Là người Việt, ai cũng muốn cống hiến, xây dựng quê hương

(Dân trí) - Trong hơn 3 giờ, không khí giao lưu sôi nổi và đầy cảm hứng đã "thắp lửa" cho các chất vấn, hiến kế, thắc mắc, đề xuất nguyện vọng và chia sẻ thông tin từ hàng trăm lượt bạn trẻ người Việt đang sinh sống, học tập và lao động trên khắp các quốc gia.

Ngày 6/1, lần đầu tiên Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên và Hội Sinh viên Việt Nam cùng nhau phối hợp tổ chức chương trình “Kết nối người Việt trẻ”, để tạo nên một “diễn đàn mở” cho thanh niên, sinh viên đang học tập và công tác tại nước ngoài chia sẻ thông tin, tìm hiểu chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, của Đoàn Thanh niên, qua đó đề xuất khả năng, nhu cầu đóng góp, xây dựng cho quê hương.
 
Là người Việt, ai cũng muốn cống hiến, xây dựng quê hương - 1

Các phóng viên và đông đảo bạn trẻ tại buổi giao lưu ở đầu cầu Hà Nội

Điểm cầu chính được đặt tại trụ sở của Trung ương Đoàn ở Hà Nội, 11 điểm cầu khác trên khắp thế giới được kết nối gồm Hàn Quốc, Pháp, Thái Lan, Singapore, Lào, Cuba, Ba Lan, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Cộng hòa Czech. Ngoài ra, tất cả các học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập, công tác ở nước ngoài có thể tham gia buổi giao lưu qua mạng Internet.

Tại buổi giao lưu, nhiều bạn trẻ đang học tập tại nước ngoài cùng chung một mong muốn, làm thế nào để đẩy mạnh hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại các nước sở tại mà các bạn đang học tập, bởi cũng như các bạn trong nước, sinh viên người Việt Nam rất mong muốn tham gia các hoạt động phong trào xã hội.

Điều này cũng được thạc sĩ Đinh Minh Long đang học tại Anh chia sẻ: “Người Việt ở nước ngoài nhiều bạn rụt rè, nhút nhát, cho dù họ vốn là những người có nghị lực, thông minh không thua kém ai. Vì vậy mà nhiều bạn thiếu kỹ năng sống khi ra trường. Trung ương Đoàn, Hội SVVN có cách nào để “cải thiện” tình hình ?”.

Về vấn đề trên, anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn khẳng định, Trung ương Đoàn, Hội LH Thanh niên cũng như Hội SVVN cho biết, các phong trào xã hội để lại nhiều dấu ấn cho sinh viên, thanh niên Việt Nam là chương trình tình nguyện mùa hè, hoạt động Tháng Thanh niên, các phong trào xung kích khi tổ quốc cần… Các bạn đang học tập, lao động tại nước ngoài chưa có nhiều điều kiện để tham gia như ở trong nước, nhưng Trung ương Đoàn luôn quan tâm, đặc biệt hàng năm đều có tổ chức chương trình Trại hè cho các bạn sinh viên ở nước ngoài về nước tham gia. Và chương trình “Kết nối người Việt trẻ” hôm nay cũng một lần nữa để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các bạn trẻ, từ đó có định hướng xây dựng, giúp đỡ, phát triển phong trào tốt hơn.
 
Là người Việt, ai cũng muốn cống hiến, xây dựng quê hương - 2

Mong muốn cống hiến cho quê hương luôn là một "ý thức đẹp" của người Việt trẻ

Sinh viên người Việt học tập tại nước ngoài được tạo điều kiện về việc làm như thế nào sau khi họ trở về nước ? Câu hỏi này cũng được rất nhiều bạn trẻ khắp các quốc gia quan tâm và đã nhận được sự chia sẻ từ phía ông Trần Đức Mậu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao). Theo ông Mậu, mong muốn được đóng góp, cống hiến cho quê hương là hết sức chính đáng, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích sinh viên trở về cùng xây dựng quê hương.

Trao đổi thêm về vấn đề này, anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn cho rằng: “Một người Việt trẻ dù làm việc ở đâu hãy luôn luôn giữ lòng yêu nước hướng về quê hương và làm tốt công việc của mình. Đất nước, gia đình đã đầu tư rất nhiều để các bạn trẻ tiếp cận được những môi trường học tập tốt nhất, vì vậy tôi rất mong ngày càng có nhiều các bạn thanh niên trẻ, thành đạt".

Để sự kết nối có chiều sâu hơn, nhiều sinh viên đang học tại nước ngoài đề xuất một kênh của Chính phủ như trang web, truyền hình dành cho SV du học ở nước ngoài. Ông Trần Đức Mậu cho hay trong năm nay sẽ cho ra đời trang web để cho lưu học sinh nói chung có chỗ trao đổi thông tin với nhau. Thời gian tới sẽ làm việc cụ thể với Đài TH VN dành chuyên đề, dành thời lượng dành cho thanh niên VN ở ngoài nước thì sẽ hợp lý hơn. “Các bạn cũng có thể truy cập địa chỉ “www.vied.vn” - Cục Đào tạo tại nước ngoài, thông tin học bổng của tất cả các nước để tham khảo”, ông Mậu nói.

Không chỉ đề xuất trang web, kênh thông tin riêng, các lưu học sinh kiến nghị phía lãnh đạo Đoàn, Hội có các chương trình khuyến khích, hỗ trợ cho sinh viên nghiên cứu khoa học, có cơ quan chuyên trách để ghi nhận, tập hợp các ý tưởng, sáng kiến của lưu học sinh. Các ý kiến, đề xuất, mong muốn của hàng trăm bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài gửi đến khiến ban tổ chức làm việc cật lực, liên tục, dù thời gian giao lưu trực tuyến chỉ có 3 giờ đồng hồ. Nhiều ý kiến phải giải đáp qua hình thức trả lời email và thông qua website của Hội SVVN.

Kết thúc buổi giao lưu, anh Nguyễn Đắc Vinh khẳng định người Việt trẻ ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời với tập thể người Việt trẻ trong nước. T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hi vọng thanh niên Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng luôn giữ kết nối, đóng góp xây dựng cho đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển, xứng đáng với sự kỳ vọng và trách nhiệm mà thế hệ đi trước đã giao phó.

Sông Lam