Nguy hiểm khi giới trẻ coi nội dung xấu, độc trên mạng xã hội là bình thường

(Dân trí) - Trước thực trạng thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội ảnh hưởng tới sự phát triển của người trẻ Việt Nam, đặc biệt là sự xuất hiện của những nội dung liên quan tới ma tuý và khiêu dâm, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững/Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững đưa ra nhận xét và lí giải theo góc độ chuyên gia.

Nguy hiểm khi giới trẻ coi nội dung xấu, độc trên mạng xã hội là bình thường - 1

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững/Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững nhận xét và đưa ra những giải pháp cho vấn đề ảnh hưởng của nội dung xấu, độc trên mạng xã hội tới giới trẻ.

Thưa bà, với tư cách là một nhà nghiên cứu về mạng xã hội và mức độ ảnh hưởng tới giới trẻ, bà có nhận định như thế nào về xu hướng phát triển của nội dung xấu, độc trên mạng xã hội Youtube, Facebook hiện nay?

Là một người làm công tác xã hội, cũng là một người mẹ, tôi thấy khá lo lắng khi các nội dung xấu, độc có xu hướng lan tràn trên mạng xã hội.

Rõ ràng, với việc ban đầu xuất hiện vài clip của những nhân vật câu view, câu like bằng những hành vi "lệch chuẩn", gần đây có vẻ rất nhiều những người dùng, đặc biệt là giới trẻ bị cuốn theo và ra đời một loạt các clip có nội dung xấu như cổ vẽ các hành vi "lệch chuẩn", giang hồ, đánh nhau thậm chí có nhiều nội dung nhạy cảm, hay dạy chơi ma tuý, bạo lực, khiêu dâm trên mạng xã hội.

Đây không còn là hành vi đơn lẻ nữa mà bắt đầu trở thành trào lưu xấu lan truyền thông giới trẻ.  

Đâu là mục đích của những kẻ làm nên những video dạy chơi ma tuý, khoe hình ảnh nhạy cảm, hay là bạo lực trên mạng xã hội?

Tôi nghĩ chủ yếu mục đích chủ yếu đề câu like, câu view và có thể cả vì mục đích kinh doanh trên mạng xã hội.

Cách đây hơn 1 tháng, chúng ta thấy rầm rộ việc 1 số tài khoản có nội dung giang hồ, lệch chuẩn như của K.B thu hút rất nhiều các views/ like và kiếm tiền rất tốt qua kênh Youtube, bỗng dưng trở thành người nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền.

Tuy sau đó, KB bị bắt và kênh Youtube bị xoá, nhưng tôi e rằng đó đã là một tấm gương "xấu" cho giới trẻ, cổ xuý việc dùng mọi cách, đặc biệt là các vấn đề "lệch chuẩn" để nổi tiếng bất chấp và kiếm được thu nhập một cách không chính đáng.

Họ đánh vào tâm lý tò mò, thiếu suy nghĩa, ưa a dua của giới trẻ để đạt được các mục đích của mình.

Vì sao người trẻ bị thu hút bởi nội dung xấu, độc? Nội dung xấu, độc trên MXH ảnh hưởng như thế nào tới tư duy và đời sống tinh thần của những người trẻ? Mức độ ảnh hưởng có khác biệt với từng độ tuổi ra sao?

Giới trẻ sử dụng mạng xã hội rất nhiều. Với bản tính của lứa tuổi tò mò, thích khám phá, ham của lạ, lại còn thiếu kiến thức, giới trẻ có thể thiếu tư duy và duy nghĩ, cân nhắc khi tiếp thu những nội dung xấu độc, chưa phân biệt rõ đúng sai.

Trước khi các em có thể nhận ra, các em có thể bị ảnh hưởng về tâm lý khi xem các nội dung độc hại, nhiều em có thể chưa suy nghĩ kỹ mà tương tác hay phát tán các nội dung độc hại này, nghiêm trọng hơn, có các  em có thể bắt chước làm clip để nổi tiếng theo hoặc bắt chước thực hành như các nội dung không lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật trong đời sống thật.

