Thử làm nông dân ở nước ngoài

Trở về từ Youth AG – Summit 2015, nơi những nhà lãnh đạo trẻ trên toàn thế giới bàn bạc về thực trạng và cách thức giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp, Nguyễn Vĩnh Bảo và Đặng Việt Thái đã có nhiều trải nghiệm thú vị. Hai bạn trẻ cũng nung nấu nhiều ý tưởng để góp phần thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng, bức tranh nông nghiệp thế giới nói chung.

 


Nguyễn Vĩnh Bảo và Đặng Việt Thái, tại Youth AG – Summit 2015.

Nguyễn Vĩnh Bảo và Đặng Việt Thái, tại Youth AG – Summit 2015.

Tìm lời giải cho nông nghiệp toàn cầu

An ninh lương thực là vấn đề vô cùng cấp bách, đặc biệt là khi dân số thế giới liên tục gia tăng mà nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển nông nghiệp có hạn.

Cuối tháng Tám vừa qua, Bayer CropScience (Đức) cùng Future Farmers Network (Úc) mời 100 bạn trẻ xuất sắc từ 33 quốc gia đến Canberra, thủ đô Úc tham gia Youth AG – Summit 2015 nhằm tìm lời giải cho câu hỏi: Làm thế nào để vào năm 2050, 9 tỷ người trên Trái Đất đều có đủ ăn?

Đặng Việt Thái (ngành Chính trị và Quan hệ quốc tế, ĐH Oxford) thấy rằng, an ninh lương thực có liên quan sâu sắc đến ngành học nên apply chương trình. Còn Nguyễn Vĩnh Bảo vừa tốt nghiệp ĐH RMIT, theo đuổi lĩnh vực truyền thông nên cũng rất hứng thú với chủ đề đầy ý nghĩa này.

Để giành được suất tham gia hội thảo, ứng viên phải tham gia một cuộc thi viết luận, với đề bài “Hãy dùng hiểu biết từ chính nơi bạn đang sống để giải thích về những lý do và hậu quả của tình hình thiếu an ninh lương thực như hiện nay. Từ đó, tạo ra một kế hoạch để giúp cải thiện tình hình”.

“Sau khi apply, một ngày, mình nhận được cuộc điện thoại bất ngờ, thông báo rằng mình đã trúng vòng ứng tuyển. Vòng 2 là phỏng vấn qua điện thoại. Mình được hỏi kỹ về những ý tưởng đã viết trong bài luận và những gì bản thân có thể đóng góp được với tư cách là một đại diện Việt Nam cho Youth AG – Summit 2015. Sau này, mình mới biết rằng, đã có tới 2.000 ứng viên nộp đơn với hy vọng giành được một suất tham gia chương trình”, Bảo kể.

Đến với Youth AG – Summit, các bạn trẻ được lắng nghe 3 buổi thuyết trình của các diễn giả nổi tiếng, làm việc nhóm, tiếp xúc với nhiều bạn trẻ có những sáng kiến hay giúp cải thiện tình hình nông nghiệp ở đất nước họ sống. Trong đó, có những bạn còn rất trẻ đã sở hữu công việc kinh doanh riêng liên quan đến các giải pháp về nông nghiệp như năng lượng sạch, nuôi ong lấy mật…

Trong khuôn khổ hội nghị, Thái và Bảo rất ấn tượng với chuyến đi thực tế “Thử làm nông dân”. Các bạn được đến vùng đồng cỏ trang trại bên ngoài thành phố Canberra và choáng ngợp bởi sự rộng lớn của nơi đây. Mỗi cánh đồng và khu trang trại được sở hữu bởi một hộ gia đình có độ lớn hàng ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn hécta.

Các bạn được chia thành từng nhóm để đi nghe giới thiệu về những công nghệ mới nhất ngành nông nghiệp của Úc, có phần giới thiệu đi kèm với những thí nghiệm thực tiễn, rồi được trực tiếp cạo lông cừu…


Vĩnh Bảo (trái) trải nghiệm việc cạo lông cừu.

