Lê Cát Trọng Lý: “Hãy dấn thân và làm đến cùng…”

“Với Lý, âm nhạc là niềm vui của mọi người, dẫu đó có thể là một bài hát buồn. Lý tiếp tục bước đi, nhất là khi con người bên trong của Lý nhắc nhở rằng hãy dấn thân và làm đến cùng mọi việc…”.

Một lần hiếm hoi, danh sách 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam có tên một cô ca sĩ, một nhạc sĩ, một cái tên quen của giới showbiz nhiều sắc màu. Lê Cát Trọng Lý được tuyên dương ở danh mục người trẻ có những đóng góp cho các hoạt động xã hội.

 

Cô ca sĩ hát bên thửa ruộng...

 

Trên trang facebook của Lý, các bạn trẻ thấy Lý hát ở rất nhiều sân khấu lạ: Bậc cầu thang, đường quốc lộ và thậm chí là ven một thửa ruộng. Lý có thể kể cho bạn đọc nghe về những sân khấu đặc biệt này?

 

Đó là chuyến Du ca xuyên Việt. Lý hát trên đường, bên những người phụ nữ tảo tần buôn bán. Lý được trải nghiệm cùng chiếc ghita, trong một ngôi chùa ở Huế. Lý hát bên một cánh đồng ngát hương lúa, với những người nông dân ở Ninh Bình. Lý hát bên bờ suối, cạnh những em nhỏ của miền núi xa xôi…

 

Với Lý, điều hạnh phúc đặc biệt, đó là khi nhìn thấy ai đó hạnh phúc và mỉm cười với tiếng hát và cây đàn của mình.

 
Lê Cát Trọng Lý: “Hãy dấn thân và làm đến cùng…”
"Không phải lúc nào cũng có sân khấu nhưng lúc nào cũng có thể hát và làm mọi người vui được..."
 

Trong chuyến đi Mù Căng Chải, cả đoàn mông lung lắm. Vì chẳng hiểu rằng, qua một chặng đường dài như thế, mình có được hát hay không. Lúc đến nơi, mọi người chỉ cho mình ngôi trường lớn nhất ở vùng đất này, nhưng nó nằm ở phía bên kia sông, phía bên kia những con nước lớn.

 

Lý vẫn quyết định hát phục vụ mọi người ngay trong buổi chiều. Lý rất muốn hát cho những đứa trẻ ngơ ngác ở đây, những đứa trẻ người Mông phải đi một quãng đường dễ chừng 25km để đến trường.

 

Có đứa trẻ chỉ vào chiếc piano và hỏi mình: "Chị ơi, cái này là cái gì?"; "Chắc là đắt lắm, có bằng 2 con trâu không?"... Mình chỉ biết trả lời rằng: "Bằng một con trâu thôi" mà thấy giọng đã rưng rưng rồi.

 

Êkíp chương trình của mình có đầy đủ các thiết bị cho một đêm diễn nhưng không có sân khấu. Cuối cùng, Lý chọn bậc tam cấp làm sân khấu. Lý cắm những ngọn nến lung linh để trang trí cho sân khấu của mình và cứ ngồi ở bậc thềm hồn nhiên mà hát.

 

Khán giả của mình có khoảng 100 người, cả thầy cô giáo lẫn những đứa trẻ lấm lem. Ánh mắt nào cũng say sưa. Có vài người hay coi ti vi thì biết Lý. Họ bảo rằng, lần đầu tiên có người thành phố đến đây hát.

 

Lý tin, không nhất thiết phải cần đủ một sân khấu đẹp, tiếng hát mới có thể cất lên. Hồi Lý ở Đà Nẵng, Lý đã cùng những người bạn hát ở gầm cầu sông Hàn. Nhưng đó là thời của những đứa trẻ được bố mẹ nuôi, hát vì thỏa mãn cảm xúc của mình. Còn bây giờ thì khác.

 

Lúc đến Tú Lệ (Yên Bái), Lý gặp một cô gái rất thích nghe Lý hát. Cô ấy cứ nhìn Lý say mê, nhưng cứ khi Lý quay lại nhìn thì cô đỏ mặt quay đi. Tú Lệ bây giờ đã có nhiều đoàn làm phim đến. Nhưng cô gái mà Lý gặp vẫn còn ngập ngừng đáng yêu lắm dù thích nghe Lý hát.

 

Có lần, xe của đoàn dừng lại ở một đoạn đường có nước từ khe suối đổ ra. Có hai người đàn ông dựng xe máy ngang đường tận dụng nước chảy để rửa xe. Họ chỉ chiếc đàn mình đang đeo hỏi là gì và có thể hát tặng họ một bài trước khi họ chuyển xe sang bên lề để ô tô đi qua không.

 

Và họ nói rằng, phải hát bài gì "giật giật" ấy, để có thể nhảy. Và mình hát, còn họ thì nhảy. Bạn thấy đấy, không phải lúc nào cũng có sân khấu nhưng lúc nào cũng có thể hát và làm mọi người vui được.

 
Lê Cát Trọng Lý: “Hãy dấn thân và làm đến cùng…”
"Những điều Lý mang đến có thể làm họ vui nhưng theo một cách nào đó, Lý đang làm việc ấy cho mình".
 

Chương trình Du ca xuyên Việt đến nửa chừng thì bị cắt tài trợ. Nhưng Lý vẫn quyết định tiếp tục chuyến đi, dẫu là hát miễn phí để đổi lấy nụ cười của những người Lý gặp trên hành trình?

