Thạc sĩ "của hiếm" huyện Si Ma Cai làm giàu cho mảnh đất quê hương

(Dân trí) - 10 tuổi mới được đi học nhưng nhờ nỗ lực vươn lên, anh Giàng Seo Châu sau đó đỗ hai trường đại học, và trở thành Thạc sĩ "của hiếm" ở huyện Si Ma Cai. Trên cương vị Chủ tịch xã Mản Thẩn, anh có nhiều ứng dụng sáng tạo trong nông nghiệp, giúp người dân địa phương làm giàu.

Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn Giàng Seo Châu là người đã mang cây tam thất về trồng ở địa phương, cải tổ mô hình sản xuất nông nghiệp lạc hậu giúp bà con làm giàu.
Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn Giàng Seo Châu là người đã mang cây tam thất về trồng ở địa phương, cải tổ mô hình sản xuất nông nghiệp lạc hậu giúp bà con làm giàu.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em, bố mẹ đều không biết chữ, mãi tới năm 10 tuổi, anh Giàng Seo Châu mới được đến trường. Tuy nhiên, anh luôn nỗ lực, xác định cố gắng học tập tốt để sau này được mang một phần công sức xây dựng bản Mản Thẩn thoát khỏi cảnh đói nghèo. Anh biết rằng con đường duy nhất để vươn lên là học tập nên đã không ngừng nỗ lực.

Dấu mốc ấn tượng đầu tiên trên chặng đường tri thức của người thanh niên dân tộc H’mông là nhận được cùng lúc hai giấy báo trúng tuyển vào Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vào năm 2007. Khi ấy, anh Châu quyết định nhập học tại trường Đại học Nông nghiệp 1, mặc cho gia đình phản đối vì không đủ kinh tế để nuôi con đi học xa nhà.

Anh kể: “Năm đó tôi đã thi đỗ vào hai trường đại học nhưng bố tôi không cho tôi đi học. Ông nói với tôi rằng “tao chỉ thấy người ta thồ ngô, thồ thóc ra chợ bán có tiền, chứ tao chưa thấy ai đi học mà có tiền”.

Đây là một trong những quan niệm lạc hậu của người dân vùng cao. Chính điều này đã cản trở nhiều bạn thanh niên ở dân tộc H’mông không được đến trường, phải nghỉ học sớm, phải lấy vợ lấy chồng sớm để giúp bố mẹ làm nương. Nhưng tôi cố gắng đi học thành tài để thay đổi điều đó”.

Thời sinh viên, anh Châu đã từng làm qua nhiều công việc, từ rửa bát cho tới làm thuê cho các vườn cây ăn quả để có tiền trang trải học phí. Song song với đó, anh vẫn giữ vững thành tích học tập để đạt được tấm bằng loại Khá và được nhà trường ngỏ ý giữ lại công tác. Đứng trước cơ hội mà nhiều bạn trẻ mơ ước, anh Giàng Seo Châu đã từ chối để trở về thực hiện lý tưởng làm giàu cho quê hương.

Đó là năm 2012, khi Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo trên cả nước được triển khai, anh Châu tình nguyện xin tham gia và được chấp nhận.

Thạc sĩ Giàng Seo Châu tại buổi đối thoại Thanh niên Việt Nam: Đối tác then chốt góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Thạc sĩ Giàng Seo Châu tại buổi đối thoại "Thanh niên Việt Nam: Đối tác then chốt góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững".

Sau khi về công tác, Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn Giàng Seo Châu tiếp tục học cao học để nâng cao trình độ. Với kiến thức được tích luỹ qua học tập, anh Châu đã ứng dụng ngay tại mảnh đất quê hương. Năm 2014, anh đưa cây tam thất về trồng tại xã Mản Thẩn, đây là loài cây hứa hẹn sẽ mang tới thu nhập hàng tỉ đồng từ việc sản xuất hoa và củ sau 3-4 năm. Anh cũng là người tạo ra mô hình trồng rau bắp cải, mô hình nuôi giống lợn đen bản địa ở Si Ma Cai phát triển tốt và được nhân rộng trong nhân dân…

Năm 2016, anh Giàng Seo Châu cùng nhân dân địa phương thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch về diện tích trồng nông sản (lúa, ngô, giềng, gừng). Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.181,85 tấn tăng 91.4 tấn so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng lương thực bình quân đầu người/năm là 614 kg tăng 47 kg so với 2015; thực hiện trồng rau tăng vụ được 20 ha rau các loại, xây dựng được hai mô hình trồng cây tam thất với diện tích 4.2 ha... từ đó nâng giá trị sản xuất bình quân 1 ha canh tác lên 34.5 triệu đồng; đưa thu nhập bình quân đầu người lên 22,04 triệu đồng.

Ý thức được giá trị của kiến thức cũng như việc học tập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mản Thẩn, Giàng Seo Châu luôn động viên các gia đình cho con em đi học, đồng thời tích cực động viên các thầy và trò bằng những buổi gặp gỡ, chia sẻ.

Anh nói: “Tôi đã thoát nghèo, và đang tích cực hỗ trợ nhiều thanh niên dân tộc thiểu số khác. Chỉ cần có ý chí, nghị lực, quyết tâm theo đuổi mục tiêu cho chính mình, một ngày nào đó, chắc chắn các bạn sẽ trở thành những con người có ích cho gia đình, xã hội và cộng đồng”.

Với những đóng góp cho địa phương và phong trào thanh niên tiên tiến, anh Giàng Seo Châu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016 bình chọn là một trong 10 tấm gương thanh niên tiêu biểu nhất.

Mai Châm