Nữ sinh Việt và giấc mơ thay đổi thế giới

Phan Trâm Anh (SV năm 3, ĐH Kinh tế quốc dân) vượt qua hơn 3.200 thí sinh, trở thành người Việt Nam duy nhất cùng 74 nhà lãnh đạo trẻ thế giới tham dự trường học mùa hè Liên Hợp Quốc (UNAOC-EF) với chủ đề “Tuổi trẻ thay đổi thế giới”, diễn ra tại Mỹ từ 13-20/6.

Cô gái nhỏ và chuyến đi lớn

 

Phan Trâm Anh dễ gây ấn tượng với gương mặt xinh xắn và sự tự tin, năng động. Chia sẻ về bản thân, Trâm Anh bảo: “Mình luôn muốn được trải nghiệm những điều mới mẻ, không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân để phấn đấu trở thành người phụ nữ thành đạt và nhà hoạt động xã hội thay đổi thế giới theo hướng tích cực hơn”.

 

Từ những năm học phổ thông, Trâm Anh đã hăng hái tham gia các hoạt động ngoại khóa và có chuyến đi lớn tới New York (Mỹ) trong chương trình trao đổi học sinh One LENS do Đại sứ quán Mỹ tổ chức.

 

Ba tuần trải nghiệm cuộc sống, văn hóa và học về truyền thông Mỹ đủ để nữ sinh đất Cảng khám phá, hiểu sức mạnh của truyền thông trong việc truyền tải suy nghĩ của người trẻ và thay đổi nhận thức, hành vi của người khác.
 
Nữ sinh Việt và giấc mơ thay đổi thế giới
Ông Anders Lundholm, Giám đốc điều hành EF Việt Nam trao học bổng cho sinh viên Phan Trâm Anh (trái ảnh). Ảnh: NVCC.

 

Vào đại học, Trâm Anh hăng hái đăng ký ứng tuyển và trở thành thành viên câu lạc bộ báo chí, rồi làm Phó Chủ tịch câu lạc bộ và tham gia xuất bản tập san The AEP World - tờ báo của khoa được lập ra để kết nối sinh viên với giảng viên, cung cấp thông tin hữu ích về các chương trình học bổng, kỹ năng và kiến thức chuyên ngành. Ngoài ra, Trâm Anh nổi bật về kỹ năng thuyết trình, thành thạo tiếng Anh và là gương mặt MC quen thuộc trong các chương trình của khoa, trường.

 

Với mong muốn góp tiếng nói cùng các bạn trẻ quốc tế về những thách thức trong xã hội, Phan Trâm Anh đặt mục tiêu ghi danh vào trường học mùa hè Liên Hợp Quốc 2015 do Liên hiệp các nền văn minh thế giới (Liên Hợp Quốc - UNAOC) và tổ chức giáo dục EF Education First phối hợp tổ chức tại Mỹ.

 

“Đây là điều mình luôn hướng tới, là cơ hội hiểu biết các vấn đề thách thức trong mỗi quốc gia, lãnh thổ và học hỏi cách đóng góp nhiều hơn cho xã hội của các bạn trẻ quốc tế”, Trâm Anh nói.

 

Trâm Anh đã thành công khi vượt qua hơn 3.200 bạn trẻ khác của Việt Nam và thuyết phục ban tổ chức bằng ba bài luận tiếng Anh để góp mặt tại Trường học Mùa hè diễn ra tại New York; có cơ hội tham quan trụ sở Liên hợp quốc tại Manhattan...

 

Xóa bỏ kỳ thị, bất bình đẳng giới

 

Phan Trâm Anh mang đến chương trình Trường học mùa hè Liên Hợp Quốc 2015 chủ đề kỳ thị, bất bình đẳng giới trong xã hội để chia sẻ và trao đổi với các bạn trẻ thế giới.

 

Theo Trâm Anh, bất bình đẳng giới là vấn đề “nóng” của nhiều quốc gia, tồn tại dưới nhiều hình thái và mức độ khác nhau trong gia đình và ngoài xã hội.

 

Đây cũng là thách thức mà đại diện thanh niên nhiều quốc gia quan tâm và đang nỗ lực tháo gỡ, như Augustine Kou (26 tuổi, đến từ Liberia) chia sẻ tại cộng đồng địa phương.

 

Không ít phụ nữ bị bủa vây bởi sự kỳ thị giới tính, thất nghiệp, bạo lực gia đình và tấn công tình dục. Trong nỗ lực thay đổi, Augustine Kou và các thành viên khác tổ chức đào tạo nghề may miễn phí cho 25 phụ nữ là nạn nhân của các vụ bạo lực, lạm dụng; hướng tới xây dựng trường dạy nghề với nhiều ngành nghề hơn dành cho phụ nữ với hy vọng giúp họ thoát khỏi thất nghiệp, sự phụ thuộc tài chính.

 

Trong thời gian tham gia chương trình, Trâm Anh cho hay, sẽ gặp gỡ, trao đổi với đại diện thanh niên các quốc gia để hiểu hơn tình trạng bất bình đẳng giới, cũng như những vấn đề thách thức chung của cộng đồng quốc tế. Qua đó, góp thêm tiếng nói và hành động để tháo gỡ các vấn đề thách thức; đồng thời học hỏi những cách làm hay, sáng tạo để cống hiến vì sự phát triển chung của cộng đồng.

 

Chương trình còn là dịp hội tụ giao lưu của nhiều nền văn hóa. “Trong chương trình có hoạt động trao đổi quà. Các thành viên sẽ mang đến những sản phẩm không gắn quốc kỳ, tên nước để mọi người cùng đoán. Mình lựa chọn những sản phẩm thêu thổ cẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc”, Trâm Anh nói.

 

Theo Mai Xuân Tùng

Tiền phong