“Nông dân” đặc biệt

(Dân trí) - Ấy là hình ảnh mà nhiều người dân xã Nghi Kim (Nghệ An) đã thấy gần đây khi có một nhóm nghiên cứu gồm 6 cán bộ, giáo viên và hơn 20 sinh viên đã bám ruộng, chăm sóc đến từng… lá rau, giúp nông dân hiện sâu bệnh và kịp thời phòng trừ.

Những “nông dân” đặc biệt đó chính là nhóm nghiên cứu của thầy và trò khoa Nông - Lâm - Ngư, trường Đại học Vinh (Nghệ An) đã và đang nghiên cứu chế phẩm sinh học EM và các loại thảo mộc trong phòng trừ sâu bệnh để đưa vào sản xuất thành công rau sạch cùng với người nông dân.

 

Thầy trò cùng vào cuộc

 

Nhóm nghiên cứu của thầy và trò khoa Nông - Lâm - Ngư, trường Đại học Vinh (Nghệ An) đã và đang nghiên cứu chế phẩm sinh học EM và các loại thảo mộc trong phòng trừ sâu bệnh để đưa vào sản xuất thành công rau sạch cùng với người nông dân.

 

Theo PGS, TS Trần Ngọc Lân, Trưởng khoa Nông - Lâm - Ngư, Đại học Vinh cho biết: “Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là rau sạch đang là nỗi bức xúc của người dân Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Lượng rau sạch trên thị trường chiếm trên đầu ngón tay, còn lại là “rau sạch” dùng thuốc trừ sâu vẫn trôi nổi khắp nơi khó kiểm soát. Đáng chú ý, trong số 47 loại thuốc trừ sâu thì có tới 2/3 số thuốc không có trong danh mục sử dụng ở Việt Nam…”. 

 

Nhận thấy nhu cầu sử dụng sau sạch ngày càng lớn của người dân, đồng thời với đội ngũ giáo viên, sinh viên của khoa có khả năng nghiên cứu thành công mô hình trồng rau sạch, có thể giúp nông dân xây dựng và phát triển thương hiệu rau sạch tại địa phương. Từ những trăn trở và suy nghĩ đó, PGS-TS Trần Ngọc Lân đã đề xướng, hướng dẫn nhóm sinh viên nghiên cứu phương pháp trồng rau sạch bằng chế phẩm sinh học: “EM và thuốc trừ sâu được chế từ các loại thảo mộc”. 

 

Sau hơn một năm nghiên cứu, thử nghiệm, đến nay mô hình trồng rau sạch sử dụng chế phẩm sinh học EM và các loại thảo mộc trong phòng trừ sâu bệnh đã được áp dụng trên đồng ruộng của các hộ dân chuyên trồng rau tại xóm 10, xã Nghi Kim, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).

 

Ông Trần Ngọc Lân cho biết thêm, xuất phát từ phương pháp xa xưa là sử dụng cỏ cây để làm thuốc. Với suy nghĩ đó nhóm sinh viên của khoa đã nghiên cứu và tìm ra phương pháp phòng trừ sâu bệnh cho rau mà hoàn toàn không cần sử dụng hoá chất. Theo đó, bà con nông dân có thể tận dụng các loại “cây nhà lá vườn” để chế tạo ra thuốc “trừ sâu” mà hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khoẻ, đặc biệt sẽ có rau sạch 100%. 

 

Tuy nhiên, theo PGS-TS Trần Ngọc Lân thì phương pháp này mất nhiều thời gian, vì người nông dân vốn quen với tập quán canh tác kiểu cũ (xưa) là bón phân bừa bãi không vệ sinh đồng ruộng và không chăm sóc kỹ vườn rau.

 

Việc sử dụng chế phẩm sinh học EM trong trồng rau sạch sẽ làm năng suất vượt từ 20 - 30% so với việc không dùng chế phẩm sinh học EM. Đồng thời, thời gian thu hoạch cũng rất ngắn, ví như một số loại rau: cúc, mùi… chỉ mất 20 ngày là kết thúc chu kỳ. Bên cạnh đó, phương pháp dùng chế phẩm EM sẽ ít tốn kém hơn so với dùng hoá chất. 

