Nữ sinh tỉnh lẻ và hiểm họa dưới mái nhà trọ

Có trường hợp dù đã bị hiếp dâm nhưng do xấu hổ, các sinh viên đã không dám đi báo cơ quan chức năng.

Khi nữ sinh tỉnh lẻ ra phố thuê trọ để học hành, họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn về kinh tế, chật chội, nóng bức, bệnh tật... Chưa hết, nhiều cô gái còn trở thành nạn nhân của những yêu râu xanh để nỗi đau, nỗi ám ảnh nhức nhối khó lòng gột rửa.

 

Một nữ sinh viên lên mạng than thở về chuyện suốt hai tháng qua bị gã con trai chủ nhà trọ nhìn trộm cô tắm. Cô này cho biết, chỗ cô ở có 5 phòng trọ. Ban ngày, các anh chị đi làm hết, chỉ có cô và một cô gái khác là sinh viên nên thường tắm trước tại nhà tắm chung. Lúc này, xóm trọ vắng người nên gã con trai chủ nhà thường tò mò nhìn trộm.

 

Nhiều lúc cô cũng có cảm giác như ai đó đang theo dõi mình nhưng phải đến khi cô bạn gái ở cùng nhìn thấy gã trèo lên, nhìn qua lỗ thoáng thì mọi chuyện mới vỡ lở. Cô báo ngay với chủ nhà trọ và các anh chị khác để đề phòng.

 

Cửa phòng tắm được thay mới và các lỗ thoáng cũng được tu sửa để không ai có thể nhìn trộm. Dẫu vậy, cô sinh viên này cũng không dám tiếp tục ở nhà trọ đó đành phải tìm một chủ nhà trọ khác. Đây là lần thứ hai cô chuyển nhà trọ vì bị nhìn trộm trong khi tắm.

 
Bên cạnh yếu tố tài chính, an toàn là điều tối quan trọng khi SV chọn nhà trọ.

Bên cạnh yếu tố tài chính, an toàn là điều tối quan trọng khi SV chọn nhà trọ.
 

Khi cô sinh viên chia sẻ thông tin trên mạng, có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng cảm. Nhiều nữ sinh khác còn kể chuyện mình từng bị chủ nhà trọ nhìn trộm, hoặc rủ đi uống nước để giở trò đồi bại.

 

Có cô còn tố, cả bố, cả con chủ nhà trọ từng vào phòng gạ gẫm mình quan hệ tình dục. Có chủ trọ còn mặc cả, nếu nghe lời ông ta thì sẽ không phải trả tiền phòng, thậm chí còn được nhiều hơn!

 

Tôi theo Thanh Hằng - một nữ sinh ĐH Sư phạm Hà Nội I đến xóm trọ của cô trong một con hẻm trên đường Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Đó là một khu nhà trọ ở cuối một con hẻm nhỏ, cách đường Bùi Xương Trạch 2 cây số.

 

Khu trọ của Hằng có 7 phòng, 2 phòng nam, 5 phòng nữ, cửa nhà vệ sinh, phòng tắm đều làm bằng nhựa xếp và không có khóa. Cửa phòng ở cũng lỏng lẻo, yếu ớt. Vì thế mỗi tối, trước khi đi ngủ Hằng và cô bạn ở cùng đều phải kéo chiếc bàn học ra chèn cửa.

 

Hằng chia sẻ: "Mỗi lần tắm hay đi vệ sinh chúng em đều thấy sợ. Lúc nào có người ở nhà mới dám đi. Xóm trọ ít người nên càng ngại, cũng chẳng thân thiết với phòng con trai vì người chuyển đến, chuyển đi suốt. Lúc nào cũng đề phòng, cũng lo, em còn đặt một con dao đầu giường. Mỗi phòng này giá 900.000 đồng, giờ khó tìm ở đâu ra giá rẻ như thế này".

 

Một nữ sinh cùng xóm trọ kể lại: Tuần trước, xóm trọ đi vắng gần hết. Có cô bạn học Trường Đại học Thương mại nghe tiếng lục cục trước cổng, tưởng bạn sinh viên nào về liền mở cửa phòng thì thấy hai thanh niên lạ hoắc đang trèo cổng vào.

 

Hai cậu này tiến lại đập cửa phòng nữ sinh này ầm ầm, cô nàng ngồi trong tím mặt vì sợ. Cũng may, cô bạn phòng bên cạnh hét toáng lên: "Bọn mày cứ đập nữa đi, tao vừa gọi công an đấy!". Nghe thế hai tên kia mới tìm đường chuồn.

 

Cũng vì sợ, một số sinh viên đến thuê phòng ở xóm trọ này được một thời gian lại chuyển đi. Nhưng số đông vẫn phải bám trụ, vì thời điểm này tìm được một chỗ trọ mới thật chẳng dễ dàng.

 

Và không ít các sinh viên đang sống ở những khu trọ tách biệt, nhất là các khu trọ vùng ven thành phố, nguy hiểm rình rập là điều khó tránh khỏi. Ở những địa điểm như vậy, các nữ sinh viên, lao động nữ phải đối mặt với những lo lắng, sợ hãi thậm chí kể cả lúc ở trong phòng đã cửa đóng, then cài.

 

Kinh nghiệm để an toàn

 

Theo kinh nghiệm của những cô gái đã qua thời sinh viên, nữ sinh đi thuê nhà trọ nên xem xét tình hình an ninh ở khu vực và điều kiện vật chất của nhà trọ. Đặc biệt là độ chắc chắn, an toàn của cửa phòng trọ, cửa nhà tắm, nếu thấy chắc chắn thì mới thuê.

 

Khi tìm thuê nhà, nên tránh những gia đình có con trai hoặc chủ nhà trọ bị nghiện rượu, nghiện ma túy. Bởi những đối tượng ấy là nguy cơ đe dọa sự bình yên của những cô gái trẻ đang lệ thuộc vào họ về chỗ ở...

 

Theo Lạc An

Đời sống & Pháp luật