Người thủ lĩnh biết vượt qua lối mòn

(Dân trí) - Trở về từ Slovakia năm 2001, khi đã xấp xỉ 30 tuổi, không quá già nhưng cũng không còn trẻ để có thể “hết mình” với những hoạt động của đoàn viên thanh niên. Thế nhưng Nguyễn Đắc Vinh (hiện là Phó bí thư đoàn ĐHQG Hà Nội) đã nhanh chóng “bén duyên” với Đoàn như có “nợ” từ trước vậy.

Có duyên với... Đoàn

 

Vinh kể rằng, anh vào đoàn từ năm lớp 8, khi còn học ở trường cấp 2 Mai Dịch (Hà Nội) nhưng hồi đó chỉ là được kết nạp Đoàn thôi chứ chưa có điều kiện tham gia hoạt động nhiều. Thời kỳ bao cấp ấy, được vào Đoàn đã thực sự “quý hóa” và vinh dự, được làm cán bộ đoàn lại càng là một giấc mơ “ghê gớm”.

 

Khác với suy nghĩ của nhiều người, về nước, chàng trai của ngành hóa có vẻ trầm tĩnh này không chỉ biết vùi đầu vào nghiên cứu khoa học mà còn nhanh chóng trở thành Phó bí thư năng nổ của chi đoàn cán bộ Khoa Hóa trường ĐH KHTN.

 

Du học về, Vinh nhận thấy có sự thay đổi khá rõ rệt trong suy nghĩ và tư duy về Đoàn của tầng lớp thanh niên. Họ có nhiều thứ để đam mê, nhiều sức cuốn hút khác chứ không phải chỉ có đoàn. Và đương nhiên, họ không còn nhiều nhiệt huyết, tự nguyện tham gia hoạt động như những thế hệ trước. Điều đó thật khó khăn với một cán bộ “mới toanh” như Vinh.

 

Hồi tưởng lại những ngày đầu ấy, Vinh nhớ rõ có những hôm tổ chức hoạt động thanh niên rất chu đáo, trang trí một sân khấu công phu, với sự có mặt của Đảng ủy, lãnh đạo nhà trường và các giảng viên nhưng hội trường rộng lớn chỉ lác đác sinh viên tới dự. Người thủ lĩnh đoàn trong Vinh chỉ muốn “chui đầu xuống đất”.

 

Tuy nhiên, trong khó khăn anh đã tìm được những lợi thế mới. Hồi trước, muốn làm việc gì cũng phải “tự thân vận động” nhưng bây giờ khi điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, các hoạt động thanh niên có thể tổ chức hoành tráng hơn với sự góp sức của nhiều cá nhân, tổ chức. Vinh hiểu rằng, cần phải lấy lợi thế bù đắp cho hạn chế. Anh nhanh chóng nghĩ đến những cách thức sinh hoạt đoàn thú vị hơn.

 

Không lâu sau, Vinh được “thăng chức” Bí thư liên chi, rồi Bí thư đoàn trường ĐH KHTN kiêm Phó bí thư đoàn ĐHQG Hà Nội.

 

Những suy nghĩ mới mẻ ấy cũng đưa Vinh trở thành thanh niên tiêu biểu của thủ đô Hà Nội được giải thưởng của Trung ương Đoàn  và là một trong 76 bí thư đoàn cơ sở xuất sắc trong năm vừa qua. Đối với anh, những thành tích đó sẽ không có ý nghĩa nếu như những gì anh làm không tạo được một sân chơi  mới thực sự cho thanh niên, không được họ hưởng ứng.

 

Bình cũ thì rượu phải mới

 

Nhiều người cho rằng, thanh niên ngày nay thiếu tinh thần tự nguyện, lười tham gia hoạt đông Đoàn nhưng Vinh không hoàn toàn nghĩ vậy. Anh cho rằng vấn đề là ở chỗ các hoạt động đoàn đã đủ hấp dẫn để lôi cuốn họ, có tạo được môi trường phù hợp cho họ hay không.

 

Sau những lần thất bại trong việc thu hút sinh viên, Vinh hiểu rằng cần phải có sự thay đổi, phải làm mới những phong trào Đoàn chứ không thể cứ đi theo lối mòn. “Cũng là hoạt động Đoàn đấy nhưng không thể cứ cầm tay mà bảo người ta rằng là đoàn viên thì phải tham gia hoạt động Đoàn, tham gia hoạt động là phải đi họp, đến họp phải phát biểu ý kiến”. Vì thế, cần có sự thay đổi các hoạt động  phong phú, mềm mại và trí tuệ hơn.

 

Trước đây, theo cách giáo dục truyền thống, đoàn tổ chức một chuyến tham quan hay giới thiệu về một tấm gương nào đó cũng đủ để thu hút thanh niên. Nhưng giờ đây, có điều kiện hơn, thanh niên hiểu biết đủ thứ vì thế muốn giáo dục họ không thể cứ làm một cách cơ học như cầm sách đọc cho họ nghe, nói với họ những lý tưởng xa vời. Những thông điệp đó nếu được “gài” trong một chương trình thú vị, tự nó sẽ “thấm” vào thanh niên.

 

Là cán bộ đoàn trường ĐH KHTN, “điểm yếu của sinh viên trường mình văn nghệ kém, bói không ra một cây hát hay”. Vinh mời thêm những “nhân tài” trường bạn như ĐH Kinh tế Quốc dân, Nhạc viện Hà Nội... tham gia cùng. Những tiết mục của trường bạn ít nhưng thực sự “chất”, thu hút được đông đảo sinh viên. Khi đó, việc lồng ghép một thông điệp có tính giáo dục không còn khô khan nữa.

 

Kỳ thi Olympic Tiếng Anh của trường được tổ chức hằng năm nhằm khuyến khích sinh viên trong việc học ngoại ngữ. Vòng 1 thi chuyên môn nhưng vòng 2 thi theo lối thuyết trình, hầu như lớp nào chỉ biết lớp đó. Vinh nghĩ đến việc biến vòng 2 thành Festival Tiếng Anh có văn nghệ, giao lưu, đóng kịch, thuyết trình... Và theo hình thức “thoáng” hơn này, sinh viên đã tham gia rất đông, hiệu ứng tuyên truyền theo đó tăng lên rõ rệt.

 

Vinh cho biết, trong tháng thanh niên này, vào ngày cuối tháng 3, trường ĐH KHTN sẽ tổ chức Festival Tiếng Anh. Anh muốn mỗi năm tạo nên một sự bất ngờ, có những thay đổi thú vị nên thay cho hoạt động cắm trại, văn nghệ, năm nay sẽ là festival.

 

“Đừng vì nghĩ đến lợi ích trước mắt mà quyết định tham gia hoạt động đoàn hay không. Bạn có thể không nhìn thấy nó ngay lập tức nhưng theo thời gian bạn sẽ có thêm nhiều kỹ năng như giao tiếp, tổ chức, thuyết trình...”. Đó là điều mà vị cán bộ Đoàn “tuổi băm” này muốn gửi gắm đến thế hệ thanh niên, sinh viên hiện nay.

 

Quỳnh Hoa