Rủi ro trên đường tình nguyện

(Dân trí) - Tình nguyện viên và các hoạt động thiện nguyện luôn là hình ảnh thể hiện sự năng động, nhiệt tình của tuổi trẻ vươn tới nơi gặp nhiều khó khăn để giúp đỡ đồng bào. Nhưng song song với đó là những rủi ro tiềm ẩn mà tình nguyện viên cũng không thể lường trước được.

Tình nguyện và những rủi ro phải đối mặt

Hằng năm công tác tình nguyện của các cơ quan, tổ chức, các hội sinh viên tình nguyện hoạt động rất sôi nổi, đây là việc làm trân quý thể hiện tinh thần tương thân tương ái của giới trẻ hiện nay.

Các hoạt động xuất phát từ cá nhân, tổ chức, các câu lạc bộ với những hành động thiết thực như quyên góp sách vở, quần áo, lương thực, gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó... đã giúp đỡ thiết thực cho đồng bào trong thời điểm khó khăn.

Tuy nhiên, hầu hết các điểm sinh viên tình nguyện tiếp cận đều là vùng sâu vùng xa, đường đi hiểm trở, nhiều thiên tai và nguy hiểm. Các tình nguyện viên là những bạn trẻ năng nổ, nhiệt huyết nhưng còn non về kinh nghiệm khi xử lý các tình huống bất ngờ.

Chuyến từ thiện của CLB Tôi yêu đồng bào tôi Hà Nội tại Trường tiểu học Tà Lại, bản C5, Xã Tà Lại, Huyện Mộc Châu, Sơn La tháng 10/2015 (Ảnh minh hoạ)
Chuyến từ thiện của CLB Tôi yêu đồng bào tôi Hà Nội tại Trường tiểu học Tà Lại, bản C5, Xã Tà Lại, Huyện Mộc Châu, Sơn La tháng 10/2015 (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra các hoạt động tình nguyện này khi lên kế hoạch họ đều phải tự tìm địa điểm, tự chủ về phương tiện, tư trang cá nhân nên không tránh khỏi những rủi ro, tai nạn, thương tích bất ngờ. Chỉ cần sơ sẩy một chút sẽ dẫn đến tai nạn như đuối nước hay tai nạn giao thông.

Còn nhớ hồi đầu tháng 7/2016, vụ việc thương tâm của 3 nữ sinh trường Đại học Ngoại thương tử nạn trong chuyến đi tình nguyện tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đã khiến dư luận xôn xao.

Mới đây, ngày 20/10, trong chuyến đi của một nhóm tình nguyện cứu trợ bà con vùng rốn lũ Quảng Bình cũng đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm. Nạn nhân là bạn Đặng Thị Thu H. (SN 1994, ở thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình).

H. là thành viên của một nhóm tình nguyện trẻ về tình nguyện và giúp đỡ dọn dẹp tại Trường tiểu học và Trường mầm non ở thôn Tiên Xuân, xã Quảng Tiên. H. đã tử nạn trên đường làm công tác tình nguyện khiến bạn bè, người thân vô cùng thương tiếc.

Tiếp đó, vào ngày 22/10 trong một chuyến tình nguyện của nhóm tình nguyện từ Hà Nội về cứu trợ gạo cho các tỉnh miền Trung đã gặp tai nạn trên tuyến đường 20 Quyết Thắng, thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Chiếc xe chở gạo không may bị mất phanh và trôi ngược xuống chân đèo, rất may sau đó đã được xe cứu hộ cẩu lên, không có thiệt hại về người nhưng chiếc xe đã hư hỏng.

Đảm bảo an toàn khi đi tình nguyện

Các thành viên CLB Tôi yêu đồng bào tôi Hà Nội
Các thành viên CLB Tôi yêu đồng bào tôi Hà Nội

Liên tiếp các vụ tai nạn đáng tiếc liên quan đến công tác tình nguyện của giới trẻ xảy ra khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Rủi ro trong công tác tình nguyện là do đâu? Anh Phùng Văn Hiệp nguyên Đội trưởng Câu lạc bộ Tôi yêu đồng bào tôi Hà Nội, người đã từng tổ chức rất nhiều chuyến tình nguyện thành công cho các thành viên cho rằng: rủi ro của trong các chuyến thiện nguyện là ở hai chữ "kỉ luật".

Là người từng dẫn đầu đội tình nguyện lên tới gần 100 người trong chuyến đi Suối Giàng Yên Bái, các tình nguyện viên hầu hết là các bạn trẻ, sinh viên các trường đại học, chuyến đi đông nhưng không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Anh Hiệp chia sẻ: "Di chuyển là lúc có thể xảy ra rủi ro cao nhất, do đó các kĩ năng, kỉ luật trong chuyến đi là điều cực kì quan trọng và đặc biệt là đi đâu, làm gì khi đi tình nguyện thì việc luôn có những người có kinh nghiệm hỗ trợ là cần thiết".

Anh Bảo Ngọc đã tham gia nhiều chuyến tình nguyện về giúp đỡ đồng bào miền Trung trong những ngày qua.
Anh Bảo Ngọc đã tham gia nhiều chuyến tình nguyện về giúp đỡ đồng bào miền Trung trong những ngày qua.

Anh Nguyễn Bảo Ngọc, sáng lập nhóm tình nguyện "Ôm tôi đi" chia sẻ: "Đối với nhiều vụ tai nạn có thể là do ngoài ý muốn, giống như vụ tai nạn của Đặng H. ở Quảng Bình, dù rằng tuân thủ luật an toàn giao thông nhưng tai nạn vẫn xảy ra bất ngờ.

Điều quan trọng là tổ chức chuyến đi tình nguyện an toàn gắn với trách nhiệm của người đứng đầu chuyến đi, từ giấc ngủ, bữa ăn... Tình nguyện viên phải chấp hành 100%, không được cãi lời hoặc làm sai.

Đi tình nguyện tại các địa phương thì trước khi về địa phương, cần liên lạc chính quyền xem địa hình, dân cư ra sao. Ví dụ như giúp dân sau trong lũ thì tình nguyện viên phải biết bơi chẳng hạn...".

Hoạt động tình nguyện là công việc đáng tự hào và tuyên dương của lớp trẻ hiện nay. Để hạn chế rủi ro, nên chăng các đội tình nguyện, các câu lạc bộ thiện nguyện cần đầu tư từ bên trong, trang bị kiến thức cho các tình nguyện viên, chuẩn bị cho mình hành trang chu đáo để có chuyến đi thành công, ý nghĩa. Tai nạn luôn tiềm ẩn nơi vùng đất xa lạ mà không phải tình nguyện viên nào cũng nắm vững.

Kim Bảo Ngân