Những cô nàng “beauty-holic”

Đam mê làm đẹp và thích chia sẻ những bí kíp làm đẹp, các cô bạn được mệnh danh là “beauty-holic” hiện đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng.

“Nhà sưu tầm mỹ phẩm”

 

Để có được danh xưng “beauty-holic”, trước tiên, người đó phải là blogger chuyên hướng dẫn làm đẹp, make-up và chuyên viết “review” mỹ phẩm, được cư dân mạng công nhận. Bài viết của họ thường rất gần gũi, kể lại câu chuyện sử dụng mỹ phẩm từ thực tế bản thân, qua đó, tạo hiệu ứng lan truyền đến nhiều “tín đồ” làm đẹp khác.

 

Luôn sở hữu “bộ sưu tập” mỹ phẩm ấn tượng cả về số lượng và chất lượng (chẳng hạn, một nàng sở hữu vài trăm cây son là chuyện bình thường), họ cũng có những bài viết nhận định về sản phẩm và cách thức làm đẹp rất thú vị. Các bài viết càng chi tiết và kèm nhiều lời khuyên hữu ích, càng có lượt “view” cao.

 

Trong việc đón đầu các sản phẩm mới, mua về dùng thử và viết bài, “beauty-holic” không chỉ khen mà còn nêu cả khuyết điểm (nhiều hơn) để người đọc tham khảo. Nhiều bạn còn chuyển sang đầu tư quay vlog vì nếu chỉ viết và chụp ảnh thì khá nhàm chán.

 

Gần đây, có sự xuất hiện đôi bạn Diệp và Loan của Love at the first sight, hai cô nàng thường xuyên quay clip hướng dẫn chăm sóc da, chỉ dẫn make-up theo từng mùa, cách chọn son phù hợp…

 
Hai beauty-holic Loan và Diệp trong vlog mới nhất.
Hai beauty-holic Loan và Diệp trong vlog mới nhất.
 

Thương hiệu cá nhân

 

Các cô nàng “beauty-holic” nổi tiếng sẽ nhận được hợp đồng quảng cáo, viết bài “review” cho các chuyên mục làm đẹp, được mời đến các buổi ra mắt thương hiệu mỹ phẩm… xúng xính quần áo đẹp đi dự tiệc, không thua gì các sao, ra về còn có quà tặng là sản phẩm mới.

 

Thạo nghề, hầu như cô bạn nào cũng có một cửa hàng riêng, nhận bán hoặc mua giúp các loại mỹ phẩm với mức phí “hoa hồng” từ 2 – 5%. Chẳng hạn, qua những bài viết chi tiết, giới thiệu mỹ phẩm đề cao sự an toàn cho người dùng của cô bạn Veo (sống ở Pháp), thương hiệu Fleur de sel hiện rất được lòng các “tín đồ” mỹ phẩm ở Việt Nam.

 

Loan và Diệp thì vừa được mời làm tư vấn trên một chương trình truyền hình dành cho phái đẹp. Cô bạn Nguyễn Hạnh Mai (mailovesbeauty) sở hữu trang blogspot với lượt xem lớn, vừa mở các khóa học dạy chăm sóc da, trang điểm.

 

Những “beauty-holic” có “thâm niên” sẽ được mời làm diễn giả cho các hội thảo về sức khỏe và làm đẹp của nữ giới, chưa kể, các cô nàng còn được nhãn hàng cộng tác chăm sóc ở chế độ đặc biệt và dành cho ưu đãi “khủng”.

 

Tiền không đủ để mua hàng hiệu

 

Có thể chấp nhận mua một cây son hàng hiệu nhỏ xíu, giá vài triệu đồng – đó là niềm vui mà chỉ có người thích sưu tầm mới cảm thấy hứng thú. Chính vì thế, phải có đam mê và khả năng tài chính thì các cô gái trẻ mới chọn cho mình công việc gắn với “beauty-holic”.

 

Hiện nay, hình ảnh “lung linh” của các “beauty-holic” khiến nhiều bạn trẻ bị mê hoặc, cố gắng đầu tư thật nhiều tiền để trở nên nổi tiếng. Cách đây không lâu, trên Instagram, các “tín đồ” mỹ phẩm có dịp giật mình với độ chịu chi của một cô bạn sinh viên năm thứ nhất.

 

Cô bạn này sở hữu hàng trăm cây son hàng hiệu, thường xuyên đăng hình khoe bộ sưu tập son “khủng” và hướng dẫn chỗ mua. Tuy nhiên, “nghi án” được cư dân mạng đặt ra là liệu cô bạn và chủ shop có thông đồng với nhau lấy hàng của shop để xây dựng hình ảnh “beauty-holic”, từ đó thu hút lượng khách cho tiệm?

 

Một điều quan trọng với người sưu tầm mỹ phẩm là phải tìm hiểu và thử nghiệm sản phẩm cẩn trọng trước khi viết bài nhận xét. Những bài viết hay hình ảnh thiếu độ chân thật, chỉ đăng lên cốt để khoe khoang sẽ sớm bị cộng đồng lật tẩy.

 

Quả thực, để được công nhận là một “beauty-holic” thực thụ thật không dễ chút nào.

 

Theo Mỹ Linh

Sinh viên Việt Nam