 

“Với mô hình này người dân hoàn toàn loại bỏ việc dùng các loại chất hoá học. Bước đầu để người dân làm quen là rất khó, nhưng nhóm nghiên cứu sẽ tích cực hỗ trợ bà con về kỹ thuật, phương pháp trồng rau an toàn. Tin tưởng trong tương lai không xa thì phương pháp này sẽ đem lại hiểu quả cao cho người sản xuất và người tiêu dùng”.

 

“Nông dân” đặc biệt - 1
 Sinh viên Đại học Vinh mua rau sạch tại trường

 

Mới đây Bộ khoa học & Công nghệ đã tặng giải nhì cho đề tài nghiên cứu trên. Với những thành công bước đầu, phương pháp trồng rau bằng việc sự dụng chế phẩm EM và thảo mộc trong phòng trừ sâu bệnh sẽ phổ biến trong tương lai không xa.   

Hồ hởi trước “thành tựu” ban đầu

 

Đã nhiều tháng nay người dân xã Nghi Kim đã quá quen thuộc với hình ảnh những người “nông dân” của khoa Nông - Lâm - Ngư trường Đại học Vinh. Họ tích cực bám ruộng chăm sóc đến từng lá rau, giúp nông dân phát hiện sâu bệnh và kịp thời phòng trừ. Nhóm nghiên cứu gồm 6 cán bộ, giáo viên và hơn 20 sinh viên không kể nắng mưa luôn đồng hành cùng nhà nông dân.

 

Mô hình trồng rau sạch bước đầu đã có kết quả tốt, hiện có trên 65 hộ dân của xóm 10 (xã Nghi Kim) tham gia sản xuất rau sạch. Đến nay, đã có hơn 8 ha rau an toàn và trung bình mỗi ngày cung cấp cho thị trường trên 1 tấn rau sạch. Theo tính toán của bà con và cán bộ trong thời gian tới “vựa rau” của xóm 10 sẽ cung cấp cho thị trường 14 tấn/ngày. 

 

Trong tương lai không xa với sự tư vấn về kỹ thuật, phương pháp trồng rau an toàn của nhóm nghiên cứu, thì vùng rau sạch sẽ phát triển lên khoảng 50ha. Tiến tới xây dựng Hợp tác xã rau sạch và tạo thương hiệu cho vùng rau sạch Nghi Kim. 

 

Trước mắt, để hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân trồng rau, nhóm sinh viên của khoa Nông - Lâm - Ngư đã thành lập nhóm thị trường do Nguyễn Xuân Ngọc, sinh viên K46 - Nông học làm trưởng nhóm. Với tinh thần trước hết là phục vụ “người nhà”, các bạn đã giới thiệu những sản phẩm rau sạch đầu tiên đến thầy cô và sinh viên trong trường. Đây cũng là một hình thức làm thêm rất tốt của các bạn sinh viên. 

 

Trong thời gian không xa sẽ thành lập các kiốt bán rau sạch, đưa sản phẩm này có mặt tại các hộ gia đình ở thành phố Vinh, các vùng lân cận và tương lai sẽ cho sản phẩm rau sạch Nghi Kim có mặt khắp thị trường Việt Nam.

 

Sinh viên Lê Thị Phượng, K46B Công nghệ thông tin tâm sự: “Thấy các bạn khoa Nông - Lâm - Ngư giới thiệu rau sạch tại trường chúng em thường xuyên mua về dùng. So với thị trường có đắt hơn một chút nhưng yên tâm hơn nhiều!”. Không riêng gì Phượng mà hầu hết sinh viên Đại học Vinh hiện nay đã quen sử dụng rau sạch của thầy và trò khoa Nông - Lâm - Ngư. 

 

Điểm bán rau của nhóm sinh viên khoa Nông Lâm Ngư được “thí nghiệm” ngay tại trường nên lúc nào cũng tấp nập người ra vào.

 

Anh Nguyễn Văn Thới, tổ trưởng tổ hợp tác trồng rau an toàn của xóm 10, xã Nghi Kim cho biết: “Bà con nông dân ở đây rất hồ hởi với phương pháp trồng rau an toàn này. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con tham gia trồng rau an toàn và hướng đến một nền nông nghiệp rau sạch trong nay mai”.

 

Nguyễn Duy - Duy Tuyên