Ngổn ngang Graffiti

Môi trường đô thị chưa ổn định của Việt Nam, nhìn chung còn khá nhếch nhác, với những quy định nửa vời, chính là mầm mống cho graffiti du nhập và nảy nở. Tuy nhiên, do đặc tính của các "tín đồ" graffiti là được thể hiện bản thân nên những địa điểm "nặc danh" vô thưởng vô phạt không phải là nơi họ muốn nhắm đến...

Mới đây, tại New York đã xảy một sự cố lớn với cộng đồng graffiti: Chính quyền thành phố định... bỏ tù Alan Ket, người được coi là cha đẻ của graffiti New York, hình thức nghệ thuật xem như là một trong những dấu hiệu đặc trưng để nhận diện New York. 

Sự kiện này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi về mức độ tự do của sáng tạo cũng như sự "xung đột" giữa các thiết chế quản lý văn hóa với những cộng đồng nghệ sĩ tự do. 

 

Ngổn ngang Graffiti  - 1
 

Một graffiti trên đường phố nước ngoài.

Đây chẳng phải là chuyện riêng ở nước Mỹ. Từ câu chuyện này, có thể liên hệ đến phong trào graffiti mới nhóm lên gần đây ở Việt Nam và thái độ của xã hội cũng như các cơ quan quản lý văn hóa của nó. Từ đó, chúng ta sẽ thấy được nhiều điều về thái độ của cả một lớp trẻ hiện đại. 

Sự kiện đáng kể nhất với dân nghiền graffiti ở Việt Nam vẫn là một "liên hoan" được tổ chức vào cuối năm 2005 tại Hà Nội. Liên hoan đã quy tụ hầu hết những cá nhân, những nhóm vẽ graffiti hàng đầu (xét ở niềm đam mê) tham gia vẽ trên những không gian được quy định.

 

Điều này đã thể hiện sự "nới tay" của chính quyền khi ấy đối với loại hình nghệ thuật vẫn còn gây nhiều tranh cãi này: Tạo một sân chơi cho giới trẻ, cho một nhu cầu có thực.

 

Bên cạnh sự "nới tay" chừng mực, giới trẻ cũng đã tìm một cách khác để thể hiện ham muốn của mình. Ở Hà Nội có một con đường nổi tiếng ven hồ Tây gọi là "đường Hàn Quốc" (cái tên chẳng rõ xuất hiện từ bao giờ). Trên cả trăm mét nền đường dày đặc những hình vẽ graffiti đủ kiểu, từ vụng về đến tinh xảo. Đường cụt, chủ yếu là chỗ tình nhân hẹn hò, cho nên hình vẽ không bị cơ quan quản lý đô thị đến xóa đi.

 

Theo thời gian, các hình vẽ cái sau đè lên cái trước, tạo nên một không gian graffiti độc nhất vô nhị, có thể nói là hoành tráng nhất Việt Nam. Bức "tranh nền đường" ấy thực sự là một "diễn đàn" công khai của giới trẻ Việt Nam mê graffiti và biết chấp nhận thực tế là không thể thích vẽ ở đâu cũng được.

 

Điều đáng nói là từ sự xâm nhập của graffiti cùng hip-hop vào một môi trường văn hóa vốn trước giờ khá yên ả, chúng ta có thể nhận thấy được những vấn đề trong một đời sống văn hóa vốn vẫn nặng tính quản lý tập trung hành chính. Vì thế mới có chuyện hội đồng nghệ thuật này không thích hip-hop, thế là không cho ca sĩ hát, hội đồng kia không hiểu graffiti, khỏi vẽ vời, dù là vẽ trong không gian được quy định.

 

Nếu chỉ "cấm" thì đơn giản quá. Không hiểu được, không cảm được, không thấy cái lợi sẵn có thì cấm luôn, thế là xong. Nhưng nghịch lý ở đây là phàm những gì đã trở thành trào lưu, thì càng cấm hay càng không tạo điều kiện cho nó phát triển, nó lại càng... bành trướng. Và khi gặp cơ hội thì sự bùng nổ là điều cũng dễ hiểu.

