Những sinh viên không có kỳ nghỉ lễ

(Dân trí) - Trong lúc nhiều sinh viên đang ở quê, sum vầy bên gia đình hoặc đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ, thì không ít bạn trẻ lại phải tất bật chạy việc tại tiệc tụ họp, nhà hàng...

“Tiệc sáng chưa xong, tiệc chiều đã tới”

 

Quê Thanh Hóa, Liên (trường Lao động xã hội) không về thăm gia đình đợt nghỉ 5 ngày này. Bên cạnh việc gia đình khó khăn, không có tiền đi du lịch với bạn bè, Liên đã tranh thủ những ngày nghỉ lễ để chạy “sô” phục vụ nhà hàng, khách sạn.

 

Theo Liên, trong dịp nghỉ lễ 30/4 này, tại các nhà hàng, nhiều bữa tiệc quy mô gia đình, bạn bè được tổ chức rất nhiều. Bởi vì thiếu nhân lực nên những người làm thời vụ như Liên có “cơ hội” làm tiệc “đúp”, từ 10h - 22h30.

 

Liên chia sẻ: “Tiệc trưa chưa xong, tiệc chiều đã tới, mình không được nghỉ một chút nào hết, trừ khoảng thời gian ăn trưa. Bận bịu như vậy nhưng mình cảm thấy may mắn vì những ngày bình thường ít tiệc, nhân viên nhà hàng làm, Liên có muốn xin vào cũng không được. Mấy khi có cơ hội được làm hết thời gian, lại mấy ngày liên tục thế này đâu”.

 

Liên cho biết, bạn bè của cô trong dịp này cũng tranh thủ đi làm phục vụ tiệc, nhà hàng. Mỗi ngày, tiền thù lao Liên nhận được từ 150.000 - 170.000 đồng. “5 ngày làm cũng kiếm được một khoản tiền công khá. Mình chỉ mong có thể đỡ đần được phần nào cho bố mẹ. Thi xong, được nghỉ Hè rồi mình về thăm nhà luôn”.

 
Những sinh viên không có kỳ nghỉ lễ

Dịp nghỉ lễ cũng là dịp để bạn trẻ tranh thủ kiếm thêm từ công việc phục vụ ở các nhà hàng, quán ăn. (hình minh họa)
 

Đang trong thời gian ôn thi tốt nghiệp để ra trường, Tuyết (trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) tận dụng thời gian, xin làm thêm ca từ 13 - 22h30 ở một quán hải sản.

 

Vào dịp này, Tuyết được anh chị gọi xuống chơi với cháu. Tuyết xin nghỉ 2 ngày nhưng chủ quán không chấp nhận, yêu cầu phải làm hết kỳ nghỉ lễ. “Đây là dịp kiếm ăn của quán nên mình không được chủ cho nghỉ. Mình dự định xin một ngày nghỉ ngơi cho đỡ mệt và đi thăm cháu nhưng không được”, Tuyết nói.

 

Những giọt mồ hôi lăn dài

 

Lượng khách tăng trong những ngày lễ, sinh viên phải đảm đương công việc khá lớn. Tuyết cho biết: “Những ngày này, lượng khách hội họp, gặp mặt đông nên mình làm mệt bở hơi tai. Nhưng dù lượng khách đông, các nhân viên vẫn duy trì ca trực và mức lương như ngày bình thường”.

 

Còn Liên cho biết: “Những lúc mệt, mình muốn nghỉ một chút nhưng sợ làm thế lần sau người ta cần phục vụ cũng không gọi mình nữa. Thế nên luôn phải chăm chỉ làm việc, trong tình trạng căng như dây đàn vậy”.

 

Theo lịch là 22h30 là kết thúc nhưng vì khách đông nên có khi bị kéo dài hơn so với thời hạn. Bên cạnh đó, vì không có phương tiện xe máy, phải đi làm bằng xe buýt nên Tuyết mất khá nhiều thời gian.

 

Tiệc kết thúc muộn nên nhiều khi Tuyết không bắt được xe để về nữa. Có lần gần 0h sáng bạn mới về được đến phòng trọ.

 

“Về đến nhà, tắm rửa xong, mình lăn ra ngủ không biết trời đất gì luôn. Sáng hôm sau không phải đi học hoặc không có việc gì quan trọng là mình ngủ đến trưa mới dậy. Chưa kể về khuya, đi trong các ngõ vắng teo do sinh viên về quê nghỉ gần hết, mình luôn nơm nớp lo sợ bị trêu ghẹo, gặp nguy hiểm”, Tuyết bày tỏ.

 

Hoàng Dung