Dự án chống lãng phí thức ăn ở Việt Nam

(Dân trí) - Tình trạng thức ăn bị lãng phí, bị bỏ thừa tại các bữa ăn, bữa tiệc là hình ảnh dễ bắt gặp tại ngay các gia đình, háng quán… ở Việt Nam.

Ngày 10/7, dự án “Ngừng lãng phí thức ăn” (Tên tiếng Anh: Stop Wasting Food) được phát động tại TPHCM với mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về tính nghiêm trọng của việc lãng phí thức ăn.

Dự án do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển cùng Phong trào toàn cầu về Biến đổi khí hậu 350.org Việt Nam thực hiện. Đây là một chương trình dài hạn kéo dài khoảng 3 năm với nhiều giai đoạn, kêu gọi cộng đồng giảm lãng phí thực phẩm và các nguồn tài nguyên.

Sự lãng phí thực phẩm có thể dễ dàng nhìn thấy khắp các bàn ăn ở Việt Nam
Sự lãng phí thực phẩm có thể dễ dàng nhìn thấy khắp các bàn ăn ở Việt Nam

Nhiều hoạt động thuộc dự án như truyền thông cộng đồng trên mạng xã hội, vận động các nhà hàng khách sạn cùng tham gia khuyến khích thực khách cùng thay đổi hành vi, kêu gọi các nghệ sĩ nổi tiếng trở thành các đại sứ thiện chí, áp dụng các mô hình hạn chế lãng phí thức ăn hiệu quả, cung cấp các bữa ăn cho trẻ em đói nghèo và từ đó hỗ trợ cho nhà nước có những chính sách thiết thực hạn chế vấn nạn lãng phí này

Dự án được động bằng chiến dịch trên mạng xã hội mang tên “Ăn hết rồi” - chiến dịch về chủ đề lãng phí thức ăn quy mô đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam với hai đại sức là ca sĩ Hà Okio và Thảo Trang.

Ngoài ra, dự kiến chương trình sẽ kết hợp với 30 nhà hàng trên địa bàn TPHCM để xây dựng quỹ “2000 bữa ăn cho trẻ em nghèo” tại các mái ấm, các tổ chức từ thiện hoặc bệnh viên tại địa bàn thành phố. Đồng thời tạo ra một trào lưu thay đổi hành vi lãng phí thức ăn, chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa bởi cộng đồng mạng xã hội.

Ca sĩ Hà Okio và Thảo Trang trong bộ ảnh chiến dịch kêu gọi ngừng lãng phí thức ăn
Ca sĩ Hà Okio và Thảo Trang trong bộ ảnh chiến dịch kêu gọi ngừng lãng phí thức ăn

Theo báo cáo “Global Food: Waste not, want not” của Viện nghiên cứu Cơ khí Luân Đôn, lãng phí thực phẩm là vấn nạn mà cả thế giới đang quan tâm. Bởi vì thức ăn thừa không chỉ là một trong những nguyên nhân gây phát thải khí nhà kính, gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu mà còn là sự lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gián tiếp ảnh hưởng đển da dạng sinh học.

Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, ở bất cứ nhà hàng, quán ăn, một buổi tiệc lớn hay một bữa ăn nhỏ ngay tại gia đình, cũng dễ dàng bắt gặp cảnh tượng thức ăn thừa bị bỏ đi. Trong khi thực trạng là nguồn lương thực thực phẩm vẫn đang mất mát bắt nguồn từ tình trạng yếu kém của hạ tầng, kỹ thuật trong sản xuất và đóng gói.

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố báo cáo “Tổn thất và lãng phí thực phẩm toàn cầu”, trong đó cho biết hằng năm khoảng 30% lượng thực phẩm toàn cầu, tương đương 1,3 tỉ tấn, đã bị ném vào thùng rác. Số thực phẩm bị lãng phí này đủ để nuôi sống ước khoảng 830 triệu người nghèo trên toàn thế giới.

Hoài Nam