Like không phải vì thích mà "like cho chết!"

(Dân trí) - Nhiều trạng thái tiêu cực như: Có 1.000 like sẽ đốt trường, có từng này like sẽ tưới xăng đốt người... thường thu hút rất nhiều like. Nhưng nhiều bạn trẻ like không phải vì thích mà "like cho nó chết".

Người trẻ đang xoay giữa "mê hồn trận" của mạng xã hội là vấn đề được các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đặt ra tại tọa đàm "Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội" do Báo Tiền phong và ĐH Mở TPHCM tổ chức sáng 29/10. 

Like không phải vì thích mà like cho chết! - 1
Like không phải vì thích mà like cho chết! - 2

Sinh viên chia sẻ tại tọa đàm "Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội" 

Theo báo cáo tại tọa đàm, tính đến đầu năm 2018, Việt Nam có đến 55 triệu người dùng đang hoạt động, đạt tỉ lệ 57% người dùng Internet. 

Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng về mạng xã hội Facebook, Việt Nam xếp thứ 7 trong số các quốc gia có người dùng, với 59 triệu người dùng vào tháng 7/2018. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, tại Việt Nam đã xuất hiện thêm nhiều mạng xã hội khác do chính trong nước cung cấp… 

Giới trẻ chịu ảnh hưởng bởi mạng xã hội cực kỳ lớn, với hơn 22 triệu học sinh sinh viên cùng hàng triệu học viên ở nhiều hệ đào tạo khác nhau.

TS Đào Lê Hòa An đề cập về những cái like chết người trong giới trẻ

TS tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ, người trẻ cuồng like, và những câu chuyện đau lòng từ những cái nhấp like. có những trạng thái tiêu cực như: Có 1.000 like sẽ đốt trường, có từng này like sẽ tưới xăng đốt người... lại thu hút rất nhiều like. Nhưng khi ông hỏi các bạn trẻ, nhiều em nói like không phải vì thích mà like... "cho nó chết". 

Ý kiến về bất cập trong xử lý hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác trên mạng xã hội

Thiếu tá, TS Xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên trường ĐH An ninh Nhân dân gọi mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho những người thích ném đá. Ông kể về trường hợp nữ sinh ở Đồng Nai tự vẫn khi bạn trai tung clip "nóng" lên mạng và em bị cư dân mạng chửi bới. 

LS Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM, hiện nay chế tài pháp luật vẫn chưa theo kịp thực tiễn về xử lý những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác.

Trong đó cụ thể là những mức phạt vẫn còn quá nhẹ so với hậu quả gây ra cho bị hại, từ đó không đủ sức răn đe. Còn chế tài về hình sự thì hiện nay vẫn còn rất khó xử lý bởi quy định còn chung chung và chưa có hướng dẫn cụ thể.

BS Hồ Nhật Quang cảnh báo nghiện mạng xã hội là vấn đề bệnh lý

BS Hồ Nhật Quang đưa ra một góc nhìn, mạng ảo nhưng không hề ảo. Nhiều bệnh nhân ông điều trị, khi xem các nội dung họ đăng tải có thể biết được họ đang gặp vấn đề gì. 

Ông Quang cũng cảnh báo khi dùng mạng xã hội nhiều, lại theo hướng tiêu cực là vấn đề bệnh lý. Muốn trị liệu thì phải quay lại giá trị thực, tạm dừng một thời gian để tìm lại suy nghĩ, nhận thức trong cuộc sống thực tế của mình. 

Ông Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng Ban đại diện Ban tuyên giáo Trung ương tại TPHCM cho rằng, đối với tác động của mạng xã hội đến học sinh sinh viên hiện nay, trước hết tự thân phải trang bị những kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho đúng đắn.

Bản thân mỗi người phải tự rèn luyện đạo đức, biết chia sẻ nỗi đau với con người, xây dựng một hình ảnh, một nhân cách sống bao dung nhân ái…, xây dựng cho bản thân một lối sống lành mạnh, hiểu biết pháp luật.

Thiếu tá Lê Hoàng Việt đưa ra 10 quy tắc khi tham gia mạng xã hội:

- Nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng.

-Tế nhị, tôn trọng và không làm phiền người khác.

- Hãy nhớ rằng những gì bạn chia sẻ trên mạng xã hội là một sự phản ảnh của con người bạn hay tính cách, lối sống của bạn.

- Hãy cẩn thận, lưu ý với việc tag hình ảnh và các bài viết

- Không nên làm phiền người khác bằng những tin nhắn hỏi rằng sao không nói chuyện hay trả lời.

- Bạn không nên và không cần thiết phải đăng tải hình ảnh của bạn mọi lúc, mọi nơi, đang làm gì, với ai chính xác ở từng địa điểm.

- Tuyệt đối không tham gia vào các cuộc tranh luận công khai, đặc biệt là tranh luận những vấn đề không liên quan đến mình hay những vấn đề mình không hiểu rõ.

- Nhận diện và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải

- Thể hiện quan điểm, chính kiến trong việc xây dựng xã hội, đất nước, vun đắp tình yêu với quê hương, đất nước. 

- Chú trọng chia sẻ những cảm xúc đẹp, hình ảnh giàu tính thẩm mỹ, khoảnh khắc quý giá của tình bạn, gia đình, công việc.

Hoài Nam