Sáng kiến “Uber cho nông dân”

(Dân trí) - GS-TS Lê Huy Hàm - Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho rằng: Nếu xây dựng được ứng dụng Uber giúp cho người nông dân, thì đó thực sự là một công đức vô cùng to lớn cho nền nông nghiệp.

Ngày 19/12, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Khoa và học Công nghệ đã tổ chức “Tọa đàm khoa học - công nghệ giải pháp cho phát triển nông nghiệp bền vững”.

Buổi tọa đàm với mục đích nhằm cung cấp những thông tin về xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững hiện nay, trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời giới thiệu những chính sách, hỗ trợ cho hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trao đổi tại tọa đàm, GS-TS Lê Huy Hàm - Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp đã có những chia sẻ hữu ích về thực trạng phát triển nông nghiệp, những khó khăn, thách thức cũng như định hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Sáng kiến “Uber cho nông dân” - 1
GS-TS Lê Huy Hàm - Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp

Cụ thể GS.TS Lê Huy Hàm cho rằng, thước đo sự phát triển của xã hội hiện nay không được đo bằng việc chúng ta làm ra cái gì mà quan trọng là làm như thế nào, bằng cách nào. 100 năm trước người dân trồng lúa, bây giờ cũng trồng lúa nhưng ở hai giai đoạn là khác nhau.

Bởi công nghệ được con người sử dụng mỗi thời điểm là khác nhau. Vì vậy khi con người bước vào kỷ nguyên 4.0 chính là đánh dấu một thời đại mới. Vẫn là những công việc cũ nhưng với công nghệ mới sẽ thuận lợi hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.

GS.TS Lê Huy Hàm chỉ ra thách thức của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là do dân số già hóa, nông nghiệp không còn hấp dẫn với thế hệ trẻ. Thu nhập ngành thấp, quỹ đất giảm, khả năng đầu tư công nghệ thấp, công nghệ lạc hậu...

Trong khi đó, phần lớn nông dân lại không được đào tạo, bóc lột đất quá mức khi canh tác với mật độ dày, xen canh gối vụ không cho đất nghỉ ngơi. Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến nền nông nghiệp.

Sáng kiến “Uber cho nông dân” - 2
Các đại biểu hào hứng ủng hộ việc xây dựng mô hình “Uber cho nông dân”

Bên cạnh những thách thức, Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn đầu của hội nhập kinh tế thế giới. Bước đầu tận dụng được lợi thế của hội nhập để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân. Từ một nước đói thành một một nước xuất khẩu với nhiều sản phẩm đứng hàng đầu thế giới.

Từ đó, GS. TS Lê Huy Hàm chỉ ra hướng đi cho nông nghiệp thời 4.0 là áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp để cho hiệu quả cao hơn, sản xuất bền vững hơn. Bên cạnh đó là tương đồng hóa công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ nano, quang điện tử.

“Hiện nay, một số nghiên cứu đã xây dựng được bản đồ khuyến cáo sử dụng phân bón cho lúa, ngô. Bản đồ này đã được số hóa tư liệu với ý tưởng của nó là người nông dân chỉ cần vào điện thoại di động của mình, đánh tọa độ, vĩ độ, địa chỉ...

Chương trình sẽ đưa ra khuyến cáo phải bắt đầu từ đâu, hướng dẫn phân bón như thế nào, cách phòng trừ sâu bệnh... Đây là ứng dụng hỗ trợ cho người nông dân rất tốt”, GS.TS nhấn mạnh.

Sáng kiến “Uber cho nông dân” - 3
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành

Ông cho rằng dù sớm hay muộn, nông nghiệp Việt Nam cũng phải tiến tới điều này. Bởi đây là một ứng dụng tiềm năng và các nhà khoa học hoàn toàn có thể làm được với đội ngũ giỏi.

Ngoài ra, công nghệ viễn thám cũng sẽ giúp ích cho người dân trong quản lý đất đai, đánh giá cháy rừng, xói mòn đất, sự thay đổi sử dụng đất, hạn hán, sa mạc hóa...

Chỉ cần chụp ảnh lại, điện thoại sẽ phân tích và phát hiện vấn đề từ đó cảnh báo đến người nông dân để có những biện pháp phù hợp. Với vùng này, cây trồng này, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cần cảnh giác với loại sâu bệnh nào đều được phản ánh chi tiết.

Công nghệ blockchain cũng mở ra một xu hướng ứng dụng tiềm năng cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Cho phép người tiêu dùng quét mã vạch của một sản phẩm trong siêu thị, giúp truy xuất nguồn gốc của sản phẩm một cách dễ dàng.

Tất cả các chương trình trên đều thông qua điện thoại để điều khiển thông số mà con người mong muốn. Giúp tối ưu hóa các điều kiện nuôi trồng dễ dàng chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh.

“Ứng dụng “Uber trong nông nghiệp” giúp cho người nông dân tiếp cận thị trường. Để ai cũng tìm được hạt giống, ai muốn mua giống loại gì cũng tìm được. Người nào muốn bán giống thì tìm được người mua. Thông qua sự kiểm soát của Bộ Nông nghiệp.

Nếu người nông dân có cách tiếp cận trực tiếp với thị trường thì hiệu quả vô cùng lớn. Làm được một Uber cho người nông dân thì đây thực sự là một công đức lớn cho nền nông nghiệp, cho người nông dân”, GS.TS Lê Huy Hàm kỳ vọng.

Kim Bảo Ngân