Giải quyết ra sao vấn đề thanh niên dân tộc thiểu số không học quá lớp 6?

(Dân trí) - “Tôi đang sống ở một nơi mà hầu hết thanh niên không học quá lớp 6, không nhà tắm, không nhà vệ sinh. Vậy lối thoát nào cho các bạn?”, chị Mai Huyên (Lâm Đồng) đặt câu hỏi tại "Thanh niên Việt Nam sống đẹp, sống có ích" trong khuôn khổ Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Giải quyết ra sao vấn đề thanh niên dân tộc thiểu số không học quá lớp 6? - 1

Diễn đàn "Thanh niên Việt Nam sống đẹp, sống có ích" diễn ra trong khuôn khổ Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 8

Chiều ngày 11/12, Diễn đàn "Thanh niên Việt Nam sống đẹp, sống có ích" diễn ra trong khuôn khổ Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ 8 (nhiệm kỳ 2019- 2024).

Diễn đàn thảo luận về: thực trạng công tác giáo dục đạo đức, văn hóa, chấp hành pháp luật của thanh niên hiện nay và vai trò của các cấp bộ Hội; giới thiệu các tấm gương thanh niên có việc làm, có hành động và sống đẹp, tương thân tương ái trong xã hội; giải pháp để phát huy các tấm gương thanh niên, các hành động đẹp của thanh niên và làm thế nào để chăm lo tốt hơn cho đối tượng thanh niên yếu thế trong xã hội; giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong công tác Hội ở các cấp cơ sở để góp phần tạo nên thế hệ thanh niên sống đẹp trong xã hội.

Mở màn Diễn đàn, Đại đức Thích Trúc Tiếp (Thái Nguyên) có ý kiến: “Chúng tôi là những chức sắc tôn giáo nhưng rất mong được đóng góp cho đất nước, cho thanh niên Việt Nam.

Tôi cũng đã quan sát trong những ngày tham gia Diễn đàn và tôi tin rằng không có ai tại đây có lí lịch xấu cả. Vì vậy tôi thiết nghĩ tại sao chúng ta không động viên một số đã lỡ vi phạm pháp luật hoặc là nghiện ma túy chẳng hạn nhưng đã hoàn lương, cai nghiện… để tham gia Đại hội, để nói lên tiếng nói của họ.

Chúng tôi muốn nói rằng diễn đàn thanh niên cần có những tấm gương thanh niên hoàn lương, những người sống đẹp, sống có ích để có được kinh nghiệm và hiểu hơn về công tác xã hội”.

Giải quyết ra sao vấn đề thanh niên dân tộc thiểu số không học quá lớp 6? - 2

Anh Lê Văn Tuấn (Nghệ An) sinh ra là con người bình thường nhưng do tai nạn mất đi đôi tay của mình. Anh luôn cố gắng sống có ích, không trở thành gánh nặng của cộng đồng.

Tiếp nối Diễn đàn, anh Lê Văn Tuấn (Nghệ An) sinh ra là con người bình thường nhưng do tai nạn mất đi đôi tay của mình. Anh luôn cố gắng sống có ích, không trở thành gánh nặng của cộng đồng.

Trong quá trình vươn lên, anh đã được Hội LHTN đồng hành, giúp đỡ từ khi còn ở trong bệnh viện cho tới nay. Đối với anh đó là tình cảm và sự động viên rất lớn.

Anh kể: “Sinh hoạt trong cuộc sống của tôi rất khó khăn, tôi đã phải học làm mọi thứ từ đầu. Sau này tôi đi học công nghệ thông tin, tự mở cho mình một cửa hàng và có các nhân viên cùng làm công việc buôn bán, sửa chữa thiết bị điện tử.

“Tôi mong muốn những người yếu thế, khuyết tật như mình được quan tâm nhiều hơn và được động viên, tạo cầu nối việc làm, giao lưu học tập để cùng hỗ trợ nhau có cuộc sống tốt đẹp hơn, làm đẹp hình ảnh của người khuyết tật trong con mắt xã hội", anh Tuấn bày tỏ.

Đại biểu Ma Hiêng (dân tộc Cơ Ho, Chủ tịch Hội LHTN VN trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ rằng cô sinh ra và lớn lên tại một buôn làng tại tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, các bạn trẻ đa phần chỉ học tới lớp 5, lớp 6 là nghì học, người nào học cao thì học hết lớp 7.

Một số người vươn lên đi học đại học nhưng sau đó lại quay lại làm nông. Từ đó những người khác nhìn vào đó và nói rằng “Tại sao phải học đại học trong khi không có gì thay đổi”.

Vòng luẩn quẩn không học hành, không công nghệ dẫn tới nhiều thanh niên phá rừng, buôn lậu, vi phạm pháp luật… tạo ra rất nhiều hệ lụy trong xã hội.

“Tôi đang sống ở một nơi mà hầu hết thanh niên không học quá lớp 6, không nhà tắm, không nhà vệ sinh. Vậy lối thoát nào cho các bạn?”, chị Mai Huyên đặt câu hỏi.

Đại biểu Phan Thị Hoàng Yến (Quảng Trị): Thanh niên là đối tượng vi phạm pháp luật nhiều, nhưng việc tuyên truyền giáo dục thanh niên hiện nay cần nhiều hình thức mới mẻ, hấp dẫn hơn để phù hợp với tâm lý và nhu cầu của thanh niên hiện đại.

Hiện tại địa phương chúng tôi có nhiều hoạt động tuyên truyền sáng tạo, đổi mới liên tục để thu hút thanh niên tham gia".

Đại biểu Hồ Đình Trí (Phó Bí thư Đoàn thanh niên Công an TP. Đà Nẵng) nói về việc tổ chức Hội LHTN giúp đỡ các bạn thanh niên vi phạm pháp luật hòa nhập vào cuộc sống.

“Tất cả chúng ta phải có trách nhiệm giúp đỡ những thanh niên ấy hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành án, đặc biệt là các tổ chức đoàn, hội. Qua thực tế tôi thấy rằng vai trò của Đoàn thanh niên đối với những thanh thiếu niên phạm pháp là rất cao”,  

Anh Trí đề xuất rằng Hội LHTN cần phải tuyên dương những người có đóng góp, giúp đỡ cho những người vi phạm pháp luật hòa nhập cộng đồng, đồng thời tuyên dương những tấm gương biết sửa sai, sống có ích.

Mai Châm