Ở độ tuổi càng bé, ảnh hưởng của các nội dung xấu độc tới tâm trí và sự phát triển nhân cách của trẻ càng sâu sắc, việc lan tràn các nội dung xấu độc trên mạng xã hội rất nguy hiểm nếu các em tiếp cận được và coi đó là "bình thường" (bình thường nên mới tràn lan) dẫn đến các quan điểm sai lệch về đạo đức, giá trị và dẫn tới những hành vi tiêu cực.

Nguy hiểm khi giới trẻ coi nội dung xấu, độc trên mạng xã hội là bình thường - 2

Hình ảnh cắt từ video dạy chơi ma tuý của một số tài khoản Youtube Việt. Đây là 

Trong môi trường Internet và mạng xã hội hiện nay, bạn trẻ cần có nhận thức như thế nào? Gia đình, xã hội cần có trách nhiệm ra sao?

Mạng xã hội chúng ta vẫn nói là ảo nhưng thực tế rủi ro và ảnh hưởng là rất thật.

Các hành vi ứng xử trên mạng cũng định hình các dấu ấn cá nhân của những công dân số trẻ; do đó, việc cố xuý cho các hành vi lệch chuẩn, các nội dung xấu độc, một cách thiếu suy nghĩ cũng  ảnh hưởng đến cả hình ảnh và suy nghĩ của chính các bạn.

Các bạn trẻ cần ý thức được vai trò và hình ảnh của bản thân, dấu ấn của mình trên mạng xã hội để có các hành vi cho phù hợp. Các bạn nên rèn luyện tư duy phản biện, trên cơ sở có tư duy logic và phản biện, cả trong cuộc sống thực tại hay trên mạng ảo, các bạn trẻ mới có khả năng phân biệt đúng sai, phù hợp hay không phù hợp để có tương tác phù hợp, xây dựng những giá trị đạo đức tích cực.

Gia đình và xã hội cũng cần quan tâm đến giới trẻ, không bỏ mặc trẻ với công nghệ, với Internet và mà đồng hành với các bạn trẻ trong việc hướng dẫn sử dụng Internet thông minh và an toàn.

Biện pháp nào cho các nhà quản lý để loại bỏ nội dung xấu, độc hại trên mạng xã hội? Để giải quyết tận gốc vấn đề chúng ta cần làm gì thưa bà?

Về ngắn hạn, việc đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội gỡ bỏ các nội dung xấu độc lập tức, kịp thời là cần thiết.

Thực ra việc này không thể chỉ đợi các nhà quản lý, mỗi người sử dụng mạng xã hội khi thấy các nội dung này cũng có thể báo cáo ngay cho nhà cung cấp để xem xét gỡ bỏ.

Việc thiết lập các cơ chế trong việc hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, và cộng đồng để đưa ra các tiêu chuẩn trong quản lý, ngăn chặn và tháo gỡ các nội dung xấu độc là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy, dù pháp luật có nhiều quy định, doanh nghiệp cung cấp các nền tảng và nỗ lực chặt chẽ, thì việc tạo nên các tương tác vẫn là cộng đồng người dùng.

Về lâu về dài, giải quyết tận gốc các vấn đề vẫn là từ đạo đức, văn hoá của người dùng mạng. Do đó, tôi muốn nhấn mạnh nhiều hơn đến giáo dục cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ để có thể là những người tạo nên sự thay đổi, sự văn mình, xây dựng những giá trị tích cực trên mạng xã hội.

Cộng đồng và giới trẻ cần được giáo dục về các kỹ năng số, với tư duy logic, phản biện, có các niềm tin về giá trị đạo đức tích cực và lan toả những điều tích cực là vô cùng cần thiết.

Nếu giới trẻ lên tiếng, ý thức về vấn đề, báo cáo lên án các tin xấu độc, chia sẻ các trào lưu  các thông điệp, thử thách tích cực, thì các thông tin xấu độc sẽ bị đẩy lùi.

Các thử thách dọn rác, thử thách sống xanh, thử thách mỗi ngày một việc tốt, v.v. của giới trẻ gần đây chẳng hạn, đấy là các trào lưu rất tốt, và có thể khẳng định rằng, những bạn trẻ có kiến thức và kỹ năng, tư duy logic, phản biện được rèn luyện với các thử thách tích cực sẽ có các quyết định và tương tác phù hợp khi bắt gặp các nội dung xấu. độc.

Cảm ơn bà đã chia sẻ!

Mai Châm