Có nên theo gương Bill Gates bỏ học để theo đuổi đam mê?

(Dân trí) - Ngày 18/12 vừa qua, chương trình định hướng nghề nghiệp dành cho học sinh, sinh viên Hà Nội diễn ra sôi nổi trước những chia sẻ hóm hỉnh và không kém phần thú vị của các khách mời tài năng.

Các khách mời Nguyễn Phi Phi Anh (tác giả 2 vở nhạc kịch Đêm hè sau cuối và Góc phố danh vọng), nhà báo Trần Lệ Thùy (từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí, trong đó có Giải thưởng báo chí châu Á đang phát triển, từng được học bổng Fulbright hệ thạc sĩ ĐH Oxford) và Trần Quang Tùng - sáng lập viên kiêm giám đốc sáng tạo một công ty thiết kế, đã có những chia sẻ rất cởi mở với học sinh, sinh viên Hà Nội trong chương trình định hướng nghề nghiệp “Finding Yourself – Tìm lại chính mình” hôm 18/12 vừa qua.

Đây là sự kiện mở màn trong chuỗi hội thảo định hướng nghề nghiệp cho người trẻ Hà Nội mang tên Career Circle. Từ câu chuyện thực tế của bản thân, các khách mời đã mang lại cho các bạn nhiều bài học, giá trị đầy thiết thực, bổ ích trong việc định hướng nghề nghiệp.


MC cùng 3 vị khách mời Phi Phi Anh, Trần Lệ Thùy và Quang Tùng (từ trái qua phải)

MC cùng 3 vị khách mời Phi Phi Anh, Trần Lệ Thùy và Quang Tùng (từ trái qua phải)

Nghề chọn mình hay mình chọn nghề?

Ngày bé, nhà báo Lệ Thùy rất thích vẽ và viết lách nên khá đắn đo giữa hai sở thích này. Tuy nhiên, thời điểm thi đại học, chị đã chọn Học viện Báo chí và Tuyên truyền với định hướng trở thành một nhà báo giỏi.

Với lựa chọn này, chị Thùy đã gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu tiên bước vào nghề. Thời điểm chị ra trường, mặc dù thực tập tốt nhưng vẫn bị từ chối vì không có chỉ tiêu nhận phóng viên nữ. Không ít cơ quan báo chí còn yêu cầu ngoại hình phóng viên nữ trên 1m60 và ưa nhìn.

Tình cờ, chị Thùy được người bạn giới thiệu vào một tờ báo tiếng Anh lĩnh vực kinh tế, được nước ngoài đầu tư. Công việc của chị là gọi điện mỗi ngày để kiểm tra số điện thoại và địa chỉ của nhà hàng khách sạn tại Việt Nam. Chị làm rất tỉ mỉ nhưng sau 3 tháng vẫn bị cho thôi việc. Có gợi ý cho vị trí thủ thư, nhưng chị đã dứt khoát từ chối.

Hai tháng sau, khi quay lại tòa soạn để nhận một số giấy tờ, chị lại được tổng biên tập giữ lại làm việc. Chị cho biết: “Chị thấy rằng, để đạt được cái gì, cũng đều có trả giá. Kể từ khi quay lại làm việc, chị theo chân sếp đi phỏng vấn. Bài đầu tiên phỏng vấn người nước ngoài, chị được giao bóc băng ghi âm, nhưng đã thất bại vì khả năng nghe không tốt. Chị đã luyện nghe liên tục qua băng catxet”.

Cũng như vậy, trong kỳ tập huấn nước ngoài, chị giành nhiều thời gian luyện khả năng tốc ký. Đó đều là những kỹ năng đó giúp chị rất nhiều sau này để làm nghề được tốt. “Mình phải chọn nghề, và say mê với nó, nếu không cuộc đời sẽ rẽ qua một bước ngoặt khác. Đó là lý do chị đã dứt khoát từ chối vụ thủ thư, và chỉ nhất quyết làm báo mà thôi”, chị chia sẻ.

Cũng giống như quan điểm của chị Thùy, đạo diễn trẻ Phi Anh cho rằng mình hãy cứ chọn nghề, nếu chọn sai, thì sẽ chọn lại cái khác. “Cũng không nên đặt câu hỏi này vì nó khiến chúng ta mất đi tính chủ động trong cuộc đời. Nếu mình luôn xông ra để chọn thì tự tin với nó. Mình chọn nghề gì, tức là bản thân thích nó. Và khi mình thích, thì những trải nghiệm nó mang lại dù là thất bại cũng đều quý cả”.

