Những chuyến đi bỏ mặc người thân

Cái đỉnh điểm của việc vị kỷ, là khi một bộ phận không ít người trẻ quyết định bỏ luôn cảm xúc của người thân để dấn thân vào những chuyến đi xuyên Tết.

Không đủ tiền thì đừng "vác xác" ra nước ngoài

Tôi vô tình thấy dòng trạng thái của một bạn trẻ trên mạng, đang tính toán cho chuyến đi dài ngày xuyên Tết, theo cách bạn gọi là “đi trốn”… tự dưng trong một khoảnh khắc, thấy chạnh lòng thương cho giới trẻ ngoài kia.


Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch, tác giả bài viết

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch, tác giả bài viết

Thế hệ trẻ, tạm gọi là thế hệ “thiên niên kỷ” khi năm sinh của các bạn trong khoảng giao thời của hai niên đại, cũ và mới. Các bạn đại diện cho thế hệ dịch chuyển, thế hệ hội nhập toàn cầu, nơi chúng ta xoá nhoà ranh giới quốc gia, trở thành công dân của thế giới ảo và phẳng.

Tôn chỉ của thế giới đó là trải nghiệm và đam mê, chia sẻ về những cung đường lạ, chia sẻ về những điểm đến tuyệt vời, khuyến khích người ta xách balo lên và đi, nhưng để đi, người trẻ chỉ biết cắm đầu về phía trước mà không hề nhận ra bản thân đã qua rất nhiều giá trị khác của cuộc đời. Những chuyến đi, tôi gọi là vị kỷ.

Những chuyến đi bỏ mặc tương lai

Cách đây không lâu, trên mạng có bài viết “Giới trẻ không thích mua nhà và xe, để dành tiền đi và trải nghiệm”. Bài viết đại ý cổ xuý cho một lối sống mới khi không đặt nặng việc sở hữu tài sản mà khuyến khích tiêu tiền vào việc bước đi, không cần dành dụm. Tôi đọc xong, chỉ phì cười, vì cơ bản lối suy nghĩ đó có thể đúng ở nơi khác nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn không được.

Ở các quốc gia phát triển, hệ thống an sinh xã hội tốt, nên dù tuổi trẻ không cần dành dụm cho nhà hay xe thì về già, bạn vẫn có thể dựa vào viện dưỡng lão hay lãnh tiền hưu đủ trang trải cuộc sống, không thành gánh nặng cho con cái, gia đình.

Còn ở Việt Nam, khi hình ảnh người già cơ nhỡ xuống đường ăn xin còn nhan nhản, nếu khi còn trẻ không dành dụm tạo ra một nơi an trú lúc về già, có lẽ cũng nên chọn sẵn một góc phố để sau này ngồi hành khất là kịp. Dại thì chết, thương làm sao được.

Đừng nguỵ biện cho lối sống bạt mạng, không để ý đến tương lai bằng hai từ trải nghiệm.

Những chuyến đi quảng bá "văn hoá lùn"

Trên những diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm du lịch đó đây, dạng bài viết đi nước này nước nọ với số tiền ít ỏi luôn được quan tâm và chia sẻ nhiều nhất. Mặt tích cực của điều này, cho thấy việc khát khao được đi của một bộ phận giới trẻ, nhưng tiêu cực lại là khi "văn hoá lùn" được phô bày nơi xứ người.

Thói manh mún, gian ngoa được đem giới thiệu khắp nơi mà người bày ra lại vỗ ngực tự hào, vui vẻ rằng đó là trí khôn của ta đây. Những chuyện đi lén tàu điện, cách trốn vé qua cổng khu tham quan, cách lấy đồ dùng leo núi của cửa hàng dùng xong rồi đem trả hoàn tiền để gọi là tiết kiệm chi phí, được rỉ tai nhau, được truyền đi như một thứ dịch bệnh của lối tư duy bần cùng, manh mún.

Hay gần đây, có tranh cãi về chuyến đi năm nước với số tiền chưa đầy bảy triệu bạc. Lí lẽ biện minh cho việc này là mục đích của mỗi người mỗi khác. Ừ thì đúng là nên tôn trọng quyền được đi của mỗi người, nhưng đi sang nước người ta, ăn bờ ngủ bụi, tuyệt nhiên đầu óc chỉ chăm chăm đến việc làm sao để đừng tốn tiền, không thấy nhắc đến một kỷ niệm, một trải nghiệm gì về văn hoá, về con người.

Chuyến đi như vậy, là lời xúc phạm dành cho nền văn hoá của một quốc gia bạn ghé thăm.

Không đủ tiền cho chi phí cơ bản, đừng đi, vì đất nước người ta đủ ăn mày rồi, không cần mình qua góp mặt đâu.

Cái đỉnh điểm của việc vị kỷ, là khi một bộ phận không ít người trẻ quyết định bỏ luôn cảm xúc của người thân để dấn thân vào những chuyến đi xuyên Tết.


Những chuyến đi chơi xa luôn có sức hấp dẫn với giới trẻ (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Những chuyến đi chơi xa luôn có sức hấp dẫn với giới trẻ (Ảnh Đinh Quang Tuấn)

Năm trước, tôi ghé nhà một người quen, nhìn cảnh nhà có mỗi hai người già cun cút bên nhau, ông pha ấm trà, bà ngồi coi mấy chương trình ca nhạc trên đài, tịnh lặng như không, mắt môi vương phất nỗi sầu. Hỏi ra, đứa con trai duy nhất năm nay quyết phải đi đến đất nước xa lạ để trải nghiệm cảm giác Tết xa nhà. Ông bà buồn, nhưng rồi vì yêu và thương đứa con trai duy nhất nên cứ để nó đi, để rồi từ đầu ngày Tết đến nay, chiều lại ngồi bên cửa chờ, tự dối lòng coi có khi nào thằng con vì chán nên bỏ cuộc hành trình để quay về sớm hơn dự định.

Cái thở dài của hai vợ chồng trong khí trời xuân, làm tôi ám ảnh và chùng lòng.

Thói ích kỷ của những đứa trẻ thành thị, những đứa trẻ mà hai chữ nơi cửa miệng là chán đời, đã quen quá rồi với việc mỗi ngày nhìn mặt mẹ cha, nên cứ đến Tết thì lại dứt áo, xách đồ lên đi, bỏ lại việc nhà, bỏ lại cơ hội sum vầy, bỏ lại cả những ánh mắt ngóng trông hay căn nhà lạnh vắng tiếng cười của bậc song thân.

Cứ nghĩ lại đi, đời bạn còn trẻ và đủ dài cho những chuyến đi, nhưng thử hỏi, cha mẹ có còn bao nhiêu thời gian để chờ đợi bạn về bên nhau mùa xuân? Đừng để những chuyến đi thành nỗi hối hận vì đến lúc về sẽ không còn nhìn thấy ai đang mong chờ mình.

Còn bạn, Tết năm nay chọn đi hay về, chọn sống vì cái tôi vị kỷ hay vì tình yêu dành cho mẹ cha? Tôi chọn Tết là dịp để sum vầy, vì bất cứ chuyến hành trình nào trong đời, cũng là chia cách để rồi người ta học được việc trân trọng đường về của con tim.

Chúng ta khuyến khích những chuyến đi, nhưng hãy nhớ, hành trang để đi không phải chỉ cần tiền, chỉ cần đôi chân hay sức trẻ, mà là cần khối óc, sự văn minh và cả một trái tim đủ thấu cảm cuộc đời…

Theo Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch

Vietnamnet