 

Đúng là nhà tài trợ đã dừng khi chương trình mới đi được chặng đường 60%. Lúc ở Đà Nẵng, cả đoàn đã ngồi lại để tính xem có nên đi tiếp hay không. Lý không có ý định dừng lại. Mọi người đã dùng tiền bán vé của những đêm trước và tiết kiệm một cách tối đa để đi tiếp hành trình của mình.

 

Với Lý, âm nhạc là niềm vui của mọi người, dẫu đó có thể là một bài hát buồn. Lý tiếp tục bước đi, nhất là khi con người bên trong của Lý nhắc nhở rằng hãy dấn thân và làm đến cùng mọi việc.

 

Và những trải nghiệm trên hành trình là phần thưởng lớn dành cho Lý. Lý nhớ lúc đến Thanh Hóa cả đoàn đã dừng lại ngay bên đường quốc lộ khi bắt gặp những ruộng lúa đẹp lạ lùng. Lý xuống gần bờ ruộng và bắt đầu hát. Những người nông dân ngại ngùng đến nghe. Họ nghe một lúc rồi lại bỏ về ruộng gặt lúa tiếp. Gặt được một lúc họ lại trở lại nghe Lý hát.

 

Rồi Lý hát cho những người công nhân làm đá ở tuyến đường Trường Sơn. Những người cả đời chưa bao giờ được xem một buổi biểu diễn ca nhạc. Họ là những người khiến Lý muốn cất tiếng ca.

 

Có phải đấy là cách để Lý có thể cống hiến cho cộng đồng, là một cách lạ để Lý luôn khác biệt với trong một thế giới showbiz nhiều sắc màu, nhiều sân khấu lớn? 

 

Lý cho rằng, bản thân mỗi người đã là một điều gì đó khác lạ. Nếu mình cố chạy theo một xu hướng lạ nào đó thì đã tự đánh mất đi điều khác lạ vốn có trong mình rồi. Và trước khi nghĩ đến chuyện đóng góp điều gì đó cho cộng đồng Lý luôn nghĩ rằng, mỗi chúng ta cứ hãy là một cá nhân tốt để cuộc sống không phải có một người xấu thì đó cũng là đóng góp rồi.

 

Lúc Lý làm việc gì đó, Lý không nghĩ rằng việc này có đóng góp gì cho cộng đồng hay không. Vì Lý biết, có rất nhiều người có những đóng góp rất âm thầm. Rất nhiều bạn trẻ đang làm được điều đó. Hay chỉ đơn giản, mỗi ngày, một ai đó ước mong mọi người hạnh phúc, người dân ở một đất nước nội chiến nào đó ao ước không còn súng đạn, điều đó cũng là đóng góp.

 

Có những nơi, Lý đến để xin được hát. Có những người Lý gặp họ không biết Lý và Lý không biết họ. Những điều Lý mang đến có thể làm họ vui nhưng theo một cách nào đó, Lý đang làm việc ấy cho mình. Là bởi, lúc ấy Lý sẽ trả lời được câu hỏi: Mình có yêu nhạc thực sự không? Và là bởi Lý được chia sẻ. Có ai vẽ tranh và làm nhạc mà lại đem cất đi đâu.

 
Lê Cát Trọng Lý: “Hãy dấn thân và làm đến cùng…”

Lê Cát Trọng Lý với giải thưởng Gương mặt trẻ VN tiêu biểu ở lĩnh vực hoạt động xã hội.
 

Lý đã 2 lần dừng học tại Nhạc viện TP. HCM. Lý cũng từng nói, điều quan trọng nhất trong cuộc đời một người trẻ là được học. Liệu Lý có mâu thuẫn?

 

Lý dừng việc học tại Nhạc viện không phải là một quyết định dễ dàng. Lúc ấy, mình cảm thấy điều đó phù hợp với điều kiện, khả năng, tính cách của mình nên mình làm vậy, dù mình rất sợ. Sợ bố mẹ buồn là nỗi sợ lớn nhất.

 

Lý quyết tâm hành động, làm việc và sống thật tốt, hạnh phúc để thuyết phục bố mẹ. Lời nói thì cũng có thể làm bố mẹ chiều lòng mình, nhưng để bố mẹ an tâm và tin tưởng thì hành động quan trọng hơn hết.

 

Đối với Lý, "học" là tận dụng mọi điều kiện, kinh nghiệm trong cuộc sống để trưởng thành; như vậy thì một người dù không thể đến lớp vẫn có thể tự học, suy ngẫm và mang nó vào hành động cụ thể trong cuộc sống. Sẽ không còn điều gì ngăn một người quyết tâm "học" để được trưởng thành và hạnh phúc.

 

Có lần Lý nói rằng, Lý thích chơi bida? Còn những điều gì gây hứng thú cho Lý giống như bida, ngoài việc viết nhạc và hát?

 

Lý thích đi núi, leo núi, mọi thứ liên quan đến rừng núi. 

 

Việc gì Lý cho rằng mình đã từng làm được một cách có ý nghĩa nhất cho đến lúc này?

 

Đó là chủ động tìm một con đường để được hiểu rõ về sự thật, được sống trọn vẹn, và dám chấp nhận.

 

Tài sản lớn nhất Lý đang có là gì: Tuổi trẻ, khả năng sáng tác, giọng hát hay sự khác lạ?

 

Tài sản lớn nhất Lý đang có đó là niềm tin. Lý tin rằng: Mọi việc rồi sẽ ổn!

 

Theo San Hải

SVVN