Tôi chọn đường về, dù lao đao…

Trở về nước sau những năm tháng du học, từ chối tất cả những điều kiện làm việc, lương bổng cao hơn ở nước ngoài, nhiều bạn trẻ đã ấp ủ cống hiến sức mình cho quê hương. Họ chấp nhận những thử thách ngày trở về.

Hoàng Minh Anh Tú, 25 tuổi, lập trình viên công ty đa quốc gia phần mềm Tiếp thị thể thao SMS: “Tiền lương không quan trọng”

 

Du học ở Canada về ngành công nghệ thông tin, tháng 6/2002 Tú gửi hồ sơ ngược về Việt Nam để xin đi thực tập. Mặc dù có hồ sơ tốt nhưng gửi đến 5-6 công ty vẫn không có công ty nào hồi âm, dù chỉ là một lời thông báo đã nhận được hồ sơ rồi.

 

Cú sốc đầu đời đó đã làm Tú buồn một thời gian dài và cứ day dứt mãi: “Thực sự đất nước mình đã để thất thoát một nguồn nhân lực rất lớn từ lớp du học sinh đi du học tự túc. Họ đã đem tiền trong nước ra nước ngoài học hành, để rồi khi thành tài lại tiếp tục ở lại đó, cống hiến chất xám cho nước người”.

 

Không chấp nhận điều đó, Tú quyết học thật giỏi, tham gia vào các dự án nghiên cứu của trường. Để rồi sau khi tốt nghiệp, Tú được trường giữ lại làm việc với mức lương gần 30.000 USD/năm. “Tôi ở lại làm việc gần một năm để lấy kinh nghiệm. Sau đó tôi quyết định quay về Việt Nam, dù có bị từ chối lần nữa tôi vẫn quay về bởi tôi không muốn tiếp tục bị chảy máu chất xám” - Tú kiên quyết.

 

May thay,  Tú được nhận vào ngay công ty SMS, và được tham gia những dự án về phần mềm hấp dẫn. Mặc dù mức lương thấp hơn khi làm ở Canada nhiều nhưng Tú không quan tâm điều đó, bởi được về Việt Nam, làm việc đúng ngành nghề mình thích, lại có thể phát triển nghề nghiệp là Tú thoả chí lắm rồi.

 

Tôi chọn đường về, dù lao đao… - 1

Trần Châu Minh

Trần Châu Minh, 28 tuổi, kỹ sư xây dựng công ty tư vấn và công trình xây dựng Meinhardt Vietnam: “Luôn muốn khám phá chính mình”

 

Sau 9 năm lăn lộn ở Hungary, học đại học, cao học và cả làm việc, Minh quyết định quay về Việt Nam, vì nơi đây còn có mẹ và học ở nước ngoài như thế đối với anh là đủ rồi.

 

“Cũng gặp những khác biệt về cung cách làm việc, lối sống sinh hoạt, nhưng khi đã quyết định quay về thì chúng tôi chấp nhận tất cả. Ở đâu cũng có thể học hỏi được trong khi Việt Nam mình đang phát triển, có lắm điều hay” - anh bộc bạch chân thành.

 

Với quan niệm đó, trở về chưa được một năm, nhưng anh đã làm việc qua 3 công ty. Bởi anh muốn được học hỏi qua nhiều môi trường khác nhau và tìm kiếm một hướng đi riêng cho mình.

 

Với ngành xây dựng trong nước còn có nhiều “con sâu làm rầu nồi canh”, anh luôn tâm niệm phải làm ăn sao cho thật đàng hoàng, đặt chữ tín lên hàng đầu. “Đó là điều tôi học được từ những năm đi du học ở nước ngoài, một cung cách làm việc chuyên nghiệp, đâu ra đó”.

 

Nói thì dễ nhưng để làm được điều đó lại không dễ dàng chút nào. Thế nên anh luôn tìm kiếm những công ty có môi trường, nguyên tắc làm việc giống mình, qua đó “giữ mình” và “mài dũa” để sau này khi đã có đủ điều kiện, anh sẽ mở một công ty chuyên tư vấn xây dựng riêng cho mình.

