Công thức không thể “copy” dẫn lối thành công cho bạn trẻ

(Dân trí) - CEO 8X Nguyễn Hải Ninh (Forbes Top 30 Under 30 năm 2016) “bật mí” bí quyết dẫn đến thành công và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khát khao khởi nghiệp trong ngành dịch vụ ăn uống (Food & Beverage).

Tối 9/12, Tọa đàm “Headstart #1: Marketing in F&B Serive” (Tiền thân là chương trình Tọa đàm Tự tin nghề Marketing) do CLB Marketing - Đại học Ngoại thương tổ chức diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của những diễn giả đầu ngành trong lĩnh vực Food & Beverage (F&B).

Tọa đàm cung cấp bức tranh tổng quan, chiến lược Marketing cơ bản, những vấn đề nảy sinh thực tế và cơ hội nghề nghiệp trong ngành dịch vụ ăn uống cho các bạn trẻ đam mê Marketing nói chung và đặc biệt là có ý định khởi nghiệp về F&B.


Ba diễn giả định hướng và truyền cảm hứng cho bạn trẻ muốn theo đuổi ngành F&B ở Việt Nam.

Ba diễn giả định hướng và truyền cảm hứng cho bạn trẻ muốn theo đuổi ngành F&B ở Việt Nam.

Câu chuyện đôi giày giảm giá 30%

Vốn là ngành dịch vụ có liên quan vô cùng mật thiết tới nhu cầu và cuộc sống của con người, 3 diễn giả đầu ngành góp mặt tại tòa đàm đều khẳng định, thị trường F&B ở Việt Nam đầy tiềm năng và đang ở thời điểm “huy hoàng” nhất khi Việt Nam đang ở giai đoạn dân số trẻ. Do đó, đây là mảnh đất hấp dẫn để khởi nghiệp nhưng cũng đầy thách thức và cạnh tranh cực cao.

Tốt nghiệp Khoa Hóa Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM năm 2010 nhưng với niềm đam mê và sự nhạy bén trong thị trường F&B Việt Nam, Nguyễn Hải Ninh đã “tay trắng dựng nên cơ đồ”.

Bốn năm sau, chàng trai 8X góp sức xây dựng thành công chuỗi cửa hàng cà phê Urban Station gây tiếng vang trong giới trẻ. Sau cuộc chia tay với vai trò quản trị ở chuỗi này, anh tiếp tục theo đuổi giấc mơ với chuỗi cửa hàng cà phê The Coffee House (19 cửa hàng).

Cùng một con người, gắn liền với 2 chuỗi cà phê tên tuổi của Việt Nam, Nguyễn Hải Ninh đã được vinh danh là 1 trong 30 người trẻ nổi bật nhất Việt Nam năm 2016 (Danh sách top 30 under 30 do Forbes bình chọn).

Chia sẻ về bí quyết gây dựng thương hiệu của mình, CEO trẻ Nguyễn Hải Ninh khuyên các bạn trẻ không nên sợ hãi, không nên lo lắng mình ít tiền, ít kinh nghiệm.

Để gây dựng chuỗi cà phê hút khách với 20 cửa hàng, anh Hải đã bắt đầu từ một cửa hàng. Do đó theo anh, bạn trẻ không nhất thiết phải có nhiều tiền để thành công. Chìa khóa để đứng vững trên thị trường của ông chủ 8X chính là mang lại giá trị, hạnh phúc cho người tiêu dùng.


Anh Nguyễn Hải Ninh Forbes Top 30 Under 30 năm 2016 và những chia sẻ tâm huyết về bí quyết “chiếm lĩnh” trái tim khách hàng.

Anh Nguyễn Hải Ninh Forbes Top 30 Under 30 năm 2016 và những chia sẻ tâm huyết về bí quyết “chiếm lĩnh” trái tim khách hàng.

Bỏ qua các công thức trong Marketing, anh Nguyễn Hải Ninh đem đến các bạn trẻ một cái nhìn giản dị, thấm thía về cốt lõi để được khách hàng lựa chọn của ngành dịch vụ ăn uống.

