Nam sinh lớp 11 chế tạo trang sức bằng... vật liệu bỏ đi

(Dân trí) - Về Trường THPT Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), nhiều người rất thích thú khi được tận mắt chứng kiến nam sinh lớp 11 Trần Thế Dương đã chế tạo thành công nhiều vật trang sức rất đẹp mắt bằng đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của mình.

Trò chuyện với chúng tôi, em Trần Thế Dương cho biết, em sinh ra trong một gia đình nông dân ở ấp Bưng Sa, xã Viên An, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Ngay từ nhỏ, em rất thích tự tay mình làm những đồ vật ngộ nghĩnh, nhí nhảnh từ những vật liệu bỏ đi để trang trí trong nhà, nơi góc học tập.

Cách đây khoảng hơn 1 tháng, em Dương lên mạng internet tìm hiểu và tự tay mình tạo ra nhiều sản phẩm trang sức rất bắt mắt, được nhiều người yêu thích như vòng tay, dây chuyền, trâm cài tóc, lược, bộ móng tay,…

Những sản phẩm đẹp mắt của nam sinh Trần Thế Dương.
Những sản phẩm đẹp mắt của nam sinh Trần Thế Dương.

Theo Thế Dương, sau khi thiết kế ra các mẫu vật trang sức vừa ý, em sử dụng vật liệu là Motip (một chất liệu giống kim loại sắt nhưng không gỉ, mềm, rất dễ tạo hình theo ý muốn) để tạo ra các sản phẩm trang sức nói trên.

Để có một sản phẩm bắt mắt, ngoài thiết kế kiểu dáng, cần phải có sự kiên trì, khéo léo, tỉ mỉ để tạo đường nét tinh xảo, kiểu dáng phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người dùng.

Nhìn các sản phẩm của Dương, ai cũng thừa nhận trí tưởng tượng của em thật phong phú, bàn tay của em thật khéo léo, tài hoa khi cho ra đời các sản phẩm dù làm thủ công nhưng rất tinh xảo không thua gì làm bằng máy móc.


Dương khoe một sản phẩm làm thủ công không thua gì bằng máy móc.

Dương khoe một sản phẩm làm thủ công không thua gì bằng máy móc.

Dương cho biết: “Em tranh thủ những lúc nghỉ để làm các sản phẩm này. Sau khi có sản phẩm, em chụp hình, giới thiệu mẫu hàng cùng giá của từng mẫu trên Facebook cho mọi người xem. Ai mua loại nào thì liên hệ với em qua Facebook, em sẽ chuyển hàng tận tay với giá rất phải chăng.

Vừa qua em cũng đã bán được một số sản phẩm nên chắc chắn sẽ có nhiều người mua. Tiền bán các sản phẩm này, em dùng cho việc mua sách vở để học tập”.

Cao Xuân Lương