 

Ở nơi cuộc sống đô thị dường như thanh bình nhất nước, cố đô Huế, mà còn có những kỷ lục graffiti. Đó là tranh rồng được graffiti hóa. Ở Hà Nội, ngoài "đường Hàn Quốc" mà coi như cơ quan quản lý đã... làm ngơ, còn có những "triển lãm" graffiti xuất hiện đột ngột ở khu vực chân cầu Chương Dương, nơi đương nhiên không được phép vẽ vời linh tinh, nhưng chưa ai bị bắt, bị phạt cả!

 

Môi trường đô thị chưa ổn định của Việt Nam, nhìn chung còn khá nhếch nhác, với những quy định nửa vời, chính là mầm mống cho graffiti du nhập và nảy nở. Tuy nhiên, do đặc tính của các "tín đồ" graffiti là được thể hiện bản thân nên những địa điểm "nặc danh" vô thưởng vô phạt không phải là nơi họ muốn nhắm đến.

 

Họ thích những nơi công cộng, mảng tưởng lớn, đông người qua lại để có thể tự hào khoe tay nghề của mình. Điều ấy đến giờ vẫn rất khó khăn để thỏa mãn. Thế nên việc chấp nhận hình thức "nới tay" như lễ hội, liên hoan, với những không gian cho sẵn, xong cuộc vui thì... xóa đi, là một giải pháp tức thời.

 

Ngoài ra, còn có vô số những diễn đàn trên mạng. Những quán cà-phê điểm hẹn cho dân mê graffiti thì mọc lên vô số. Và hình thức graffiti khác xuất hiện trên những sản phẩm thuộc về sở hữu cá nhân như xe gắn máy (thường là xe Vespa), áo thun...

 

Tuy nhiên, dù xôn xao phong trao hay âm ỉ kiểu tức tối tỵ nạnh thì với đa số "dân chơi" graffiti ở Việt Nam, graffiti vẫn mang dáng vẻ của một thức học mót, theo thời, như một thứ mốt phù phiếm.

 

 

Ngổn ngang Graffiti  - 2
 

Với những người vẽ graffiti, sự ham hố thể hiện bản thân khiến

họ quên đi cả việc mình đang vẽ gì, không cần biết xung quanh
mình cảnh quan đô thị ra sao. Thậm chí, họ ngang nhiên vẽ vời

lên tường, lên vật dụng nhà người khác.

 

Graffiti nói chung chỉ là phương tiện cho cá nhân bộc lộ bản thân theo hướng khoe khoang nhiều hơn. Vì thế, đa số mới chỉ dừng lại như những hình mẫu bắt chước. Việc các sinh viên nghệ thuật ở Huế vẽ được con rồng theo kiểu graffiti là một dấu hiệu sáng tạo đột biến. Và nếu suy nghĩ một cách lạc quan thì đây có thể coi là một "lối đi riêng" cho những ai thật sự say mê loại hình nghệ thuật đường phố này.

 

Thoạt đầu, có thể thấy thái độ khó chịu của các cơ quan quản lý văn hóa với graffiti xuất phát từ chính những hình vẽ nguệch ngoạc. Nhưng sâu xa hơn, đây là chuyện liên quan đến sự "đối đầu" giữa những quan niệm.

 

Với những người vẽ graffiti, sự ham hố thể hiện bản thân khiến họ quên đi cả việc mình đang vẽ gì, không cần biết xung quanh mình cảnh quan đô thị ra sao. Thậm chí, họ ngang nghiên vẽ vời lên tường, lên vật dụng nhà người khác. Hành vi ấy đương nhiên không thể ủng hộ.

 

Với các nhà quản lý, ưu tiên hàng đầu của họ là phải bảo đảm trật tự vốn có của bộ mặt đô thị. Thế nhưng, "cấm" vẫn là một biện pháp tình thế, khi mà xung đột giữa tự do sáng tạo cá nhân với quyền lợi tài sản cá nhân và công cộng chưa được giải quyết rốt ráo.

 

Và tất nhiên, nếu các "tín đồ" graffiti hài lòng với việc rèn tay nghề bằng những bức tranh tự vẽ ở nhà, hay kể cả mang ra triển lãm, thì mọi chuyện sẽ chẳng có gì mà ầm ĩ. 

 

Ngổn ngang Graffiti  - 3
 

Bạn trẻ say mê sáng tạo graffiti trên một bức tường.

