Lý giải vì sao dân mạng tranh cãi chú mèo đi lên hay đi xuống?

Phải chăng cả thế giới đang bị đánh lừa thị giác trong cuộc tranh cãi chú mèo đi lên hay đi xuống?

Sau cuộc tranh luận nảy lửa về màu sắc của chiếc váy rắc rối nhất thế giới, cộng đồng mạng lại bị thu hút bởi hình ảnh thú vị không kém, đó là hình ảnh chú mèo đang bước đi trên lưng chừng bậc cầu thang và không thể phân biệt nổi nó đang có xu hướng đi lên hay đi xuống.

 

Nhiều người dựa vào cấu tạo bậc cầu thang và hai vách tường khẳng định chú mèo đang đi xuống. Nhưng nhiều người dựa vào bản năng của mèo về cách đi lại chắc chắn 100% chú mèo đang đi lên.

 

Bức ảnh chú mèo gây tranh cãi được cho là bức ảnh gây ảo ảnh thị giác
Bức ảnh chú mèo gây tranh cãi được cho là bức ảnh gây ảo ảnh thị giác

 

Cho đến giờ, cuộc tranh cãi xung quanh “chú mèo rắc rối” vẫn chưa có hồi kết. Cũng chưa có nhà khoa học nào có thể đứng ra lý giải một cách chính xác chú mèo đang đi lên hay đi xuống. Tuy nhiên, vẫn có một vài lời lý giải “dự đoán” được đưa ra.

 

Nhiều bạn cho rằng bức ảnh đã được photoshop nên dựa vào hình ảnh chú mèo và những yếu tố xung quanh không thể cho ra kết luận chính xác. Hơn nữa, bức ảnh có chất lượng hình ảnh không cao, các chi tiết trong bức ảnh đều mờ mờ và vỡ nét nên khó có thể phân biệt chú mèo đang đi lên hay đi xuống bằng mắt thường.

 

Một vài ý kiến khác cho rằng, dựa trên góc độ khoa học có thể thấy đây là bức ảnh thuộc loại ảo ảnh thị giác (hay còn gọi là hình ảnh đánh lừa đôi mắt). Thực chất, đó là hình ảnh được não bộ tiên toán. Khi võng mạc tiếp nhận ánh sáng, não bộ cần 1/10 giây để xử lý và chuyển đổi các tín hiệu. Và 1/10 giây trễ nhụp của não bộ là khoảng thời gian để não bộ hình thành “tiên đoán” các hình ảnh có thể xảy ra tiếp theo.

 

Chiếc váy màu sắc rắc rối cũng từng gây cuộc tranh cãi lớn trên thế giới
Chiếc váy màu sắc rắc rối cũng từng gây cuộc tranh cãi lớn trên thế giới

 

Trở lại với bức ảnh, khi những thông tin mắt cung cấp cho não không đủ để não bộ xử lý, nhận diện được vật trong khoảng thời gian cần thiết thì não sẽ tiên đoán trước, từ đó dẫn điện hiện tượng ảo ảnh thị giác.

 

Tuy nhiên, sau khi nhìn và suy xét kỹ bức ảnh, nhiều người thấy cả hai trường hợp chú mèo đi lên hay đi xuống đều đúng. Bởi, tư thế của chú mèo đầu ngước lên, đuôi và tai đều vểnh lên là tư thế đi lên, nhưng bước chân và bậc cầu thang lại cho thấy chú mèo đang đi xuống.

 

Bậc cầu thang và vách tường được thiết kế hai chiều, người nhìn có thể tưởng tượng theo hai hướng từ dưới nhìn lên và từ trên nhìn xuống. Vì thế, khi nhìn vào bức ảnh ta có thể thấy kết luận chú mèo đi lên hay đi xuống đều đúng.

 

Theo Hạ Nhiên

Dân Việt