Số ca trẻ em bị bạo lực năm 2018 tăng 39% so với 2017

(Dân trí) - Theo thống kê được đưa ra từ hội thảo, số ca bạo lực trẻ em trong năm 2018 là 357 vụ, tăng 140 ca (tương đương tăng 39%) so với cùng kỳ năm 2017.

Những con số đáng báo động được đưa ra bởi những người có trách nhiệm và các nhà nghiên cứu về chủ đề "Bảo vệ thanh thiếu nhi trên môi trường mạng, vì môi trường mạng an toàn và thân thiện" trong hội thảo được tổ chức ngày 28/2 tại Hà Nội.

Số ca trẻ em bị bạo lực năm 2018 tăng 39% so với 2017 - 1

Hội thảo "Bảo vệ thanh thiếu nhi trên môi trường mạng, vì môi trường mạng an toàn và thân thiện"

Ông Vũ Dũng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Dịch vụ truyền thông, Bộ Lao động TB&XH đại diện Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nêu lên thống kê đáng báo động: Số ca trẻ em bị bạo lực năm 2018 là 357 vụ, tăng 140 ca (tương đương tăng 39%) so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, thực tế nổi lên vấn đề bạo lực của giáo viên đối với học sinh xảy ra ở một số tình/thành phố như: TP.HCM, Trà Vinh, Quảng Bình, Long An, Nam Định...; vấn đề dâm ô trẻ em bởi chính giáo viên trong nhà trường (Hà Nội, Bình Dương); vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai và có con...

Tổng đài 111 được thành lập trên cơ sở Đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em 18001567 (được thành lập từ năm 2005). Tổng đài này thực hiện việc tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và trẻ em qua điện thoại...

Qua một năm triển khai, Tổng đài 111 đã giúp đỡ cho nhiều trường hợp trẻ em gặp khó khăn trong cuộc sống. Tuy vậy, Tổng đài này vẫn gặp một số vấn đề thách thức như: không kết nối được với người làm công tác trẻ em cấp xã do cán bộ không nghe máy, bận họp, từ chối hợp tác; còn nhiều cuộc gọi trêu đùa; hệ thống bảo vệ trẻ em còn yếu, do vật hạn chế trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu giúp đỡ của trẻ em; chưa tiếp cận hiệu quả với nhóm trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt, trẻ em vùng sâu vùng xa...

Số ca trẻ em bị bạo lực năm 2018 tăng 39% so với 2017 - 2

Các chuyên gia trình bày nghiên cứu về bảo vệ thanh thiếu nhi trên môi trường mạng.

Đối với vấn đề bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em trên môi trường mạng, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chia sẻ rằng: “Với tỷ lệ sử dụng Internet tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đang đối mặt với nhiều cơ hội cũng như thách thức.

Hiện nay, một phần không nhỏ những người dùng internet là trẻ em, người chưa thành niên không có đủ hiểu biết về những rủi ro và tiêu cực của môi trường mạng, làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ nhóm này trở thành mục tiêu xâm hại”.

Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) nói: “Trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị tác động trong xã hội, đặc biệt trong thời đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Để tối đa hoá tiềm năng phát triển của thế hệ trẻ, chúng ta cần trao quyền cho trẻ em và thanh thiếu niên với các kiến thức và kỹ năng số để làm chủ công nghệ, tận dụng được những lợi ích của công nghệ và giảm thiểu rủi ro".

Bà Linh cho rằng gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng các em với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các tổ chức phi Chính phủ.

Riêng khối doanh nghiệp công nghệ, việc thực hiện trách nhiệm và các tiêu chuẩn cộng đồng, cùng tham gia trong việc bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên - những khách hàng hiện tại và tương lai được an toàn và có những trải nghiệm ý nghĩa trên môi trường mạng là đặc biệt quan trọng.

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Chính sách công TikTok Việt Nam, khách mời tại hội thảo chia sẻ: "Trong nỗ lực của mình, TikTok đã đưa ra những biện pháp bảo vệ thông qua việc kết hợp công nghệ kiểm duyệt nội dung cùng với nhóm kiểm duyệt khắt khe.

Có mặt tại hơn 20 quốc gia và khu vực, bao gồm Việt Nam, hiện nay đội ngũ này có thể kiểm soát nội dung trên 36 ngôn ngữ - tăng 400% về mặt hỗ trợ ngôn ngữ so với một năm trước đó".

M.C