Trí thức trẻ tiên phong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm (ĐH Nanyang, Singapore), muốn bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có hai xu hướng chính hiện nay. Đó là tiết kiệm năng lượng và tìm ra năng lượng mới, trong đó có tái tạo năng lượng.

Sáng ngày 27/11, Lễ khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2, năm 2019 với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước” đã diễn ra tại Hà Nội.

233 đại biểu tham gia diễn đàn là trí thức trẻ, họ là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… đang nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.

Chiều cùng ngày, Diễn đàn đã tổ chức 4 tổ thảo luận, trong đó Diễn đàn thảo luận với chủ đề: “Bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu” nhận được sự quan tâm đặc biệt, là vấn đề bức thiết được nhắc đến với tần suất lớn thời gian gần đây.

Trí thức trẻ tiên phong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu - 1

 Diễn đàn thảo luận với chủ đề: “Bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu”

Theo báo cáo của TS Khưu Thùy Dương, Trái đất đang nóng hơn bao giờ hết, phát thải khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại; hơn 1 triệu loài phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ không thể cứu vãn được vào năm 2030.

Đặc biệt, Việt Nam hiện đang là 1 trong 10 quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu; nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa không được xử lý, có 787 đô thị với 300.000m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý.

Đây là những con số báo động và theo TS. Dương, 97% các nhà khoa học trên thế giới khẳng định hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội của con người là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Bảo vệ môi trường từ năng lượng tái tạo

Tại buổi tọa đàm, các trí thức trẻ đã đưa ra các nghiên cứu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ngày càng phức tạp. Trong đó có những dự án đã được triển khai, bước đầu thu được những kết quả nhất định.

Trao đổi tại tổ thảo luận, Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm (ĐH Nanyang, Singapore) cho rằng muốn bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có hai xu hướng chính hiện nay, đó là tiết kiệm năng lượng và tìm ra năng lượng mới, trong đó có tái tạo năng lượng.

Trí thức trẻ tiên phong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu - 2
Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm (ĐH Nanyang, Singapore) nêu vấn đề sử dụng năng lượng tái tạo

Dự báo ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng năng lượng trung bình mỗi năm tăng 10%, điều đó đặt ra thách thức làm sao để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện trong khi nguồn nguyên liệu sản xuất hiện chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Tiến sĩ Tâm xác định nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và việc theo đuổi năng lượng tái tạo là cần thiết trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, cũng không nên quá lạc quan vào tiềm năng của năng lượng tái tạo ở nước ta vì việc khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo có tính hai mặt.

Cụ thể, với việc khai thác năng lượng thủy điện sẽ gây tác động tới thiên nhiên như thay đổi dòng chảy, thay đổi chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Hay quá trình khai thác năng lượng mặt trời phải phụ thuộc vào thời tiết và có thể gây ra ô nhiễm nếu không cẩn thận trong khai thác sử dụng.

Từ đó, Tiến sĩ Tâm đưa ra các giải pháp để khai thác và sử dụng có hiệu quả năng lượng tái tạo, đó là kết hợp sử dụng các nguồn năng lượng với nhau như pin mặt trời nổi với thủy điện, năng lượng gió với thủy điện; lưu trữ; chuyển đổi năng lượng tái tạo thành nhiên liệu.

Phát triển các sản phẩm bảo vệ môi trường

Bên cạnh những nhóm giải pháp, nghiên cứu, một số trí thức trẻ cũng mang đến diễn đàn các dự án đã được triển trai và bước đầu có được hiệu quả nhất định. Trong đó có nghiên cứu của ThS. BS Nguyễn Lê Việt Hùng cùng nhóm tác giả về sản phẩm bình oxy mini.

Trí thức trẻ tiên phong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu - 3

ThS. BS Nguyễn Lê Việt Hùng cùng nhóm tác giả nghiên cứu về bình oxy mini

Từ vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế xã hội không đồng bộ với phát triển hạ tầng, kỹ thuật kiểm soát và cải thiện không khí, ThS. BS Nguyễn Lê Việt Hùng đã phát triển dự án cải thiện hiệu quả hô hấp này.

Đây là sản phẩm bình oxy cầm tay đầu tiên tại Việt Nam với dòng không khí chứa 98% oxy tinh khiết giúp hệ hô hấp hoạt động hiệu quả, cũng như bù đắp sự thiếu hụt oxy trong những trường hợp đặc biệt, giảm thiểu nguy cơ tim mạch, hô hấp...

Hiện tại, dự án đã phát triển thành sản phẩm, được đưa ra thị trường sử dụng. Trong thời gian tới, nhóm cũng đang nghiên cứu để sử dụng năng lượng tái tạo tại chỗ, góp phần bảo vệ môi trường.

Hay nghiên cứu về thuốc bảo vệ thực vật sinh học nano nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp sạch và bền vững; Ứng dụng chế phẩm nano trong xử lý kim loại nặng ở môi trường nước; Chiết tách collagen từ vảy cá nước ngọt bằng phương pháp hóa sinh... đều nhận được sự quan tâm của các trí thức trẻ.

Kim Bảo Ngân