Khi boy mê... “đi thầy”

(Dân trí) - “Sao, hẹn phỏng vấn á? Em xem đã, mai em còn phải hỏi thầy, phỏng vấn thì nên đi giờ nào” - T, anh chàng vũ công từng có chút tiếng trong giới tuổi tuổi teen.... thật thà khi một phóng viên gọi điện hẹn phỏng vấn.

Suốt ngày “đi thầy”

Nhiều anh chàng bề ngoài luôn tỏ ra mình đầy bản lĩnh, sẽ tự quyết định được những việc trong cuộc sống. Nhưng thực tế, cũng không ít chàng phải lén la lén lút tìm đến “thầy” nhờ... chỉ dẫn “trò” phải làm gì.

Sinh năm 87, đường đường là sinh viên năm 3 Bách khoa nhưng Hải mê và tin bói toán một cách lạ kỳ. Việc tin tưởng vào các ông thầy bói của Hải bắt đầu từ hồi phổ thông, trước khi cậu thi đại học, khi nghe một thầy gần nhà phán: “Cậu này có số đỗ đại học nếu như biết thành tâm cúng lễ”.

Thì Hải vốn là học sinh giỏi nhưng cậu nhất quyết thử lần vì sợ... nhỡ đâu làm trái lời thầy lại chẳng trượt thẳng cẳng. Suốt ngày cúng bái, thế rồi Hải đỗ, cậu say luôn trò bói toán.

Vào đại học, nghe đồn ở đâu là Hải đạp xe tìm đến bằng được dù có cách cả trăm cây số. Còn quanh Hà Nội, thầy nào Hải cũng biết. Tính ra, mỗi tháng Hải đi thầy 2 lần, đầu tháng nhờ thầy chỉ bảo, già giữa tháng để báo... kết quả. Còn các dịp đặc biệt như thi cử, sinh nhật, đi du lịch... lại là khoản đi ngoài. Thậm chí trong tiền trợ cấp bố mẹ gửi Hải hàng tháng còn có khoản “tiền đi thầy”. Ai không biết lại tưởng cậu chạy điểm, thật ra khoản tiền cho... thầy bói.

Hải khoe: “Trung bình tháng mình chi hơn 200.000 đồng cho thầy. Đổi lại, việc gì, từ đi đứng, ăn uống đến thi cử, yêu đương đều có thầy chỉ dẫn. Thích nhất là ông thầy ở làng Triều Khúc, thiêng lắm”.

Chẳng kém Hải, một anh chàng tên T - đang là người có chút tiếng trong giới trẻ Hà Nội cũng mê tín chẳng kém một cô, một bà nào. Việc gì của T, từ đi đứng, trò chuyện, hẹn với ai đó nếu chưa hỏi được thầy, T nhất quyết không làm.

Ai hẹn mà gặp được T ngay là chuyện... trên trời vì T còn phải chờ hỏi thầy đã. Thân với một thầy ở Gia Lâm đến mức có việc gì chỉ cần bấm số... a lô cho thầy. Nhiều phóng viên cho các tờ báo tuổi teen, muốn phỏng vấn T cũng phải chờ đến năm lần bảy lượt. mới gặp được T. Thậm chí phải đợi đến vài thàng sau vì “Quý này em mà đi phỏng vấn là sẽ gặp chuyện không may, thầy phán rồi”.

Không nhiều bằng con gái nhưng tại những nơi bói toán lâu lâu lại xuất hiện bóng dáng các chàng trẻ tuổi. Khác với con gái, đến thầy phần lớn hỏi về đường tình duyên, công việc, tương lai các chàng lại có phần tỉ mỉ hơn nhiều lần từ chuyện thi cử, chuyển nhà, hẹn hò... đều nhờ thầy quyết hộ.
 
Hậu quả là...

