Khi sinh viên “thờ ơ” với Đoàn

(Dân trí) - Đã thành thông lệ, cứ gần đến 26/3, Đoàn trường nào cũng tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ tưng bừng nhưng không hiểu sao nhiều sinh viên vẫn… không mảy may quan tâm hoặc“không thuộc nổi” lịch sử Đoàn. Đối với họ, ngày 26/3 tuy quen mà thật lạ lẫm…

Trăm kiểu “Anti Đoàn”

Dù đã là sinh viên năm thứ 4 nhưng M.Tú (K45, khoa TMQT, ĐHKT) chưa một lần tham gia phong trào Đoàn. Năm đầu mới vào trường, bí thư yêu cầu đóng tiền Đoàn phí, M.Tú tỏ ra rát khó chịu, nhất quyết không chịu đóng. Lý do mà M.Tú đưa ra khiến mọi người “ngã ngửa”: “Đoàn có cho tớ lợi lộc gì đâu mà tớ phải đóng”.

Khoản Đoàn phí chỉ vẻn vẹn 10.000 đồng/năm, chưa bằng một bữa quà vặt của M.Tú. Vậy M.Tú “keo” hay M.Tú mắc chứng “Anti Đoàn”??? Chỉ biết suốt 3 năm trời, trong khi bạn bè vui vẻ, hăng hái tham gia các hoạt động, phong trào của Đoàn, chiến dịch nọ, chiến dịch kia thì M.Tú vẫn mãi là người ngoài cuộc. Các hoạt động do lớp và Đoàn tổ chức thường vắng mặt cô. M.Tú và bạn bè trong lớp vì thế mà ngày càng xa cách, cô trở nên lạc lõng và tự khép kín mình.

Là sinh viên một trường đại học nổi tiếng về phong trào Đoàn nhưng V.A (K23 - BMĐT, HVBCTT) dường như thờ ơ với mọi hoạt động diễn ra trong trường. Hỏi lý do tại sao như vậy, V.A trả lời “hồn nhiên”: “Tham gia làm gì cho hao hơi tốn sức. Thời gian đó, mình để làm việc khác có phải hay hơn không?...” Các “việc khác” mà V.A cho rằng nên làm là đi shopping, la cà quán sá, “buôn dưa lê giết thời gian” với bạn bè.

C.Dũng (K45, ĐHKT) lại “anti Đoàn” theo kiểu khác. Vẫn đóng tiền Đoàn phí hàng năm đầy đủ, đúng hạn nhưng mỗi khi Đoàn trường phát động phong trào hay tổ chức các hoạt động văn nghệ, C.Dũng luôn có lý do “xác đáng” để xin nghỉ. Khi thì “phải về quê có việc, nhà gọi gấp”, lúc lại “bận học Tiếng Anh, đóng tiền học rồi chẳng nhẽ lại nghỉ?”…

Lần nào cũng như lần nào, C.Dũng tìm đủ lý do để thoái thác. Mọi người bảo nhau: “Nếu có hoạt động gì thì đừng bảo thằng Dũng, nó chỉ được cái mồm”. Và Dũng cũng không hề biết cậu đang mất dần lòng tin từ phía các bạn xung quanh mình.

Những trường hợp như Tú, Dũng không phải là hiếm. Không ít sinh viên khi được hỏi về những lần tham gia phong trào Đoàn ở trường, ở lớp đều lúng túng hoặc trả lời qua quýt, bởi lẽ “có tham gia đâu mà biết” hay “đóng Đoàn phí cho có lệ chứ tham gia phong trào Đoàn thì lấy đâu ra thời gian mà học”…

Khi tập thể lớp cũng thờ ơ…

Khi sinh viên “thờ ơ” với Đoàn  - 1
Đâu đó vẫn còn những đoàn viên thanh niên chưa mặn mà với hoạt động của Đoàn, nhưng mỗi mùa tình nguyện, vẫn có hàng nghìn sinh viên vác ba lô, xắn tay lên vì cuộc sống tươi sáng hơn cho cộng đồng. 

Cá nhân thờ ơ với Đoàn là một nhẽ, nhưng thực tế không ít tập thể lớp cũng “bỏ mặc” Đoàn. Trong một lần, được lớp giao chuẩn bị cho buổi bình bầu Ban chấp hành Đoàn, vì không có kinh nghiệm, Loan (K47 - ĐHKT) có tham khảo thêm ý kiến từ một vài người bạn. Một cậu bạn học bên khoa Quản trị khuyên: “Các bà chỉ được cái rắc rối, cứ như lớp tôi, thống nhất ngay từ ban đầu là bầu Ban cán sự (BCS) và Ban chấp hành Đoàn(BCH) một lần thôi. Sau đó cần lấy ý kiến hay bầu bán gì thì để các cán bộ tự quyết hết, kiểu gì chúng tôi cũng OK. Đỡ mệt và đỡ mất thời gian”.

Những buổi họp lớp, họp chi Đoàn, bầu BCS-BCH Đoàn, bình bầu danh hiệu sinh viên, Đoàn viên ưu tú… tất cả đều bị coi là chuyện hình thức, làm cho có lệ. Thông báo của trường, trừ những cái tối cần thiết, không nghe không được, những cái còn lại ai có nhu cầu nghe thì cứ nghe, không thì kệ xác bí thư, lớp trưởng tự bàn bạc với nhau hết. Thỉnh thoảng, thấy cán bộ lớp kéo nhau đi họp, cũng không ai buồn thắc mắc.

Chính sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của từng cá nhân trong lớp nên gặp nhiều việc, đáng ra phải tổ chức họp hành tử tế, BCS cũng “lờ luôn, tự quyết hết”. Dù có ý thức trách nhiệm cao đến mấy cũng không khỏi chán nản khi “vừa đụng đến chuyện họp hành một tí là mọi người gào lên: “Họp làm gì, bỏ qua đi. Rồi sau đó việc ai nấy làm, đứng, ngồi, xoay ngả nghiêng nói chuyện…” Ngọc, bí thư một lớp bức xúc.

Thờ ơ vói Đoàn hay thờ ơ với quyền lợi của chính mình?

Bạn coi bầu bán, họp hành chỉ là hình thức và thờ ơ với nó. Liệu nó có còn hình thức nữa hay không khi một ngày bạn nhận ra, chính BCS-BCH Đoàn đang thờ ơ với quyền lợi của lớp, của các bạn.

Khi ở trường đại học, vai trò của giáo viên chủ nhiệm gần như mờ nhạt, cán bộ lớp sẽ chính là những người liên quan trực tiếp đến quyền lợi của lớp, của các bạn trong tập thể lớn. Đến khi quyền lợi không được đáp ứng, lúc đó bạn mới thực sự cảm thấy tiếc vì đã trót thờ ơ.

Lan Anh