Anh Hải kể câu chuyện khi sang Mỹ, anh hào hứng đến một thương hiệu giày nổi tiếng để mua đôi giày trong đợt giảm giá 30%. Đáng tiếc, cửa hàng đã bán sạch veo không còn đôi nào. Định ra về nhưng nhân viên cửa hàng đã giữ anh lại, họ nhanh chóng chạy sang cửa hàng đối thủ mua một đôi giày giống hệt (với giá nguyên mác không giảm) để về bán cho anh với mức giảm 30%. Cửa hàng đã chịu lỗ 30% để mang đến hạnh phúc cho vị khách hàng đang cần mua.

Từ câu chuyện này, anh Ninh đã chỉ rõ cho các bạn trẻ thấy, cửa hàng sẵn sàng bù lỗ vì sự hài lòng của một khách hàng. Và vị khách đó sẽ sẵn sàng mang câu chuyện tuyệt vời để lan truyền đến tất cả mọi người. Nghiễm nhiên, cửa hàng đã có một tình huống ứng xử thông minh và nhân văn. Họ có cơ hội được quảng cáo sản phẩm, chất lượng dịch vụ một cách cực kì thuyết phục từ chính khách hàng.

Anh Hải Ninh cho rằng: “Việt Nam không thiếu nhà hàng, không thiếu chuỗi cà phê… Cái chúng ta thiếu chính là những câu chuyện khác biệt, thiếu dịch vụ làm tất cả vì sự hài lòng và hạnh phúc của khác hàng”.

Làm vì hạnh phúc khách hàng cũng chính là triết lý cốt lõi, không thay đổi của CEO 8X và theo anh, đó cũng là công thức thành công trong ngành F&B mà các đối thủ khác không dễ gì “sao chép”.

Bạn xây một cửa hàng rất đẹp, ngày hôm sau người khác có thể sao chép thiết kế hay trang trí hệt cửa hàng của bạn; bạn ra một loại đồ uống mới, công thức của nó cũng có thể bị đối thủ cạnh tranh tìm cách copy không lâu sau đó… Nhưng duy nhất một thứ không thể coppy được đó chính là cửa hàng của bạn, nhân viên của bạn. Các bạn đi làm không phải chỉ vì đồng tiền mà đi làm vì mong muốn được mang lại hạnh phúc cho mọi người”, CEO Nguyễn Hải Ninh “bật mí”.

Và để triển khai triết lí ấy trong chuỗi cửa hàng của mình, theo CEO 8X, công ty trước tiên phải có chế độ đãi ngộ tốt với nhân viên, chăm sóc và mang lại hạnh phúc cho nhân viên trước khi muốn họ mang lại hạnh phúc cho khách hàng.

“Làm sản phẩm bằng toàn bộ trái tim, làm với tâm thế mang lại hạnh phúc cho người khác thì sẽ thành công mà thậm chí không cần Marketing”, anh Ninh nhấn mạnh.


Các bạn trẻ hào hứng đặt câu hỏi về ngành F&B nói riêng và Marketing nói chung.

Các bạn trẻ hào hứng đặt câu hỏi về ngành F&B nói riêng và Marketing nói chung.

“Mình thích thì mình làm thôi”

Trả lời câu hỏi của các bạn trẻ tại tòa đàm rằng, người trái ngành hoặc không được đào tạo về Marketing muốn theo đuổi ngành thì bắt đầu từ đâu?

Chị Phạm Ngọc Hạnh, quản lý Marketing khối Hotpot thương hiệu Golden Gate Group, các thương hiệu F&B thành công ở Việt Nam chia sẻ rằng, bản thân chị cũng không được đào tạo Marketing trong nhà trường. Tốt nghiệp Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng cơ duyên đã đưa nữ diễn giả này đến với Marketing.

Chị Hạnh nhận định: “Không ai được đào tạo ra làm Marketing của ngành gì cả, đó là điều chắc chắn. Marketing được đào tạo bài bản đã khó rồi và F&B thì càng không, cho đến thời điểm này. Thế nên, mình thích thì mình làm thôi. Các em phải thích nó trước, thích rồi làm.

Thay vì sợ mình có hợp với nó không, làm có được không thì hãy bắt tay vào làm. Thử và sai, thử và sai… rồi các em sẽ tìm thấy ngành mình yêu thích và phù hợp nhất”.

Anh Hoàng Tùng (sáng lập và điều hạnh thương hiệu Pizza Home, đồng sáng lập COO Coffee Bike) khuyên các bạn trẻ chỉ nên theo đuổi ngành F&B chừng nào các em thích công việc “chăm lo từng tí một, phục vụ người khác”.

Lệ Thu (ghi)