Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 10

Ngoại ngữ - Hành trang hội nhập quốc tế quan trọng của sinh viên Việt Nam

(Dân trí) - Học một ngôn ngữ không chỉ để biết thêm một thứ tiếng mà còn để hiểu thêm văn hóa của đất nước, đó là quan điểm của bạn Phan Thị Thái An - Ủy viên Ban thư ký Hội SV TP. HCM.

Chiều ngày 10/12, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ 10, tại Hội trường ĐHQG Hà Nội đã diễn ra diễn đàn thảo luận “Hành trang hội nhập quốc tế của sinh viên Việt Nam”.


Diễn đàn thảo luận “Hành trang hội nhập quốc tế của sinh viên Việt Nam”.

Diễn đàn thảo luận “Hành trang hội nhập quốc tế của sinh viên Việt Nam”.

Diễn đàn có sự tham gia của các đại biểu, sinh viên ưu tú trong và ngoài nước quan tâm tới vấn đề hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay của sinh viên, bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng 4.0 bùng nổ.

Tham gia đóng góp ý kiến tại diễn đàn, bạn Đặng Huyền Thư - Chủ tịch Hội SV ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội chia sẻ về mô hình cộng đồng ngoại ngữ của ĐH Ngoại ngữ, nhằm lan tỏa hình thức hội nhập hiệu quả. Đây cũng là mô hình được Hội SV TP Hà Nội công nhân là mô hình tiêu biểu 2 năm liền.

Mô hình nhằm mục đích nâng cao khả năng ngoại ngữ cho sinh viên, phát triển kỹ năng, kiến thức với sinh viên. Theo đó, mô hình được hoạt động theo hình thức miễn phí, chính sinh viên lại là giáo viên của các bạn sinh viên khác. Cùng nhau xây dựng cộng đồng bền vững cùng phát triển, bên cạnh đó là hỗ trợ cho nhau kỹ năng mềm.

Anh Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Ban thanh niên Quân đội khẳng định: “Hội nhập quốc tế đóng một vai trò rất quan trọng trong thời điểm hiện nay, muốn hội nhập phải có ngoại ngữ”. Anh dẫn chứng ở trường Quân đội, ngoại ngữ được đưa vào học từ năm đầu tiên nhưng năm cuối mới thi, làm như vậy để đòi hỏi sinh viên phải tự học tập, trau dồi trong suốt quá trình.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh, đưa tiếng Anh vào môi trường làm việc như lịch đào tạo, huấn luyện đều được triển khai song ngữ, bản tin nội bộ phát bằng tiếng Anh, sáng tạo và ứng dụng tiếng Anh trong nghệ thuật như sáng tác nhạc, tiểu phẩm... để tạo môi trường học tập, rèn luyện cho các học viên.

Bạn Đặng Huyền Thư - Chủ tịch Hội SV ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội
Bạn Đặng Huyền Thư - Chủ tịch Hội SV ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội

Bạn Ngọc Mai - Phó Chủ tịch Hội SV ĐH Sư phạm TP. HCM cho rằng việc học ngoại ngữ ở trường Sư phạm có đặc thù riêng khi sinh viên tiếp cận dưới góc độ sư phạm. Đối với các bạn theo học khối ngành xã hội thường ngại học ngoại ngữ, chính vì vậy muốn các bạn yêu thích và học tự nguyện phải nắm bắt được tâm lý, sở thích.

Phó Chủ tịch Hội SV ĐH Sư phạm TP. HCM đề xuất: “Sinh viên thường sử dụng Facebook, xem các clip thú vị từ đó có thể tiếp cận dưới góc độ này để khiến các bạn sinh viên yêu thích học tiếng Anh hơn. Ứng dụng mô hình “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” của Hội để lập chuyên mục “Mỗi ngày 5 từ vựng tiếng Anh”... trong việc học tập ngoại ngữ cũng là một sáng kiến khả thi”.

Nguyễn Trọng Hoàng Nam - đại biểu đại diện cho Hội SV Việt Nam tại Vương quốc Anh cho rằng việc học tiếng Anh ở Việt Nam về mặt số lượng có vẻ tốt nhưng chất lượng chưa đồng đều bởi quy chuẩn tiếng Anh ở Việt Nam “khá loạn”.

“Thực tế kỹ năng ngoại ngữ hiện tại ở Việt Nam không được chấp nhận ở nước ngoài mà vẫn phải sử dụng quy chuẩn của nước ngoài”, Nam nói. Đại diện tại Anh mong muốn có một quy chuẩn cụ thể để cải thiện chất lượng tiếng Anh của sinh viên Việt Nam.

Không khí diễn đàn diễn ra sôi nổi
Không khí diễn đàn diễn ra sôi nổi

Học một ngôn ngữ không chỉ để biết thêm một thứ tiếng mà còn để hiểu thêm văn hóa của đất nước, đó là quan điểm của bạn Phan Thị Thái An - Ủy viên Ban thư ký Hội SV TP. HCM.

Bên cạnh đó, diễn đàn cũng chỉ ra hành trang để hội nhập của sinh viên Việt Nam ngoài ngoại ngữ còn đòi hỏi ở việc tiếp thu khoa học công nghệ, kiến thức văn hóa xã hội, nâng cao sức khỏe thể lực, chủ động trong công tác, tự tin...

Kim Bảo Ngân