"Con đang trên sân thượng, và con sẽ nhảy xuống!"

(Dân trí) - "Có hôm, 3 giờ sáng, cháu gọi điện và nói: "Mẹ ơi, con ở trên nóc nhà và bây giờ con sẽ nhảy xuống",  PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa kể lại chuyện về chính con trai mình.

Vấn đề trầm cảm ở người trẻ được đề cập tại buổi chia sẻ ra mắt cuốn sách "Có một cơn đau mang tên trầm cảm" vừa diễn ra tại TPHCM. 

Con gái bỏ học thạc sĩ ở Anh vì trầm cảm, mẹ tuyệt vọng

Tại buổi nói chuyện, một người mẹ đau khổ kể, con gái bà 23 tuổi, bị trầm cảm 3 năm nay. Cháu phải bỏ dở việc học thạc sĩ ở Anh trở về nước. Cháu đã trải qua rất nhiều bác sĩ tâm lý ở TPHCM và điều trị với cả bác sĩ ở nước ngoài. 

Hàng ngày, cháu vẫn đi làm, ăn diện, mua sắm, chăm sóc bản thân... nhưng chính cháu nói với mẹ "con không ổn".

Người mẹ cũng nói thêm, mình có một người cháu, bỏ ngang ĐH ở một ngành cháu không yêu thích, phải điều trị ở bệnh viện tâm thần. Cô cháu gái khác, đã có người yêu nhưng nhiều lần có ý định tự vẫn.

Bà tự hỏi, những người trẻ luôn có ý định tử tự như vậy, rồi khi lấy chồng, sinh con... trước những biến cố làm sao vượt qua được?  

"Trầm cảm có chữa được hẳn không? Có bác sĩ nước ngoài nào giỏi, hãy giới thiệu giúp tôi, tôi sẽ tìm bằng được", người mẹ trút nỗi lòng. 

Con đang trên sân thượng, và con sẽ nhảy xuống! - 1

Cái chết của ca sĩ trẻ Sulli là lời cảnh báo về trầm cảm ở người trẻ

Hơn 150 người trong căn phòng nhỏ, ai cũng mang theo những câu chuyện của chính mình, nhất là của con mình - nhiều đứa trẻ bề ngoài rất tưởng như rất thành công, giỏi giang - nhưng đang phải vật vã với trầm cảm. 

Nhiều người phải sống trong nỗi lo sợ, bố mẹ sợ con tự vẫn, chồng sợ vợ tự vẫn hay là sợ bạn bè mình tìm đến cái chết. 

Nhiều bạn trẻ thành tích rất giỏi nhưng đánh giá mình rất thấp 

Tác giả cuốn sách PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, nguyên Giám đốc Trung tâm ứng dụng và thực nghiệm Tâm lý học, Viện Tâm lý học Việt Nam đã kể hành trình sống chung với bệnh trầm cảm của con trai mình.

Cháu là một thanh niên tự lập, giỏi giang, học ở nước ngoài và phải chống chọi với bệnh trầm cảm. 

 "Có hôm, 3 giờ sáng, cháu gọi điện và nói: "Mẹ ơi, con ở trên nóc nhà và bây giờ con sẽ nhảy xuống". Lúc đó tôi cũng chỉ biết hỏi chuyện để câu giờ và may thay, con nói có một người bạn cùng phòng lên sân thượng nên bây giờ... con sẽ đi xuống", bà Hoa kể. 

Con đang trên sân thượng, và con sẽ nhảy xuống! - 2

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa chia sẻ về thông tin về trầm cảm từ hành trình sống chung với bệnh trầm cảm của con trai 

Bà cũng từng sốc khi con từng đề nghị, bố mẹ trói tay chân mình lại để con khỏi làm mình đau, khỏi phá đồ đạc... 

Khi những vụ tự tử vì trầm cảm xuất hiện, từ một số ca sĩ, đầu bếp nổi tiếng rồi đến các em học sinh và danh sách cứ kéo dài mãi, bà Hoa thấy mình có trách nhiệm chia sẻ phần nào về căn bệnh này. 

Trên hành trình này, bà biết nhiều bạn trẻ, rất nhiều thành tích, rất nhiều bằng khen nhưng tự bản thân đánh giá mình rất là thấp, tự cho mình là vô tích sự. 

TS Lê Nguyên Phương, giảng viên chương trình cao học bộ môn Tâm lý học đường tại ĐH Chapman (Mỹ) cho biết, trầm cảm phổ biến ở các quốc gia, có thể chiếm 10 - 25% dân số. Nguy hại của nó làm mất khả năng học tập, làm việc nó có thể dẫn đến hành vi nguy hiểm như tự sát. 

Các chuyên gia cho rằng, có khi chúng ta phải sống chung với trầm cảm, hiểu đúng về trầm cảm và tìm cách kiểm soát nó một cách tích cực.

Con đang trên sân thượng, và con sẽ nhảy xuống! - 3

TS Phương Hoa bày tỏ, để giúp người thân, con cái chống chọi với bệnh trầm cảm thì trước hết chính chúng ta phải khỏe mạnh. 

Với các bạn trầm cảm, nếu có thể hãy nói ra hoặc viết ra những lo sợ của mình. Đối với người xung quanh, hãy bật đèn xanh để họ thấy mình sẵn sàng lắng nghe tích cực, không phán xét. Bà khuyến cáo đừng để người trầm cảm rơi vào cảm giác cô độc. 

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa đưa ra hai lời khuyên với các bạn trẻ là hãy tích cực rèn luyện thể chất và hãy tìm cho mình những công việc mà bạn hứng thú, yêu thích.  

Con đang trên sân thượng, và con sẽ nhảy xuống! - 4

Đặc biệt, đừng tự chuẩn đoán cho mình, hay cho người thân của mình bị trầm cảm. Phải có bác sĩ, chuyên giá đánh giá và có bệnh thì chắc chắn phải điều trị. Và liều thuốc quan trọng, theo bà Hoa chính là lòng yêu thương và sự kiên nhẫn của người thân. 

Buổi trao đổi kéo dài đến gần 12 giờ trưa, không một ai đứng dậy về trước. Các chuyên gia phải nói, nếu hỏi, sẽ không bao giờ hết... Và đó cũng là một lời cảnh báo đến mọi người, cần thật sự quan tâm đến sức khỏe của mình, của người thân, đến căn bệnh trầm cảm. 

Hoài Nam