Căn phòng trọ rộng chưa đến 10m2 của Hải, cái bàn thờ để cậu cúng vái hàng ngày đã chiếm mất một khoảng lớn ngay giữa phòng. Cứ vài hôm, trong phòng lại nghi ngút hương khói vì Hải đang làm... lễ. Mấy người bạn đến ở ghép cùng Hải cũng chỉ được vài hôm là cắp đồ đi vì không chịu được mùi hương khói nồng nặc, lại còn phải tuân thủ những quy định Hải đặt ra vì “làm trái sẽ gặp xui xẻo”.

Cũng vì quá mê tín, nên mọi người trong xóm trọ không ưa Hải. Ai đời, có lần một bạn trong xóm bị tai nạn, cả xóm trọ góp tiền đưa đi cấp cưu vẫn chẳng đủ, hỏi Hải thì cậu lắc đầu: “Tớ chỉ còn một trăm, hôm nay là ngày đi thầy”.

Nhiều sinh viên trong xóm trọ phản đối Hải sống ở đây, thế là chủ nhà đòi lại phòng. Hải phải vất va vất vưởng đi tìm nhà vì chẳng người bạn nào chịu cho Hải ở nhờ vì... sợ Hải cúng.

Còn T, có tài năng, cũng đã có chút tiếng nhưng rồi cậu vẫn “giậm chân tại chỗ”. Chỉ vì mê tín, mọi người lại tưởng cậu “mắc chứng bệnh của ngôi sao” khi mà gặp được cậu còn khó hơn gặp “ông Trời”.

Chưa hết, T sẽ ở nhà, nghỉ học, nghỉ tập nếu hôm đó cậu nhỡ bước chân trái ra khỏi cửa. Ra đường mà gặp bà hay cô nào, thì dù đã nhận sô diễn tiền triệu, T cũng bỏ. “Cái gì tránh được là phải tránh, không thì hối hận cả đời” - T nói.

Sau vài lần làm “vỡ” nhiều chương trình vì “thầy nói không nên đi”, gần như không người nào dám mời T nữa, cậu vắng bóng hẳn trên sâu khấu. Vậy mà, T vẫn tin tưởng: “Thầy phán rồi, con đường sự nghiệp của mình trước sau gì cũng thành công nên mình không phải cố gắng nhiều”.

Nực cười hơn, như Minh Tuấn, HV Ngân hàng... suýt mất mạng chỉ vì mê tín. Tuấn lắm bệnh, sức khoẻ yếu nhưng mấy lần đi bói, thầy đều phán: “Bệnh cậu chẳng phải chữa chạy làm gì, đây là bệnh “âm dương” giữa cậu và những người thân đã mất như ông, bà. Đây là bệnh lộc không phải ai cũng có, phải để tự nó khỏi”.

Sau đó khá lâu, Tuấn bị lên cơn đau bụng dữ dội, co thắt từng cơn... nhưng khi bạn bè đưa Tuấn đi viện, cậu nhất quyết không chịu, vì: “Không phải bệnh đâu, tháng sau giỗ bà tớ nên tớ... phát “lộc” thế thôi”.

Chỉ đến khi Tuấn bất tỉnh, mọi người mới đưa nổi Tuấn đi cấp cứu. Tuấn bị viêm ruột thừa, phải mổ, theo lời bác sĩ nếu chậm tý nữa thì khó mà qua khỏi.

Chăm sóc Tuấn đến khi ra viện, cô bạn gái, yêu nhau đã hai năm cũng nói lời chia tay vì thấy... rờn rờn kẻ mê tín như Tuấn. Đến lúc này, Tuấn mới mở to mắt: “Cũng vì tin thầy quá giờ mình ra nỗi này”.

“Con gái đi xem bói nhiều lúc còn là giải khuây để bớt căng thẳng. Còn con trai xuất hiện ở những nơi bói toán, đích thị là kẻ mê tín. Phải tránh thật xa” - Mai, cô sinh viên trường Luật bộc bạch.

Hoài Nam