Những số phận cần bàn tay thiện nguyện

(Dân trí) - Nhìn những đứa trẻ chân tay co quắp, thân hình teo tóp nằm bất động trên manh chiếu cói nhiều người cảm thấy sờ sợ. Thế nhưng đã 3 năm qua, 8 cô gái trong độ tuổi đôi mươi tình nguyện vào nhà dòng (đi tu) để nuôi dạy, chăm sóc chúng như những người mẹ thực thụ.

Chuyện cảm động trên ghi được ở Trung tâm nuôi trẻ khuyết tật bất hạnh 19/3 (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

 

Muôn nẻo bất hạnh 

 

Cách TP Vinh chừng hơn 20 cây số, Trung tâm 19/3 (lấy tên từ ngày ra đời của Trung tâm - 19/3/2003) của linh mục Nguyễn Đăng Điền nhỏ nhắn, binh dị nhưng luôn ấm cúng bởi tình người. Trong cái se se lạnh của mưa phùn, linh mục Điền tâm sự: “Dù không giúp được gì nhiều nhưng Trung tâm xin nguyện là mái nhà chung cho trẻ khuyết tật, với mong muốn chia sẻ bớt nỗi thiệt thòi, bất hạnh cho các em và gia đình....”   Các em đến đây với đủ thứ bệnh tật khác nhau. Nạn nhân nhiễm chất độc da cam có, viêm não Nhật Bản B, rồi khuyết tật bẩm sinh đều có cả. Phần lớn các em đều không thể tự lo những sinh hoạt bình thường nên cán bộ Trung tâm phải như một người mẹ làm hết mọi việc.   Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1982 (Nghi Lộc - Nghệ An) là người đầu tiên được đưa về Trung tâm. Dũng sinh ra trong một gia đình đông anh em, cha lại mắc bệnh tâm thần. Bản thân Dũng lại bị dị tật bẩm sinh, thân hình co quắp... nên mọi gánh nặng gia đình đều dồn hết lên đôi vai của người mẹ. Thương con nhưng bất đắc dĩ mẹ đã gửi Dũng vào Trung tâm nhờ chăm sóc.   Nhắc đến chuyện của Lê Ngọc Huỳnh, sinh năm 1996 (Đức Thọ - Hà Tĩnh) các mẹ trong Trung tâm không cầm được nước mắt. Huỳnh bị bỏ rơi ngay khi vừa lọt lòng mẹ. Dì ruột đã đưa em về nuôi nhưng khi phát hiện em bị dị tật rất nặng: Chân tay co quắp, thân hình lở loét, chỉ nằm được một chỗ nên cũng đành gửi Trung tâm chăm sóc, cưu mang...   Trần Thị Vinh, sinh năm sinh 1978 (Quỳnh Lưu - Nghệ An) là người nhiều tuổi nhất trong số hơn 20 em bất hạnh ở Trung tâm nhưng thân hình nhỏ thó như đứa trẻ lên 10. Vinh bị bệnh viêm não từ nhỏ nên chân tay co quắp, miệng méo xệch....   Còn nhiều, nhiều nữa những hoàn cảnh thương tâm mà không kêt hết nỗi. Nỗi đau của các em đã được san sẻ khi có gần chục cô gái tuổi đời còn rất trẻ đã chấp nhận “làm mẹ” để vào đây chăm sóc các em.   Mẹ hiền của trẻ em khuyết tật   Hà Thị Hồng Châu năm nay 27 tuổi nhưng trông già dặn hơn cái tuổi của mình. Châu là chị cả trong số những chị em tình nguyện ở Trung tâm. Người nhỏ nhắn, duyên nhưng rất tiết kiệm lời, Châu tâm sự: “Có gì mà nói đâu. Chúng em chỉ nghĩ làm thế nào cho các em có hoàn cảnh bất hạnh được ăn no mặc ấm, vơi đi phần nào thiệt thòi đối với trẻ em cùng trang lứa là vui rồi...”   Lên 12 tuổi đã đi nhà dòng, Châu tâm niệm: Quên mình phục vụ, tận hiến, vui vẻ, hòa nhã, chu đáo đối với những số phận bất hạnh nhất trong xã hội.  

Để có thêm kiến thức về nuôi dạy trẻ đặc biệt, năm 2000 Châu đã đi học lớp đào tạo nuôi dạy trẻ em tật nguyền bất hạnh ở Sài Gòn, rồi học lớp massage ở Nha Trang (Khánh Hòa). Năm 2001 Châu tốt nghiệp trở về sở dòng. Và năm 2003, Trung tâm 19/3 thành lập, chị đã cùng 7 chị em khác “đầu quân” vào đây làm việc. “Ban đầu nhìn thấy các em đứa thì mất tay, em thiếu mắt và đứa khác thì nằm chỏng queo bất động mà sợ. Nhưng ngay lập tức nỗi sợ biến mất và nước mắt cứ trào ra....”, Châu tâm sự.

 

Hơn 3 năm ở Trung tâm, Châu và một số chị em đã thực sự để lại những ấn tượng đẹp. Các em ở Trung tâm thường gọi “mẹ Châu” mỗi khi muốn làm việc gì đó, người thân của các em an tâm khi có những người như Châu. Mẹ của Dũng nói trong nước mắt: Cũng đã đưa cháu đi khắp các bệnh viện rồi, nhưng ở đâu cũng bó tay. Cho con vào Trung tâm nhớ và đau lắm chứ nhưng trước sự ân cần chăm sóc của cán bộ Trung tâm, tôi cũng thấy vơi đi phần nào gánh nặng...

 

Ít hơn Châu một tuổi nhưng Nguyễn Thị Hồng cũng mạnh mẽ, cứng rắn không kém. Vừa cho các em ăn, Hồng nói thật: “Nhiều lúc nghĩ đến tương lai mình cũng thấy chạnh lòng. Nhưng thấy các em cười chúng tôi lại thấy mình sống thật có ý nghĩa. Ngoài kia còn biết bao nhiêu số phận khác đang cần cưu mang...” Dừng lại giây lát rồi Hồng bảo: “Hạnh phúc nhất là khi cho các em ăn và các em ngủ. Bởi lúc đó nhìn chúng thật thánh thiện và vô tư”.

 

Nói về những “bà mẹ trẻ” của Trung tâm, linh mục Điền tự hào: “Còn rất trẻ nhưng Châu, Hồng, Tuyết... thực sự đã lấy được lòng tin của xã hội. Sắp tới Trung tâm sẽ tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc từ 50 đến 100 em nữa. Khó khăn sẽ tiếp tục chồng chất lên vai những cô gái trẻ ở đây nhưng chúng tôi không nề hà. Riêng tiền thuốc thang, chi phí ăn tiêu hàng ngày cho các em mới thực sự là gánh nặng bởi Trung tâm không có nguồn thu đáng kể nào, trong khi nhu cầu được nâng đỡ những trẻ em bất hạnh lại ngày càng nhiều...”  

Đặng Nguyên Nghĩa