Nếu bạn chỉ là… “hàng hiếm” trong lớp

Có rất nhiều nguyên nhân khách quan khiến bạn trở thành… “thiểu số” trong lớp học. Nhưng điều đó không còn là vấn đề nếu bạn đủ dũng cảm để chủ động đối mặt và vượt qua.

Ngày đầu làm dân… “thiểu số”

 

Nhã Khanh (17 tuổi) là “mống” con trai duy nhất, được “bao vây” bởi hơn 30 cô nàng của lớp chuyên Văn, giờ ngồi nghĩ lại ngày đầu tiên vào lớp, chàng vẫn thấy ngài ngại.

 

“Lúc làm hồ sơ nhập học, tớ đã nghĩ đến chuyện trong lớp chỉ có khoảng năm đứa con trai là cùng, nhưng thật không ngờ, hôm giáo viên chủ nhiệm nhận lớp, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào tớ, thật sự ngỡ ngàng vì tớ là nam sinh duy nhất.

 

Nói thực lòng là cảm giác của tớ lúc đó thật sự sợ hãi, đầu tớ bắt đầu nghĩ đến những điều không hay có thể xảy đến sau này”.

 

Vì muốn con có điều kiện tiếp xúc và nâng cao kiến thức, chuẩn bị cho đợt thi học sinh giỏi quốc gia nên đầu năm học này, cô nàng Ngọc Linh (16 tuổi) được bố mẹ chuyển hồ sơ học sinh vào một trường có tiếng trong thành phố.

 

Ngày đầu đến lớp, cô nàng có vẻ rụt rè, lầm lì và chẳng chịu tiếp xúc hay trò chuyện với ai. “Ngày đó, tớ thấy mình lạc lõng vô cùng khi biết các bạn cùng lớp đều là dân thành phố chính gốc, trong khi tớ chỉ là một con bé ngoại tỉnh vụng về, thô kệch.

 

Những lúc tớ xung phong phát biểu thì y như rằng, những ánh mắt “bàn trên quay xuống, bàn dưới nhìn lên”, tập trung vào tớ, bởi giọng nói nghe có vẻ chân chất, mộc mạc (như lời bạn tớ nhận xét)”.

 

Với học lực khá, Thành Sơn (16 tuổi) đã quyết tâm và thi đậu vào lớp chuyên Toán. Chưa hết vui mừng, Sơn phải đối mặt với sự thực là điểm đầu vào của bạn thấp nhất lớp.

 

“Ban đầu, tớ cũng tự ti lắm. Tớ nghĩ mình kém cỏi và chẳng bao giờ vượt mặt được bạn bè. Có thời gian tớ bị stress do học tập quá sức, khiến gia đình và bạn bè đều lo lắng”.

 
Nếu bạn chỉ là… “hàng hiếm” trong lớp

Hãy tự tin khẳng định bằng chính năng lực của mình. (ảnh minh họa)
 

Vượt qua chính mình

 

Đa phần những teen lâm vào tình huống là “hàng” độc quyền hay “dân” thiểu số đều có những biểu hiện ban đầu rất giống nhau. Đó là tâm lí lo sợ, ái ngại, dẫn đến việc tự cô lập, ít hoà đồng với bạn bè.

 

Và nếu tinh thần không vững vàng, teen dễ bị đánh bật khỏi môi trường học tập, kết quả rèn luyện sút kém, cơ thể suy nhược do lo nghĩ và sợ hãi, nguy hiểm hơn là có thể mắc chứng bệnh trầm cảm.

 

Nhưng nếu bạn biết cách tạo cơ hội cho mình thì mọi thử thách đều được chinh phục.

 

 

Là “hàng hiếm” của lớp, Nhã Khanh luôn được các bạn nữ “săn đón” trong công tác văn nghệ, thể thao của trường. “Tớ chơi thể thao khá ổn nên tình nguyện nhận làm HLV đội bóng chuyền nữ của lớp.

 

Sau những buổi tập luyện, tớ và các bạn có cơ hội được tiếp xúc và trao đổi với nhau nhiều hơn về học tập, kĩ năng sống hoặc đôi khi chỉ nói những chuyện không đâu. Tớ cũng tranh thủ tham gia các hoạt động văn nghệ do lớp, trường khởi xướng.

 

Dần dần, tớ cũng thấy mình hoà nhập hơn với “cộng động” nữ giới của lớp chuyên Văn. Giờ và đến mãi sau này, tớ khẳng định chân thành là con gái lớp tớ cực đáng yêu”.

 

Ngọc Linh như được “lột xác” khi thời gian gần đây, nàng chăm chỉ phát biểu hơn, năng nổ hơn và đặc biệt là không còn rụt rè, tự ti như trước. Bí quyết của Linh là: “Khẳng-định-mình, đó là mục tiêu của tớ. Được bố mẹ khuyên răn, tớ luôn cố gắng học tập và rèn luyện bản thân mọi lúc, mọi nơi.

 

Mỗi lần đến lớp, tớ chuẩn bị bài rất kĩ, thầy cô hỏi đến đâu, tớ trả lời đến đó, tớ cũng thường quan tâm, hỏi han bạn bè nên rất nhanh chóng, tớ đã thích nghi với môi trường mới. Tớ nhận ra rằng mọi người đều rất thân thiện và cảm giác sợ hãi là do chính bản thân tớ tự tạo ra mà thôi”.

 

“Dù điểm đầu vào có thấp nhưng tớ luôn nỗ lực học hỏi và trau dồi kiến thức, điều gì không biết hay không hiểu là tớ hỏi thầy cô hoặc nhờ bạn bè hướng dẫn. Cứ như thế, tớ cảm nhận được mình đang “cứng cáp” lên.

 

Lúc đầu, không ít bạn nam trong lớp có ý trêu chọc, chê bai, những lần như thế, tớ chỉ mỉm cười đáp trả. Nhờ quyết tâm và có phương pháp phù hợp mà thành tích học tập của tớ luôn được thầy cô, bạn bè đánh giá cao”, Thành Sơn chia sẻ.

 

Là dân “thiểu số” đôi khi cũng chính là động lực thôi thúc teen khẳng định năng lực vốn có của bản thân. Nhiều teen vì cả nghĩ mà buộc mình vào thế “xa rời quần chúng”. Suy cho cùng, tâm lí sợ hãi một phần cũng do các teen nhà mình tự suy diễn và nhào nặn nên.

 

Dù là dân “thường” hay “thiểu số”, teen cũng nên tập cho mình thói quen suy nghĩ cho “chín”, đồng thời có ý thức tự rèn luyện và hoàn thiện bản thân.

 

Theo Thúy Anh

Mực Tím