Vĩnh Bảo (trái) trải nghiệm việc cạo lông cừu.

Mình được hướng dẫn cẩn thận cách cầm tông đơ như thế nào cho đúng, luồn vào tấm lông dày của chú cừu đó ra sao để xén lông một cách hiệu quả nhất…”, Bảo kể.

Còn Thái thì chia sẻ thêm: “Ngoài việc cạo lông cừu, buổi trải nghiệm hôm đó giúp mình được mở rộng tầm mắt. Mình được chứng kiến rất nhiều máy móc hiện đại và những sáng kiến nghe qua tưởng đơn giản nhưng rất hữu dụng. Ví dụ, như cách họ đo độ ẩm của đất để biết liệu đã tưới đủ nước, hay cách họ đánh dấu gia súc khiến việc chăn nuôi, dò tìm và ngăn chặn dịch bệnh dễ dàng hơn”.

Hướng tới sự đổi thay

Thái chia sẻ, nông nghiệp ở các nước phát triển như Mỹ hay Úc phần nhiều đều được hiện đại hoá với đầy đủ trang thiết bị, giống cây tối ưu. Trong cuộc hội thảo, Thái được xem ảnh một người bạn Úc tự giới thiệu là “harvester” (hiểu nôm na là người gặt). Một mình với khoảng 6 loại máy gặt khác nhau cho các mùa vụ khác nhau, bạn này có thể gặt lúa mì, lúa mạch và nhiều loại nông sản khác trên diện tích hàng trăm hécta, trong một khoảng thời gian ngắn.

Một số nông dân trẻ tuổi ở Úc cũng chia sẻ công việc tuy vất vả nhưng thu nhập khá cao, dư dả để họ du lịch châu Âu, châu Mỹ 1 – 2 lần/năm. So sánh với người nông dân Việt Nam, gần như quanh năm đầu tắt mặt tối, họ quả thực có cuộc sống rất khác biệt.

Từng có thời gian ở châu Phi, Thái nhận thấy, nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn như ở Kenya hay Tanzania. Hạn hán, mất mùa, “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, biến đổi khí hậu, kỹ thuật canh tác lạc hậu, sản phẩm nông nghiệp khó được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài là những trăn trở chung. Vị thế người nông dân ở các nước đang phát triển dường như cũng không được coi trọng. Đa số bố mẹ đều muốn con trở thành giáo viên, bác sĩ chứ không phải làm nông.

“Nhân lực không được thu hút nên vị thế ngành ngày càng xuống, nông nghiệp mãi bị “ruồng rẫy” bởi ít ai muốn đi vào con đường bị coi là chân lấm tay bùn. Mình nhận ra rằng, thay đổi cách nông nghiệp bị đánh giá là bước quan trọng nhất để khiến nông nghiệp khởi sắc.

Tới đây, mình sẽ học 2 năm thạc sĩ tại Oxford chuyên về Chính trị nhưng chắc chắn, mình sẽ nghiên cứu về an ninh lương thực, phát triển song song với Chính trị và Quan hệ quốc tế. Youth AG – Summit cho mình nhiều ý tưởng nghiên cứu để có thể áp dụng sau này”, Thái chia sẻ.

Còn Bảo, sau khi tham gia hội thảo, được nghe những bài phát biểu về xu hướng nông nghiệp nổi bật, những cơ hội và thách thức tương lai, bạn bày tỏ: “Là một người Việt trẻ, thay vì chỉ suy nghĩ về những khó khăn, mình suy nghĩ nhiều hơn về cơ hội của những người trẻ. Đó là, không chỉ làm nông dân hay làm nhà khoa học mới có thể giúp đỡ cải thiện nền nông nghiệp nước nhà.

Ví dụ, các bạn hoàn toàn có thể trở thành một chuyên gia tiếp thị và truyền thông, mang đến cho nông dân những thông tin cập nhật về thị trường và giá cả để họ thể đưa ra được những quyết định chính xác”.

Theo Hồng Giang

Sinh viên Việt Nam