 

Đọc nãy giờ, sẽ có bạn thắc mắc, vậy thực ra graffiti là gì, nó ảnh hưởng gì tới thế giới này mà dễ gây ra sự cấm đoán này vậy? Xin chọn từ điển trực tuyến Wikipedia để định nghĩa về graffiti, vừa dễ hiểu vừa rất cập nhật. Theo đó, "Graffiti là tên gọi những hình ảnh hay con chữ được khắc hay bôi vẽ nguệch ngoạc ở những nơi công cộng".

 

Từ điển này còn cung cấp thêm thông tin rằng những mầm mống sơ khai của graffiti xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại và thời đế chế La Mã. Các hình vẽ graffiti có thể bao gồm cả những hình dạng linh tinh đến các bức tường công phu. Và đây, thêm một định nghĩa rất cập nhật: "Ngày nay, với graffiti, các chất liệu sơn xịt, bút màu được sử dụng nhiều nhất".

 

Chúng ta đều biết nếu graffiti chỉ đơn giản vậy thì nó đã chẳng là mối bận tâm đau đầu của các nhà quản lý đô thị lẫn một bộ phận không nhỏ trong xã hội.

 

 

Ngổn ngang Graffiti  - 4
 

Ngày nay graffiti, chất liệu sơn xịt,

bút màu được sử dụng nhiều nhất. 

Thứ graffiti đang là trung tâm của mọi tranh cãi hiện nay gắn liền với văn hóa hip-hop, loại hình văn hóa đường phố ra đời ở nước Mỹ. Hiện nay, nó đã trở thành một dòng văn hóa có hấp lực mạnh mẽ ở phạm vi toàn cầu. Âm nhạc hip-hop với nhiều bức bối trong ca từ, với nhịp phách và cách trình diễn phức tạp... được truyền tải vào các "họa phẩm" graffiti.

 

Âm nhạc hip-hop mang tính phản kháng xã hội xung quanh và graffiti đều là hình thức bày tỏ quan điểm của các "tín đồ" văn hóa hip-hop.

 

Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, các cơn sốt punk-rock và hip-hop đã bắt đầu hình thành rồi lan tỏa mạnh mẽ. Từ đó đến nay, graffiti luôn phải đối mặt với thái độ không thiện cảm của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.

 

Nếu những bức hình graffiti dù dị hợm, kỳ quái đến đâu, chỉ yên vị trên những tấm toan, tranh in hay catalogue, sách ảnh, truyện tranh... thì mọi chuyễn đã không đến nỗi ầm ĩ. Cùng lắm nó chỉ gây tranh cãi sơ sơ tương tự như với trường hợp tranh, ảnh khỏa thân.

 

Nhưng nếu chấp nhận hình thức "xuất bản" như thế thì graffiti không còn là nó nữa. Và chắc là sẽ không thể có cơn sốt ở tầm toàn cầu như hiện nay được. Bởi việc thể hiện các "tác phẩm" graffiti ở nơi công cộng đã cho thấy bản chất của vấn đề: Người vẽ muốn thể hiện ở bản thân mình, muốn khoe cái tôi của mình nhiều hơn chính bản thân tác phẩm mà mình tạo ra.

 

Ở Mỹ, sự thể hiện ấy nằm ở những phản kháng bằng câu chữ, hình ảnh. Còn ở những nước mới tập tành nhập cuộc như Việt Nam thì đôi khi graffiti là cơ hội cho các cô cậu chanh cốm khoe khoang, tương tự như khoe xe máy, khoe điện thoại. Và khi ham hố thể hiện bản thân, họ quên rằng mình đang "bôi bẩn" những nơi công cộng.

 

Các "tín đồ" của graffiti ở Việt Nam, dù thực chất là đua đòi, nếu có lúc nào đó không được "tự do sáng tạo" thì hãy khoan viện dẫn kiểu "Ở nước ngoài...". Cái câu ấy muôn thuở vẫn hàm ý "ở nước ngoài" người ta tự do vẽ viết, sao ở đây lại ngăn cản cấm đoán.

