Những “điệp viên rừng xanh”

(Dân trí) - Không chỉ tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã, các bạn trong CLB ENV Đà Nẵng còn là những thám tử nghiệp dư đầy trách nhiệm với công việc, giải cứu thành công nhiều động vật hoang dã trong thời gian qua.

Muốn bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường

ENV Đà Nẵng là một trong những CLB thuộc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) – hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Công việc của các bạn trong CLB là tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ động vật hoang dã, khảo sát các vi phạm ở các nhà hàng, quán nhậu, tiệm thuốc, nhà dân về tình trạng nuôi nhốt, sử dụng động vật hoang dã để báo cho cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.

Trần Thị Cẩm Tiên (sinh viên năm 4, ngành quản lý tài nguyên – môi trường, ĐH Sư phạm Đà Nẵng) – Chủ nhiệm CLB cho biết, từ nhỏ đã yêu thích động vật và trước tình hình động vật hoang dã đang ngày càng bị tuyệt chủng bởi con người đã thôi thúc Tiên phải làm một việc gì đó để bảo vệ động vật hoang dã.

Các bạn CLB ENV Đà Nẵng trong một lần tổ chức triển lãm tuyên truyền cho cộng đồng không sử dụng, nuôi nhốt động vật hoang dã
Các bạn CLB ENV Đà Nẵng trong một lần tổ chức triển lãm tuyên truyền cho cộng đồng không sử dụng, nuôi nhốt động vật hoang dã

Trong một lần Trung tâm ENV về trường tổ chức nói chuyện với sinh viên và tuyển tình nguyện viên cho CLB nên Tiên đã đăng ký tham gia.

“Biết việc mình làm là nhỏ nhưng em vẫn muốn đóng góp công sức và rất muốn nhiều người cùng tham gia”, Cẩm Tiên chia sẻ.

Còn Nguyễn Văn Tín (sinh viên năm 2, ngành Quản lý tài nguyên – môi trường, ĐH Sư phạm Đà Nẵng) cho hay, vì tò mò nên Tín đã đăng ký tham gia một khóa tập huấn của Trung tâm ENV để bàn giao ban chủ nhiệm CLB. Sau khi tham dự, Tín thấy hay và rất ý nghĩa nếu mình được trực tiếp làm công việc đó nên đăng ký ngay vào CLB. Và công việc chủ yếu của Tín là khảo sát các nhà hàng, quán nhậu, hiệu thuốc để phát hiện vi phạm trong sử dụng, nuôi nhốt, chế biến động vật hoang dã.

Và trở thành những thám tử không chuyên

Hoạt động chính và thường xuyên của các bạn trong CLB là khảo sát, điều tra để giải cứu động vật hoang dã đang bị buôn bán, nuôi nhốt trái phép. Và để hoàn thành nhiệm vụ của mình, các bạn phải nhập vai như những thám tử.

Vì không có chức năng xử lý tại chỗ nên sau khi phát hiện vi phạm, các bạn sẽ báo về Trung tâm ENV để phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành xử lý. Tùy từng trường hợp để các bạn nhập vai. Khi thì đóng người đi đặt tiệc, khi đóng người mua động vật quý hiếm về ngâm rượu. Có những nhà hàng, quán nhậu họ tin nhưng có những chỗ họ nghi ngờ bởi những món ăn này phải khách “VIP” mới đủ tiền để ăn.

Văn Tín trong một lần khi điều tra, phát hiện hiệu thuốc có bán vảy tê tê. Tín giả vờ ngã giá và được chủ tiệm thuốc cho biết, loại chưa sao có giá 2,2 triệu đồng/kg, loại sao rồi 2,5 triệu đồng/kg. Sau đó, Tín báo về Trung tâm, cơ quan chức năng vào cuộc, hiệu thuốc sau đó không còn bán vảy tê tê cũng như các hoạt động vật hoang dã khác nữa.

Hay trong một lần vào quán nhậu, Tín muốn đặt tiệc có những món ăn thịt thú rừng. Nhân viên của quán cho biết, quán có thịt nhím, sơn dương. Sau khi thu nhập được một số bằng chứng, Tín báo về cơ quan chức năng. Nhà hàng này sau đó phải loại những món ăn trên ra khỏi thực đơn.

Một ngày cuối năm, Nguyễn Thành Trung (sinh viên năm 2, ngành Quản lý môi trường – tài nguyên, ĐH Sư phạm Đà Nẵng) đã trực tiếp giải cứu thành công một cá thể khỉ mặt đỏ.

Trước đó, Trung nhận được tin báo của người dân cho biết, có thấy một chú khỉ xuất hiện trên đường Trần Phú. Trung liền có mặt tại khu vực trên lân la, tìm hiểu. Cuối cùng Trung cũng xác định được vị trí của chú khỉ.

“Đó là một ngôi nhà đang xây. Chủ của ngôi nhà này cho biết, con khỉ đó là của một người thợ mang tới. Lúc đó, em cũng vừa nhìn thấy chú khỉ trước mắt. Sau đó bên em phối hợp với Trung tâm Green Việt báo cho cơ quan chức năng. Chú khỉ này sau đó được giải cứu và thả rừng Bà Nà”, Trung nhớ lại.

Bên cạnh việc giải cứu động vật hoang dã, các bạn trong CLB ENV Đà Nẵng còn thường xuyên tổ chức những buổi triển lãm, kêu gọi người dân không sử dụng, nuôi nhốt động vật hoang dã. Nhiều người dân sau khi xem triển lãm mới biết sử dụng động vật hoang dã là vi phạm pháp luật và có người đã tự nguyện thả những động vật hoang dã đang nuôi nhốt trong nhà về rừng.

Khánh Hồng