Phi Anh kể, hồi bé cậu thường nghe mọi người nói rằng làm lãnh đạo phải có duyên, ăn to nói lớn… Phi Anh tự nhận thấy mình không có những thứ đó, nhưng không hề dẹp bỏ ước mơ của mình, mà vẫn trở thành một đạo diễn. “Nếu từ bé mình cũng chấp nhận suy nghĩ như vậy, thì mình đã không làm được cái gì cả”, Phi Anh khẳng định.

Vì là người quản trị doanh nghiệp và con đường trải nghiệm khác nhiều với chị Thùy và Phi Anh, Quang Tùng cảm thấy người vừa chọn nghề và nghề cũng chọn người. Trước đây, khi còn làm thực tập cho một công ty quảng cáo, anh Tùng cảm thấy công việc đồ họa thật chán và bỏ sau 4 tháng không lương. Nhưng cuối cùng, khi mở công ty, anh lại liên quan mật thiết với nghiệp thiết kế.

“Anh không xác định một nghề cụ thể để mình theo đuổi lúc đầu. Anh quản trị doanh nghiệp nên anh lựa chọn học hỏi và làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau: tài chính kế toán, thiết kế sáng tạo… Anh đam mê tất cả mọi thứ đó, và biến chúng thành nghề của mình thôi. Do đó, cả hai yếu tố đó đều đúng trong trải nghiệm cá nhân của anh”, anh Tùng bộc bạch.


Các vị khách mời đều cho rằng việc học là cần thiết. Và đừng kêu ca rằng môi trường học không đủ hay lạc hậu, bởi vì khi chúng ta muốn, có thể học được bằng nhiều cách.

Các vị khách mời đều cho rằng việc học là cần thiết. Và đừng kêu ca rằng môi trường học không đủ hay lạc hậu, bởi vì khi chúng ta muốn, có thể học được bằng nhiều cách.

“Có nên bỏ học để theo đuổi đam mê không?”

Trước góc độ học vấn, chị Thùy không cổ vũ việc bỏ học của nhiều bạn sinh viên hiện nay. “Nhiều bạn nói với chị rằng, không cần học ở trường vẫn đi làm được. Nhưng trường đại học là môi trường giúp cho các em nạp kiến thức. Khi các em có kiến thức nền đủ tốt thì sẽ đi được xa hơn”.

Theo chị, Bill Gates bỏ học, là trường hợp ngoại lệ và các bạn sinh viên Việt Nam đừng bắt chước theo, vì đã vào được ĐH Havard nghĩa là tư duy, kiến thức của người đó đã hơn nhiều bạn trẻ bình thường.

“Việc học là việc cả đời. Chị học thêm cả infographic, google adword… mà nhiều người không hiểu chị học để làm gì. Các bạn hay nói rất nhiều về ý tưởng, nhưng không có năng lực thực hiện thì ý tưởng đó cũng chỉ thất bại mà thôi. Việc học cho các em năng lực để thực hiện. Đừng kêu ca rằng môi trường học không đủ và lạc hậu, bởi vì khi chúng ta muốn, có thể học được bằng nhiều cách”, chị Thùy chia sẻ.

Với anh Quang Tùng – một người từng nghỉ học ở trường để đi làm, và sau đó bắt đầu chặng đường mới với ngành học thiết kế đồ họa cũng không cổ súy việc bỏ học. Anh bỏ học vì cảm thấy môi trường đó không phù hợp.

Với trải nghiệm cá nhân, anh Tùng nghĩ rằng, ngoài trường lớp, còn nhiều cách thức khác để lĩnh hội tri thức. Anh phân loại kiến thức và nhận thức.

Anh chia sẻ: “Kiến thức là thứ được truyền dạy qua thầy cô, sách vở hay bạn bè. Nhận thức là quá trình bản thân mình trải nghiệm, và đúc rút ra được lượng tri thức riêng. Anh phù hợp với cách tiếp cận thứ 2 hơn. Nhưng cách này cũng khiến anh mất nhiều thời gian, công sức. Ở thời điểm hiện tại, anh nhận ra rằng, nếu học hỏi, tham khảo những điều trường học hoặc sách vở giúp ta nhận ra được sẽ tiết kiệm thời gian hơn nhiều”.

Với Phi Anh, khi chúng ta làm điều gì, cũng góp phần vào quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân sau này.

“Ngày xưa Phi Anh không thích và không giỏi toán. Và đến thời điểm này, mình thấy may mắn vì ngày xưa mình cố gắng học toán, bởi nó đã giúp cho mình rất nhiều. Môn toán giúp cho người học có được sự logic…Khi học, có thể mình rất ghét, nhưng về sau mới nhận ra nó có vai trò trong cuộc sống của mình”, Phi Anh khẳng định