của gia đình khi quyết định tham gia dự án 600 tri thức trẻ. Nga cho rằng ở những nơi xa và khó khăn thì mình sẽ trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm hơn. Do đó, Nga đã quyết định lên đường theo dự án. Dự định của bạn là sẽ lập nghiệp, gắn bó lâu dài với mảnh đất Điện Biên.

 

Bạn Bạch Thị Yến Ly (sinh 1987), quê ở Lương Sơn, Hòa Bình, mong muốn được góp sức trẻ giúp bà con xã Háng Lìa, huyện Điện Biên. Yến Ly biết tiếng Mường nhưng lại bất đồng ngôn ngữ với bà con Mông Trắng nơi xã đến công tác.

 

Nhưng với tấm bằng tốt nghiệp Chính trị học, Khoa tâm lý giáo dục, Học viện báo chí tuyên truyền, chỉ 3 tháng về công tác tại xã, Yến Ly đã dần làm quen và thích nghi với phong tục, tập quán của bà con nơi đây.

 
Lường Thị Thanh trao đổi về dự án triển khai tại xã
Lường Thị Thanh trao đổi về dự án triển khai tại xã
 

Vượt qua thử thách

 

Sau khi tiếp xúc thực tế công việc, các Phó chủ tịch xã trẻ tuổi đã nắm bắt được tình hình và tham mưu với cấp ủy, chính quyền về đề án giúp bà con thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội mà bấy lâu nay đeo đẳng.

 

Phó Chủ tịch xã Nguyễn Văn Quân, người được phân công phụ trách mảng văn hóa xã hội cũng đã không khỏi bỡ ngỡ khi về địa phương công tác, nhưng bạn đã quyết tâm thực hiện nhiều dự án phát triển xã nghèo.

 

Đề án tham mưu xây dựng 1 trong 5 điểm trường mầm non của xã đã được chính quyền và nhân dân xã Sín Thầu, Mường Nhé ủng hộ. Để tham mưu được dự án, Quân đã tiến hành khảo sát và qua tìm hiểu hầu hết các điểm trường đã xuống cấp, lớp học tạm bợ, khó khăn trong học tập của các cháu.

 

Mong muốn của Quân trong thời gian công tác tại xã là sẽ giúp bà con tiếp tục phát huy nét đẹp bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc tốt đẹp của dân tộc Hà Nhì đang có xu hướng mai một, đó là tục cúng bản, múa Hà Nhì …

 

Với Bạc Cầm Nga tốt nghiệp chuyên ngành Lâm Sinh, khoa Nông Lâm, trường ĐH Tây Bắc dường như có nhiều thuận lợi hơn các đội viên dự án khác khi được phân công phụ trách mảng kinh tế của xã Na Son, huyện Điện Biên Đông.

 

Đặc điểm của bà con dân tộc Thái trong xã Na Son chủ yếu lấy việc trồng ngô, lúa nương, sắn làm nguồn lương thực chính, nên việc thoát nghèo vẫn chỉ là loanh quanh chưa có hướng phát triển. Do đó, Nga đã vạch ra đề án phát triển cây cà phê thí điểm tại cụm 5 bản Sư Lư (các bản thuộc xã Na Son).

 

Đề án tham mưu của Cầm Nga đã được lãnh đạo xã xác định là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của nhân dân trong xã và may mắn hơn đề án này cũng được Phòng Nông nghiệp huyện Điện Biên quyết định chọn để thực hiện trong thời gian tới.

 
Bạc Cầm Nga chia sẻ những kinh

Bạc Cầm Nga chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình công tác tại xã
 

Qua khảo sát một số hộ gia đình trong xã đã trồng cây cà phê trên diện tích nhỏ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng số lượng diện tích trồng còn ít. Thế nhưng với chàng Phó chủ tịch trẻ, bước đầu thành công đã khiến cho bạn có thêm sự tin tưởng.

 

“Bà con trồng nhiều với năng xuất cao sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn, nếu mô hình thành công, sẽ nhân rộng ra các bản còn lại của xã và qua đó tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đặc biệt, qua cách làm đã thay đổi nhận thức của bà con về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để phù hợp hơn và mang lại hiệu quả kinh tế”, Cầm Nga phấn khởi.

 

Được phân công phụ trách mảng kinh tế, đề án mà Bạch Thị Yến Ly mong muốn đem lại cho bà con chính là thay đổi về phương thức cách trồng cây con, vật nuôi. Bởi tập quán lâu đời trồng lúa nước 3- 4 vụ rồi lại tìm nơi phát nương nơi khác, khiến đất trống thừa rất nhiều, không có lợi cho người dân.

 

Bên cạnh đó, phong tục chăn nuôi thả dông cùng với việc chăm sóc dịch bệnh gia cầm không tốt dẫn đến nhiều gia súc, gia cầm  bị chết, cộng với “đầu ra” cho sản phẩm phải vận chuyển lên huyện mất 2,5 giờ cũng khiến cho người dân nơi đây “ngại” hơn, nên bà con thường học theo nhau, tự cung tự cấp, không có nhu cầu bán sản phẩm.

 

“Kiên trì, vận động bà con sẽ thay đổi được, nhưng mình phải làm trước để bà con thay đổi nhìn theo và quan trọng là giúp bà con biết cách làm”, Yến Ly chia sẻ.

 

Tại diễn đàn này, đồng chí Vừ A Bằng – Bí thư Tỉnh Đoàn Điện Biên cho biết: "Tôi luôn tin tưởng vào các trí thức trẻ sẽ làm được những gì mình mong muốn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. 

 

Đối với việc đưa tri thức trẻ về các xã nghèo là hoàn toàn đúng đắn, thiết thực, cụ thể công tác xây dựng kế hoạch, công tác dân vận truyền truyền đến bà con nhân dân đã có nhiều đổi  mới và hiệu quả.

 

Từ đó, dự án này đã giúp làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con nhân dân, ví dụ như việc ứng dụng KHCN vào sản xuất hay từ bỏ những phong tục tập quán lạc hậu thay vào đó là tư duy trong xây dựng nếp sống văn hóa mới ở làng bản và tham gia phát triển kinh tế bền vững đi lên thoát nghèo".

 

Dự án đưa 600 tri thứ trẻ về 62 huyện nghèo được triển khai từ năm 2011. Đến nay, dự án đã phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương trong cả nước. Người tham gia (đội viên dự án) là thanh niên quốc tịch Việt Nam, đang công tác ở trong và ngoài nước, đáp ứng các điều kiện: dưới 30 tuổi, có trình độ đại học; đang là Đoàn viên hoặc Đảng viên.

 

600 người tham gia dự án phải cam kết làm việc ít nhất 5 năm tại các xã thuộc huyện nghèo theo phân công. Trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc hoặc có sáng kiến đổi mới thì thời gian làm việc trong dự án cũng không được dưới 3 năm.

 

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đội viên dự án có nhu cầu tiếp tục làm việc trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị ở trung ương và địa phương thì được xem xét quy hoạch, đào tạo và bố trí, sử dụng. Nếu không có nhu cầu thì được giải quyết theo trình tự thôi việc.

 

Dự án được triển khai ở 600 trong tổng số 894 xã thuộc chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo cả nước. Theo đó, mỗi xã của huyện nghèo được bổ sung một người về làm việc với chức danh Phó chủ tịch UBND xã.

 

Mai Châm