Quặn lòng ngóng lũ nơi xa...

(Dân trí) - Mới tuần trước mẹ vừa gọi điện vào khoe may năm nay gặt sớm không thì đói cả năm. Thế mà hôm nay, mẹ nghẹn ngào khi mấy bao lúa sớm được “cứu” đó cũng đã hòa trong nước lũ.

Nhiều bạn trẻ quê miền Trung, đang học tập và làm việc ở Sài Gòn những hôm nay không khỏi nôn nao, đứng ngồi không yên khi quê nhà ngập trong nước, người thân đang chống chọi với lũ lụt.

Những ngày này đi làm, anh Huy Sơn, quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), đang làm việc cho một công ty sách tại TP.HCM nhấp nhổm không yên nghĩ đến quê nhà đang chìm trong nước.

Mới tuần trước người mẹ ở quê gọi điện vào khoe may năm nay gặt sớm không thì đói cả năm. Thế mà hôm nay, mẹ không khỏi nghẹn ngào khi mấy bao lúa được “cứu” sớm ấy đã hòa trong nước lũ.

Những hình ảnh miền Trung nước lũ liên tục được các bạn trẻ xa nhà chia sẻ qua mạng xã hội. 
Những hình ảnh miền Trung nước lũ liên tục được các bạn trẻ xa nhà chia sẻ qua mạng xã hội. 

Nhặt nhạy những hạt lúa ngâm trong nước, vương lại ở nền nhà, mẹ anh thẫn thờ. Bố mẹ, anh em và hàng xóm đang sống nhờ hàng cứu trợ, đồ đạc trong nhà đã trôi sạch. Anh chỉ biết tin đó qua một người bạn ở quê, còn mỗi lần liên lạc, mẹ vẫn dặn dò: “Con yên tâm, ở nhà ổn hết. Trong đó nhớ giữ sức khỏe làm việc, không phải lo chi cả”.

Những lúc Sài Gòn đổ mưa, trời âm u anh Sơn lại buông tiếng thở dài: “Ở đây mà mưa thế này là ngoài miền Trung quê choa đang dữ dội lắm đây”. Lúc này, cũng như rất nhiều người con xa nhà, người thanh niên ấy trông ngóng về nhà bằng những giọt nước mắt!

“Cầm hai triệu bố mẹ vừa gửi vô mà đứt hết gan ruột. Bố mẹ xoay đâu ra từng ấy tiền, khi  mà nhà chìm, mọi thứ trôi hết rồi?”, chia sẻ của Dung, SV Trường ĐH Mở TP.HCM, quê ở Quảng Bình.

Mấy hôm nay, Dung không liên lạc được với bố mẹ vì điện đóm trong nhà hỏng hết, điện thoại lúc nào cũng trong tình trạng hết pin. Mỗi lần nghe thông tin quê nhà ngập lụt qua báo đài, Dung quặn lòng, bất an: “Mình đang nằm đây, chăn ấm đệm êm. Còn bố mẹ, anh chị em và hàng xóm không biết đêm nay họ ở đâu, đói rét thế nào?”.

Hình ảnh hồi nhỏ cùng bố mẹ ngồi trên mái nhà nhiều ngày liền chờ cứu hộ, chờ nước rút, sự sống và cái chết trong gang tấc hiện về mồn một trước mắt cô nữ sinh. Cô cố gạt ra khỏi đầu những tình huống không hay có thể xảy ra với bố mẹ.

Mấy đêm nay, cô và những người bạn cùng phòng cùng quê miền Trung không ngủ được. Lòng như xát muối khi nghe tin ở nhà báo vô, quê mình có người bị lũ cuốn trôi. Không ở trong tâm bão nhưng họ vẫn cảm nhận được nỗi cùng cực của người thân ở quê.

Hoàng Thị Diệu, 24 tuổi, làm việc ở Q.1, TPHCM, quê ở Huế cho hay, chị còn không dám nghe tin báo đài cập nhật tình hình mưa bão ở miền Trung. Đập vào mắt cảnh người dân chống chọi để giữ tính mạng, cuộc sống tiêu điều là chị ngổn ngang, xót xa không yên.

Cộng đồng mạng kêu gọi cùng nhau hướng về khúc ruột miền Trung
Cộng đồng mạng kêu gọi cùng nhau hướng về khúc ruột miền Trung
 
Chị chỉ muốn về với bố mẹ và em út ngay để được chung cái khổ, cái đau của gia đình mà nào được. Ở nhà mọi người chống lũ, còn nhưng người con xa quê như chị thì chỉ biết ngóng, biết trông bằng nỗi lòng.
 
Sáng nay, trước khi đến cơ quan, chị ra bưu điện gửi một thùng hàng đồ khô gồm kẹo bánh, sữa, thịt cá hộp về quê, cứ lo: “Mưa bão thế này, quà có sớm đến với bố mẹ hay không?”.

Nhìn đồng nghiệp, bạn bè xung quanh có những động viên, chia sẻ về tinh thần lẫn vật chất, chị thấy được an ủi phần nào. Bởi tuổi thơ đã từng “sống chung với lũ”, chị hiểu sự chia sẻ, tương trợ của mọi người đối với người dân quê mình lúc này có ý nghĩa lớn lao như thế nào. 

“Quê mình sao giàu lên được, làm quần quật, cực khổ quanh năm để rồi chỉ một cơn bão là trôi hết cả của, còn trôi luôn cả người. Những ông bố, bà mẹ sống trong tình cảnh đó vẫn cứ gắng gượng nuôi con cái nên người”, Diệu tâm tư.

Khắp nơi lúc này, người dân trong cả nước chung một nỗi lòng khi khúc ruột miền Trung chìm trong nước lũ. Và những người con sinh ra ở vùng lũ nhưng sống xa quê cứ rứt ruột, thổn thức ngóng lũ từ nơi xa với bao bồn chồn, lo âu.

Họ không ngổn ngang sao được. Biết bao người trong số họ muốn về quê sinh sống, làm ăn cho gần nhà, gần gia đình như mong muốn của bố mẹ nhưng lúc mưa bão thế này, lại nghe bố mẹ động viên: “Chịu khó lập nghiệp trong đó, đừng về nghe con”. Nhiều người không muốn con trở về nơi mảnh đất mình đang sinh sống vì nó khắc nghiệt, đau thương quá!
 

Hoài Nam