 

Tôi chọn đường về, dù lao đao… - 2

Phạm Thanh Lương

Phạm Thanh Lương, 28 tuổi, chuyên viên phòng tiếp thị thương mại công ty Dutch Lady: “Việt Nam là môi trường cho sự phát triển nghề nghiệp”

 

Là một trong những sinh viên giỏi của trường ĐH Kinh tế TPHCM, được nhận học bổng đi học cao học tại Mỹ, vừa trở về nước được khoảng 3 tháng, Lương nhận xét Việt Nam là môi trường tốt nhất để phát triển nghề nghiệp.

 

“Tự tin, năng động, sáng tạo là những gì tôi học được từ Mỹ. Còn để phát triển nghề nghiệp thì Việt Nam là môi trường tốt nhất, bởi Việt Nam là nước đang phát triển, có môi trường cho những đột phá mà chưa chắc ở những nước đã phát triển có được”.

 

Chính vì thế, từ chối những cơ hội làm việc với điều kiện và mức lương cao hơn, Lương về “đầu quân” cho Việt Nam. Không những thế, cũng trăn trở với việc còn nhiều bạn Việt Nam đi du học không trở về, Lương còn tìm cách vận động thêm nhiều bạn bè cùng về với mình.

 

“Họ không quay về bởi họ thiếu thông tin và những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Do đó, ngay khi đọc trên web, biết thành phố giao cho Thành đoàn thành lập CLB Du học sinh là tôi đến tham gia ngay, hy vọng có thể giúp ích chút gì” - Lương nhiệt tình.

 

Tôi chọn đường về, dù lao đao… - 3

Trần Phương Ngọc Thảo

Trần Phương Ngọc Thảo, 21 tuổi, điều phối viên dự án đầu tư nhân lực của Ngân hàng Đông Á, đang học tiến sĩ ngành kinh tế tại trường Harvard của Mỹ: “Không thích ngồi than”.

 

Cũng từng nếm trải những kinh nghiệm đắng cay về những thử thách ngày trở về, thế nhưng Ngọc Thảo không muốn ngồi than mà xắn tay vào khắc phục nó. Còn đang đi học ở Mỹ nhưng mùa hè năm nào Thảo cũng trở về Việt Nam làm việc, tham gia vào các dự án ngắn hạn.

 

Mùa hè năm nay, tận dụng mối quan hệ của mình, Thảo đề xuất lên Ngân hàng Đông Á dự án thu hút nhân tài. Tuyển những sinh viên đang học năm thứ 3 các trường về Đông Á thực tập và Thảo giúp các bạn làm quen với công việc qua việc thực hiện những dự án khác nhau, có trả lương đàng hoàng.

 

“Cứ nói môi trường Việt Nam làm việc không năng động, cứ để chảy máu chất xám sang các công ty nước ngoài. Vậy tại sao không góp phần xây dựng nên một môi trường như thế?”. Thảo cố gắng tạo dựng một môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp, nơi mà các bạn sinh viên tha hồ vẫy vùng với những ý tưởng sáng tạo cũng như đầy đột phá của mình.

 

Dự án chỉ kéo dài hai tháng nhưng nhiều nghiên cứu, điều tra về thị trường tài chính, các dịch vụ ngân hàng, thị trường thẻ thanh toán, sản phẩm cho vay mua nhà trả góp… của các bạn sinh viên khá tốt, ngân hàng có thể áp dụng được vào thực tế. Nhưng điều thành công nhất là qua đó, Thảo đã “săn” được cho Đông Á gần 10 người giỏi.

 

Và chính Thảo cũng là người đề xuất ý tưởng cho thành phố thành lập nên CLB Du học sinh nhằm cung cấp thông tin, liên lạc, hỗ trợ cũng như làm cầu nối cho những người đã, đang và sắp đi du học với đất nước.

 

Theo Ngọc Minh
Sài Gòn Tiếp Thị