Những chàng trai mê hát

Nhiều “cây” văn nghệ của các trường đại học, cao đẳng làm thêm bằng việc đi hát ở các quán cà phê, phòng trà như một cách để thỏa mãn đam mê, đồng thời, có thể tự trang trải cho cuộc sống sinh viên.

Hát với đam mê

 

Tại các quán cà phê ở khu vực Hòa Khánh (Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) như: Phòng trà Không Tên, Hằng Cà phê… cái tên Mai Bảo Lê Hoàng (bạn bè hay gọi là Hoàng “xoắn”, sinh viên trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) là một giọng ca quen thuộc.

 

Bước vào nghề xấp xỉ 4 năm nay, với chất giọng trầm đặc trưng, Hoàng là ca sĩ chuyên hát nhạc sống, thể hiện những bản tình ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

 

Nhớ lại những ngày đầu đi hát, Hoàng tâm sự: “Năm thứ nhất đại học, chân ướt chân ráo từ Quảng Nam ra, mình tranh thủ thời gian rãnh rỗi buổi tối, xin đi hát tại mấy quán cà phê xung quanh khu vực trường ĐH Bách khoa với mục đích chính là thỏa niềm đam mê, thứ đến mới là kiếm thêm thu nhập, trang trải đời sống”.

 
Ca sĩ – sinh viên trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) Mai Bảo Lê Hoàng.
Ca sĩ – sinh viên trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) Mai Bảo Lê Hoàng.
 

Hiện tại, chàng sinh viên Bách khoa năm cuối này đã phải chạy “sô” hằng đêm, với mức cátsê cao nhất là 150.000 đồng/show. Hoàng còn khoe, nhờ vào số tiền kha khá kiếm được mà mấy năm nay, cậu đã không còn nhận tiền chi tiêu sinh hoạt của ba mẹ ở quê gửi cho nữa.

 

Còn với Huỳnh Nho Bảo Thắng (trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng), dù rất bận bịu với bài vở, bản vẽ thiết kế nhưng tối tối, chàng kiến trúc sư tương lai vẫn cố gắng tranh thủ sắp xếp thời gian để đi hát.

 

“Tối nào mà không cầm mic hát vài bài là mình thấy thiếu thiếu, bứt rứt trong người. Hát cho mọi người, bạn bè nghe là niềm yêu thích trong mình”. Bảo Thắng nói, ngoài đi hát, bạn còn có thể chơi đàn guitar, thổi kèn khi quán thiếu người, kiêm luôn vai trò nhạc công lẫn ca sĩ.

 

Chàng sinh viên Kiến trúc Huỳnh Nho Bảo Thắng.
Chàng sinh viên Kiến trúc Huỳnh Nho Bảo Thắng.

 

Ca sĩ “không chuyên” và áp lực nghề

 

Nhưng để kiếm được số tiền không hề nhỏ đối với một sinh viên, các bạn đã phải đổ không ít mồ hôi lẫn buồn tủi, chẳng hạn như những lần bị cắt bớt thù lao, bị “hẹn” lương vì những lý do vô cớ.

 

Những ngày đầu đi hát cho một quán cà phê, Lê Hoàng bị “xử ép” thù lao, chỉ được nhận 50.000 đồng/tối, thấp hơn nhiều so với các anh chị khác, chỉ vì Hoàng là người mới. Tất nhiên, tính cạnh tranh, so kè của nghề cũng rất cao.

 

Là “ca sĩ” sinh viên, bận học tập trên giảng đường nên các bạn dễ rơi vào trường hợp… cạn vốn nhạc. Tình trạng “báo động đỏ” xảy ra khi mỗi đêm, các bạn đều phải hát từ 3 – 5 bài, có khi còn bị người diễn trước “hát tranh” bài “ruột” của mình.

 

Việc học lời bài mới và chọn bài, chọn phong cách cho phù hợp với giọng hát của mình và thị hiếu của khán giả… không phải chuyện đơn giản, ngày một ngày hai. Để giúp khán giả không bị nhàm chán, các ca sĩ sinh viên còn phải nghe nhiều dòng nhạc khác nhau và liên tục cập nhật bài hát mới.

 

“Có lần đang hát thì quên lời, mình bị khán phòng phạt hát thêm bài nữa”, Bảo Thắng nhớ lại một kỷ niệm vui trong quá trình làm việc của mình.

 

Theo Huỳnh Hà

Sinh viên Việt Nam