Nữ nhân viên ngân hàng nghẹn đắng khi mẹ nói: "Lấy thằng nghiện cũng được!"

(Dân trí) - Nhiều năm qua, Linh suốt ngày nghe mẹ ra rả chuyện chồng con, cô tưởng đã nhờn tai. Sắp tới chuẩn bị về quê, cô nghẹn đắng khi mẹ buông lời: lấy thằng nghiện còn hơn không.

Thùy Linh, 31 tuổi, quê Gia Lai, là nhân viên ngân hàng ở TPHCM. Hồi sinh viên, mới ra trường cô còn háo hứng với ít mối tình nhưng vài năm gần đây, cô không còn nặng nề chuyện yêu đương, chồng con.

Linh yêu công việc và vui vẻ với cuộc sống hiện tại. Cô xác định, nếu gặp người mình yêu, tâm đầu ý hợp cô mới tính đến chuyện lập gia đình, còn không, cô sẽ sống một mình như bây giờ. 

Nữ nhân viên ngân hàng nghẹn đắng khi mẹ nói: Lấy thằng nghiện cũng được! - 1

Nhiều cô gái bị áp lực từ gia đình, bạn bè chỉ vì chưa lấy chồng

Việc cô sống độc thân không gây ảnh hưởng đến ai, cũng chẳng lấy của ai miếng cơm, manh áo nào, thế nhưng lại quá nhiều người quan tâm. Cô đi chơi, đăng một bức ảnh đẹp, món ăn ngon thôi kiểu gì cũng có vài cô bạn vào bình luận rất có duyên như: Đẹp rồi nhưng lấy chồng đi; khi nào cưới... 

Nhiều năm nay, nội dung nói chuyện của bố mẹ với Linh dường như chỉ xoay chuyện chuyện chồng con. Mẹ cô cầm điện thoại là nói: Không có anh nào à? Rồi kéo luôn mấy người bạn thân của Linh vào nói gán ghép. 

Với cái giọng rỉ ra, cay nghiệt, mẹ cô than thở, phụ nữ thì phải có chồng, không thiên hạ cười cho thối mặt mũi ra; rồi nào là để mốc vậy và quay sang than thở, còn mặt mũi của bố mẹ. Chỉ cần cô tỏ ý nói "con thích sống độc thân" là mẹ cô khóc lóc, thậm chí quay sang chửi bới hay tự oán hận mình đẻ ra đứa con không giống ai. 

Ban đầu Linh bực lắm nhưng cô kệ, nghe lờn tai rồi để đó. Mới đây, cô đang lên kế hoạch về Tết, ai ngờ mẹ gọi điện vào, lại nhắc chuyện cũ. Biết mẹ hay nói nhưng cô không ngờ, bà nặng nề đến mức khi nói rõ: "Kiểu chi cũng phải lấy chồng, lấy thằng nghiện cũng được!"

Linh nghẹn đắng. Cô đang cân nhắc lại việc có nên về quê đón Tết hay không. Cô hiểu với tính mẹ mình, về nhà không khí sẽ càng nặng nề hơn.

"Không có người yêu, đừng về!"

Thu Hà, 33 tuổi, quê ở Quảng Nam, làm về lĩnh vực IT cũng có tuổi trẻ sôi nổi với yêu đương nhưng chưa bao giờ có mối quan hệ nào để cô xác định tiến tới hôn nhân. Nhìn vào Hà, không ít người mơ ước: xinh đẹp, giỏi giang, thu nhập cao khi sở hữu nhà, ô tô riêng. 

Việc "ế" của mình, Hà cho biết, bạn bè, đồng nghiệp bây giờ không mấy ai quan tâm. Chủ yếu là nói chọc nhau cho vui chứ không câu nệ chuyện chồng con gì. Bạn bè Hà, cả trai cả gái, nhiều người cũng đang độc thân, giỏi giang, sống có ích.

Nữ nhân viên ngân hàng nghẹn đắng khi mẹ nói: Lấy thằng nghiện cũng được! - 2

Bức hình "Nhà có cháu gái chưa chồng..." được mạng xã hội chia sẻ như lời nhắc nhở đừng hỏi về chuyện riêng tư của người khác 

Thế nhưng, cô lại chẳng được yên với bố mẹ. Mẹ cô từ việc hối thúc, gán ghép, mai mối không thành thì quay sang than nhà mình bất hạnh. Bắt Hà đi cắt tiền duyên không được, bà tự đi. 

Nói với Hà không được, mẹ cô bực mình, khó chịu với anh chị em Hà để mọi người gây áp lực với cô. Chị gái Hà nhỏ to với mẹ về lựa chọn về hạnh phúc của em gái liền bị mẹ mắng xối xả. 

Bố Hà không nói nhưng ánh mắt, tiếng thở dài của ông cũng làm Hà căng thẳng, mệt mỏi mỗi khi về quê. 

Tết năm nay, mẹ nói thẳng với Hà: "Không có người yêu, đừng có về cho xấu hổ!"

Hà kể chuyện của mình thì mới hay, nhiều bạn bè độc thân khác cũng gặp áp lực từ gia đình như mình. Và vì "ế" mà không dám về quê đón Tết. 

Một chuyên gia tâm lý tại TPHCM bày tỏ quan điểm, bất kỳ ai đều có quyền lựa chọn con đường sống của mình. Có người lập gia đình nhưng có người chọn sống độc thân. 

Nhiều người hiện nay "ế" trong tâm thế chủ động, có người độc thân tạm thời vì họ dồn tâm sức, thời gian cho công việc, cho đam mê của mình. Độc thân ở một trạng thái tự tin, họ chờ đợi tình yêu, chờ đợi sự sẵn sàng ở bản thân. 

Tuy nhiên, theo bà, nhiều người độc thân gặp không ít áp lực từ quan niệm, tư duy của xã hội. Nhiều người xung quanh "thiếu duyên" trong việc quan tâm đến đời tư của người khác. Và áp lực với họ có khi xuất phát từ sự lo lắng của người thân, bố mẹ khi con cái đang đi theo lối khác với "chuẩn" truyền thống, "chuẩn" của số đông. 

Hoài Nam