"Sếp" công nghệ chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên Đà Nẵng

(Dân trí) - Chiều 23/10, buổi trò chuyện với chủ đề “You can make it too” (Bạn cũng có thể làm được như tôi) thu hút hơn 500 sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng tham gia.

Khách mời của chương trình là những lãnh đạo trẻ, những kỹ sư cầu nối thế hệ 8x của FPT Software Đà Nẵng. Họ là những người dày dạn kinh nghiệm trong triển khai các dự án với khách hàng là các công ty hàng đầu của Nhật Bản và phần lớn đều xuất thân từ Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

Các khách mời đã có buổi chia sẻ và định hướng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên từ chính những gì họ đã trải nghiệm trong thực tế công việc và cuộc sống.


Các diễn giả chia sẻ tại chương trình

Các diễn giả chia sẻ tại chương trình

Anh Đinh Văn Năm, kỹ sư cầu nối tiếng Nhật chia sẻ, khó khăn nhất của nghề kỹ sư cầu nối không phải ngôn ngữ mà là văn hóa và kinh nghiệm. Thành công không phải ngày một ngày hai mà cả chặng đường dài, chỉ cần chọn đúng thế mạnh thì cơ hội khá lớn. Và điều quan trọng không kém là các bạn sinh viên phải học cho tốt kèm theo định hướng tốt.

“Muốn thoát khỏi khó khăn thì hãy đặt mục tiêu, mọi người làm được thì mình cũng vậy và hãy làm theo cách của mình. Tất cả phải quyết tâm, cố gắng và không được ngại khó khăn. Các bạn hãy chấp nhận những thất bại để có được ý chí mạnh hơn, quyết tâm cao hơn. Tất cả hãy suy nghĩ lạc quan, không nên bi quan", anh Năm nói.

Anh Ngô Sỹ Việt Phú, Giám đốc Trung tâm Phần mềm chuyên về các giải pháp lĩnh vực sản xuất ôtô cũng chia sẻ: “Một người không mua vé số bao giờ sẽ không bao giờ trúng vé số. Trong công việc cũng vậy, không nên ngồi không mà phải cố gắng hết mình như vậy may mắn mới đến.

Việc xây dựng một tổ chức lớn cũng tương tự khi phải đồng lòng đoàn kết, giống như việc truyền máu cho mỗi người, từ lứa này sang lứa khác và ngày càng chiếm được lòng tin”.


Một bạn sinh viên đặt câu hỏi cho các diễn giả

Một bạn sinh viên đặt câu hỏi cho các diễn giả

Anh Phú kể, mình còn nhớ mãi về câu hỏi của một vị khách hàng người Nhật, từ đó khiến anh ngộ ra được nhiều điều: "Tương lai anh muốn làm gì?”, khách hàng hỏi. Anh Phú trả lời: “Khởi nghiệp”. Khách hàng hỏi tiếp: “Để làm gì”? Anh Phú trả theo bản năng: “Để kiếm tiền”.

Và bác cho lời khuyên: “Bất cứ công ty nào cũng cần có khách hàng nên cái quan trọng nhất là làm thế nào để thỏa mãn được khách hàng mới là quan trọng".

Trước câu hỏi “các bạn sinh viên ở Đà Nẵng thì nên làm việc ở Đà Nẵng hay vào TPHCM?", anh Đoàn Nguyễn Vũ Nguyên, Phó GĐ Trung tâm Phần mềm 365 của FPT Software Đà Nẵng cho biết: “Chọn con đường lập nghiệp phụ thuộc vào tính cách của mỗi người, đặc biệt khả năng cảm nhận và mục tiêu đề ra trước đó. Nếu được, sinh viên khi ra trường hãy trải nghiệm nơi xa để đem lại những cái nhìn mới mẻ hơn về công việc”.

Nguyễn Tấn Huy, Giảng viên Trung tâm Đào tạo của FPT Software Đà Nẵng, được làm việc với nhiều khách hàng ở Mỹ, Nhật Bản... lại chia sẻ về kinh nghiệm khi làm việc với đối tác nước ngoài. Theo anh, người Nhật rất tốt và giỏi nhưng không vì thế mà người Việt lúc nào cũng chịu thua.

"Với tôi, người Nhật thường coi trọng hình thức và sự tiến bộ. Chúng ta khi làm việc với họ phải nắm bắt tâm lý và có phương pháp cụ thể", anh Huy nói.

Anh đưa ra ba lời khuyên cho sinh viên là: ngoài việc học cần phải tập trung tham gia hoạt động phong trào; phải yêu trước khi đi làm; ba năm đầu tiên phải chọn môi trường làm việc có thể rèn luyện kỹ năng tốt nhất. Anh cho rằng, kỹ năng rất quan trọng và được hình thành trong 5 năm đầu tiên, do đó, sinh viên cần tích lũy để "sau 30 tuổi sẽ tiêu sài kỹ năng đó".

Nguyễn Thị Hoài Uyên, Quản trị dự án, nữ diễn giả duy nhất trong chương trình, người lập kỷ lục 8 dự án liên tiếp đạt điểm thoả mãn khách hàng Hitachi với 100 CSS, mong muốn sinh viên nên học kỹ năng mềm trước khi nghĩ tới việc lập nghiệp.

Chị cho rằng, công việc phần mềm không hề đơn giản với nữ giới nhưng "hãy suy nghĩ tích cực vì mọi người đều có thể làm được. Cái quan trọng ở mỗi người chính là niềm đam mê và tinh thần không ngại khó".

Với nhiều kinh nghiệm tích lũy được sau những chuyến công tác từ châu Á sang châu Âu, anh Doãn Phú Tài khuyên sinh viên, làm việc ở môi trường quốc tế quan trọng nhất tự tin, không được từ bỏ, dám làm cho đến cùng.

Khánh Hồng