Ngỡ ngàng thôn nữ “lột xác” khi thành sinh viên ở phố

(Dân trí) - Về nghỉ Hè, Thanh N. khiến bà con trong xóm ngạc nhiên, chẳng ai nhận ra con bé út con ông P. ở cuối xóm. N đẹp hơn nhiều, ăn mặc thời thượng kiểu "dân thành phố" mặc dù cô bé chỉ vừa xong năm nhất của một trường ĐH ở Đà Nẵng.

Vốn có mái tóc dài, nhưng học được nửa kỳ ở một trường ĐH ở Đà Nẵng thì Thanh N. thấy mái tóc của mình trở nên “lạc hậu” giữa thành phố đô thị này. N giãi bày: “Ở quê để tóc dài cho ba mẹ vừa ý chứ em cũng không thích. Trong lớp em, ngay khi vào học một hai tháng thì ai cũng đã thay đổi hết rồi. Em như thế này là muộn”.

 

Vào thành phố học một năm là khác hẳn

 

Khoảng thời gian này, nhiều sinh viên nô nức về quê nghỉ hè. Nhiều ông bố, bà mẹ đã ngơ ngác khi nhận ra sự thay đổi của con mình chỉ trong một năm trở thành sinh viên ở thành phố.

 

Không chỉ thay đổi về kiểu tóc, uốn xoăn nhuộm màu cho hợp mốt, áo quần cũng thay đổi theo để phù hợp kiểu tóc. Những kiểu thời trang “hầm hố” được những cô gái thôn quê cập nhật kịp thời.

 
Ngỡ ngàng thôn nữ “lột xác” khi thành sinh viên ở phố
Thay đổi để trở nên đẹp đẽ trong mắt mọi người là tốt nhưng hãy cân nhắc trong giới hạn, điều kiện cho phép bạn nhé. (ảnh minh họa)
 

Thu S. (SV ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) đã khiến bà con lối xóm ngạc nhiên. “Trông nó đi bộ từ đầu làng về mà chẳng ai nhận ra. Nhìn nó đẹp đẽ, sang trọng chẳng khác chi Việt kiều”, bác T. (một người hàng xóm tại xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nói về Thu S.

 

Sau một năm học ở thành phố, Thu S. thay đổi toàn bộ về cách ăn mặc, tay chân sơn vẽ móng, tóc uốn xoăn tít. Nhìn cô gái này bây giờ, chẳng ai tin nổi cô là con gái nhà nông, trước kia tay chân tay lấm bùn. Hơn nữa, Thu.S vốn là cô gái hiền lành, thùy mị, khá nổi bật vì nét duyên dáng trong tà áo dài trắng của những năm phổ thông.

 

Cô L.T.N ở Hải  Phú (Hải Lăng, Quảng Trị) tâm sự: “Con gái cô khi ở nhà rất nền nã mà vô Sài Gòn học một năm về nhận không ra. Tết rồi, không mua được vé tàu nên nó đòi ở lại làm thêm không về. Giờ, về nghỉ hè, nhận không ra nó”.

 

Nó xinh đẹp, trắng trẻo ra thì không nói nhưng trở nên đua đòi. Đợt Tết đòi mua máy tính xách tay chục triệu bạc để học. Cô phải bán cả đàn lợn, hè này về đòi mua cả xe máy tay ga cho bằng bạn bằng bè nữa”.

 

Không chỉ các bạn nữ, mà các bạn nam cũng thay đổi không kém. Nếu như trước kia, ở nhà, không hề biết đến keo xịt tóc, sữa rửa mặt thì bây giờ Quốc N. (SV CĐ Công nghiệp Huế) chẳng ngại dùng những thứ mỹ phẩm cần thiết, hơn nữa áo quần, đầu tóc lúc nào cũng bóng bẩy như các anh chàng ca sĩ trên tivi.

 

Đẹp lên chưa hẳn là tốt

 

Tiếc bộ móng tay móng chân tô vẽ đẹp đẽ, Thu S từ chối mọi công việc nhà từ đồng áng, giặt giũ, cơm nước đỡ đần ba mẹ trong kỳ nghỉ. Từ cô con gái chăm học, chăm làm, người chị gương mẫu, Thu S. khiến các em nhìn chị bằng ánh mắt khác, ba mẹ cô thì nén tiếng thở dài: “Nó đi học chứ có phải đi làm người mẫu đâu”.

 

Thanh N. thì buồn rầu chia sẻ: “Bà nội vuốt ve mái tóc xơ cứng của em rồi cứ tiếc rẻ, ngày trước tóc em mềm mượt lắm, giờ uốn nhuộm nên xơ xác, khô cứng đi nhiều. Thấy nội bần thần mà em thương quá”.

 

Bà của Thanh.N còn kể thêm: “Ngày trước ở nhà, nó tóc dài, ăn mặc kín đáo, bây giờ đi vào đi ra toàn mặc váy ngắn, quần ngắn cũn cỡn trông chướng mắt lắm”. Bởi N. đã quen với kiểu ăn mặc ở thành phố, giờ về quê gặp mùa Hè mặc mấy bộ đồ kín đáo là nóng nực.

 

Cô L.T.N (phụ huynh của nữ sinh ĐH Sài Gòn ) tâm sự thêm: “Cô chú đã nói chuyện với con gái, nó biết rõ hoàn cảnh gia đình mình, các em sau còn học, chị gái mới lấy chồng, trong nhà còn tiền đâu mà mua xe cộ. Nếu chưa cần thiết thì nên thông cảm cho bố mẹ”. Được biết, vợ chồng cô chỉ làm nông quanh năm, cô nuôi thêm đàn lợn, mấy con gà để có thêm thu nhập nuôi cả nhà.

 

Trong câu chuyện kể về cuộc sống một năm đi học xa nhà, bạn Ngọc L. (SV ĐH Sư phạm Huế) chia sẻ: “Ở xóm trọ của em, mấy chị, mấy bạn thường rủ nhau đi mua sắm vào đầu tháng, lúc đó mới nhận tiền nhà gửi vào.

 

Các chị tha hồ mua áo quần, giày dép, mỹ phẩm đến tiền triệu. Sau đó, thỉnh thoảng cuối tuần lại đi phố đêm mua sắm, hết tiền thì xin thêm hoặc vay mượn hoặc nhịn ăn”.

 

Chàng trai trẻ Văn H. (SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng) kể lại câu chuyện quen một cô bé sinh viên năm nhất.: “Nhìn bạn ấy ăn mặc, xài điện thoại xịnh cứ ngỡ là con nhà khá giả. Đợt lễ, cả tụi hẹn về nhà cô bé chơi, cứ thấy cô ấy ngại ngùng. Ai ngờ, về đến nhà bạn ấy, thấy mái tranh xiêu vẹo, bố bạn mang cái áo sơ mi rách toạc, em út lem luốc, mẹ cực khổ mà không biết nói gì luôn”.

 

Thiết nghĩ, thay đổi hình ảnh để trở nên đẹp đẽ hơn trong mắt mọi người là điều tốt, tuy nhiên các bạn trẻ nên xem xét, lưu ý thay đổi trong giới hạn cho phép, trong điều kiện của bản thân và gia đình. Vì dù sao, “một chiếc áo cũng chẳng làm nên thầy tu”.

 
Diệu Ái