 

Chừng nào còn dẫn "ở nước ngoài" chứng tỏ người ấy còn chưa... đi nước ngoài. Bởi ngay cả ở nơi đã khai sinh ra graffiti hiện đại là nước Mỹ, mọi chuyện với các tay chơi ham vẽ vời cũng chẳng hề đơn giản.

 

Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều quy việc vẽ graffiti ở nơi công cộng vào hành vi phá hoại tài sản công, hoặc xâm hại tài sản và tự do cá nhân khi không được phép. Và hình phạt cũng chẳng nhẹ nhàng gì. Vài ví dụ sau đây để thấy "chuyện nước ngoài": Từ năm 1984, thành phố Philadelphia (Mỹ), một trong những thủ phủ của graffiti, đã thành lập mạng lưới ngăn ngừa graffiti. Mạng lưới này có nhiệm vụ ngăn chặn và xóa bỏ các hình vẽ liên quan đến bạo lực. Chính quyền cũng phát động phong trào tranh tường nghệ thuật ở các nơi công cộng, thay thế những hình vẽ khiêu khích. Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng.

 

Từ năm 1995, thành phố New York đã có đội đặc nhiệm chống graffiti. Chính quyền thành phố cũng ra những quy định cấm bán sơn xịt cho người dưới 18 tuổi, phạt tiền (thấp nhất khoảng 350 USD). Thêm vụ dọa bỏ tù cha đẻ graffiti đã cho thấy sự cương quyết của chính quyền nơi được coi là "nhà hộ sinh" cho hip-hop và graffiti.

 

Đấy là chuyện nước Mỹ xa xôi, chuyện này ở gần hơn, ngay tại Singapore đất nước phát triển nhất Đông Nam Á. Năm 1993 có một vụ gây xôn xao cả nước Singapore và nước Mỹ. Số là bỗng nhiên có hàng loạt xe hơi sang trọng bị sơn xịt tùm lum những hình thù quái dị. Cảnh sát sau đó đã bắt được thủ phạm là một sinh viên Mỹ, tên Michael P.Fay.

 

Bị khép vào tội phá hoại tài sản và công trình dân sinh, Fay bị kết án 4 tháng tù, chịu phạt 3.500USD Singapore. Đặc biệt, anh ta phải nhận hình phạt rất đặc trưng ở xứ này: đánh bằng roi. Mọi can thiệp, kêu gọi nhằm giảm tội cho cho Fay cũng chỉ giúp giảm số roi bị dánh từ 6 xuống 4. Ngay đó, báo The New York Times đã chạy nhiều kì các bài báo nhằm bảo vệ cho Fay và kêu gọi dân Mỹ kéo đến Đại sứ quán Singapore để biểu tình. Nhưng luật là luật!

 

Luật là luật, đương nhiên. Còn chưa cần kể đến luật thì cũng có những quan điểm chặt chẽ đưa ra để bẻ lại những đòi hỏi "tự do". Người mê graffiti đòi hỏi tự do sáng tạo được tôn trọng thì xã hội cũng đòi hỏi phải tôn trọng trật tự vốn có của đô thị.

 

Một thành phố đẹp không phải là thành phố nhiều...graffiti. Nhưng graffiti, nếu chấp nhận nương theo trật tự vốn có, thì có thể sẽ làm cho thành phố đẹp hơn. Chuyện ở Singapore có thể khiến nhiều người mê graffiti giật mình. Nhưng chính người viết bài đã nhìn thấy một bức tranh graffiti rất đẹp xuất hiện ở một ga tàu điện ngầm lớn của đất nước này. Có điều đó là bức tranh được in ra giấy rồi dán lên tường. Vẫn rất "graffiti", vẫn rất đẹp, mà lại chẳng làm ai phật lòng.

 

Nói thế có thể ai đó sẽ bẻ lại rằng như vậy còn gì là graffiti nữa? Đúng, chuyện không hề đơn giản. Nhưng ở bất kì thời nào, việc dung hòa giữa những sáng tạo với bầu không khí xã hội mà người sáng tạo đang sống cũng là chuyện không thể coi thường. Không thể viện dẫn "tự do" mà đòi hỏi được "sáng tạo". Mà chắc gì graffiti là sáng tạo? Chắc sẽ lại có người hỏi như thế. Cũng chẳng sai!

 

Theo Nguyễn Minh
Thế Giới Văn Hóa