Học sinh Hà Nội lần đầu "ngắm" phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân

(Dân trí) - Sáng 6/11 vừa qua, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội đã tổ chức chương trình HUS Open Day 2016 nhằm mang đến cho các em học sinh phổ thông những trải nghiệm thú vị, thiết thực nhất về khoa học cơ bản và khoa học tự nhiên.

HUS Open Day 2016 là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi dự án cộng đồng của Trường nhằm nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh về các khối ngành khoa học cơ bản, góp phần định hướng cho các bạn học sinh ước mơ theo đuổi niềm đam mê khoa học.

Ngày hội Open Day là tạo diễn đàn để các giảng viên, các nhà khoa học của Trường giới thiệu với các em học sinh về Khoa học tự nhiên, Toán học, Tin học, Vật lý học, Hóa học, Sinh học..., thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn học sinh bậc THPT tại Hà Nội.


Các em học sinh được tận mắt chứng kiến những thí nghiệm khoa học thực thụ, điều mà những sinh viên của ĐH Khoa học Tự nhiên thực hiện hàng ngày

Các em học sinh được tận mắt chứng kiến những thí nghiệm khoa học thực thụ, điều mà những sinh viên của ĐH Khoa học Tự nhiên thực hiện hàng ngày

Các em được tham gia các “tour du lịch” tham quan các phòng thí nghiệm, bảo tàng, các thành tựu công nghệ; được tận mắt quan sát một số thí nghiệm hóa học, sinh học; được trải nghiệm một số hoạt động nghiên cứu và học tập thường ngày của sinh viên tại ngôi trường giàu truyền thống này.

Mặc dù đã tìm hiểu qua sách báo và mạng internet, nhưng trên khuôn mặt của mỗi học sinh đều hiện rõ sự bất ngờ trước hệ thống cơ sở vật chất hiện đại của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Để trải nghiệm như một sinh viên thực thụ, các bạn học sinh còn được tham gia lớp học thực tế với những giờ giảng trực quan sinh động cùng hệ thống hỗ trợ bài giảng tiên tiến và phòng học tiện nghi, hiện đại.


Các bạn sinh viên và học sinh thăm quan phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân

Các bạn sinh viên và học sinh thăm quan phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân


Quan sát máy gia tốc tĩnh điện Tandem, Pelletron 5SDH-2 - “trái tim” của nghiên cứu ứng dụng của Vật lý và công nghệ hạt nhân của trường ĐH Khoa học Tự nhiên

Quan sát máy gia tốc tĩnh điện Tandem, Pelletron 5SDH-2 - “trái tim” của nghiên cứu ứng dụng của Vật lý và công nghệ hạt nhân của trường ĐH Khoa học Tự nhiên

Tại phòng thí nghiệm Vật lý hạt nhân, nơi được trang bị các thiết bị phục vụ cho việc nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và phân tích trong lĩnh vực hạt nhân, các em học sinh đã được lần đầu tiên quan sát những thiết bị chuyên ngành như máy gia tốc phục vụ nghiên cứu Vật lý Hạt nhân và nghe các thầy giáo phân tích cơ chế hoạt động của máy. Đây là hệ thống máy hiện đại, lần đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam.

Máy gia tốc này đồng bộ với các thiết bị có sẵn của trường để tạo nên một hệ thống trang thiết bị khoa học hiện đại, thực hiện được các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, thông qua đó đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân. Trường ĐH KHTN là một trong ba trường Đại học được giao triển khai đề án đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân, tuy nhiên đề án này hiện đang chờ chính phủ ra quyết định cuối cùng. Trường ĐH KHTN đã chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên để thực hiện đề án nếu được Chính phủ chính thức giao cho.


Tham quan phòng tin học

Tham quan phòng tin học

Ngoài ra, các em học sinh còn được quan sát máy đo hạt nhân phóng xạ, thực hiện phân tích hàm lượng các nguyên tố trong các mẫu như thực phẩm, đất, nước, phin lọc không khí... Các em cũng được quan sát lò phản ứng hạt nhân và các diễn biến trong lò phản ứng khi được đi thực tập tại lò phản ứng hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt.

Khi đến với Phòng Thí nghiệm của Trung tâm nghiên cứu Khoa học sự sống, các em học sinh yêu thích sinh học đã được tham quan những công trình Nuôi cấy tế bào động vật, hệ thống nuôi cấy tế bào và vi tảo vô trùng, công trình nghiên cứu Pin nhiên liệu VSV để giảm bớt khí thải ra môi trường... Đây là những nghiên cứu khoa học rất thiết thực với đời sống hiện nay.

Sau một ngày tham quan cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm, bảo tàng,… các em học sinh đã có trải nghiệm ấn tượng về trường, từ đó khơi gợi trong các em niềm đam mê khoa học, yêu thích các ngành Khoa học Tự nhiên, giúp định hướng rõ ràng về tương lai và hình thành động lực để cố gắng hết mình trong kì thi tuyển sinh Đại học vào đầu mùa hè năm sau.


Quan sát tiêu bản động vật trong phòng triển lãm và lưu trữ

Quan sát tiêu bản động vật trong phòng triển lãm và lưu trữ


Chăm chú lắng nghe những kiến thức về các loại đá, đất – những mẫu vật thuộc ngành học Địa chất học

Chăm chú lắng nghe những kiến thức về các loại đá, đất – những mẫu vật thuộc ngành học Địa chất học

Hồng Minh