Cô gái xương thủy tinh "gieo" hi vọng cho người khuyết tật

"Một buổi chiều, mình bắt gặp mẹ đang cặm cụi sửa chữa quần áo thuê kiếm tiền. Dáng lưng còng của mẹ khiến mình tủi thân khi mẹ già, ai sẽ giúp mình trong cuộc sống...?" Buổi chiều đó đã thay đổi cuộc đời cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương (xã Nam Phong, Phú Xuyên, HN).

Và ngày đó đã giúp Thương có việc làm không chỉ nuôi sống bản thân mà còn trở thành bà chủ của Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương.

 

Căn bệnh quái ác...

 

Mẹ Thương, bà Nguyễn Thị Việt vẫn nhớ như in: "Ngày Thương sinh ra, cô con gái tôi hoàn toàn khỏe mạnh, hồng hào chỉ duy có đôi chân cứ co tròn lại. Khi tôi kéo đôi chân ra lau rửa thì thấy Thương khóc thét lên đau đớn. Ngày đó, tôi đâu biết gì về bệnh xương thủy tinh. Thấy con đau đớn nên đưa đi bệnh viện thăm khám rồi ngã ngửa khi biết về căn bệnh kì lạ, quái ác".

 

Vì vậy, tuổi thơ của Thương là những ngày dài trong bệnh viện. Đi các bệnh viện, Thương và mẹ chỉ nhận được cái lắc đầu từ các bác sĩ.

 

Nguyễn Thị Thu Thương
Nguyễn Thị Thu Thương

 

Tuổi trưởng thành rồi mà Thương chỉ cao 80cm. Việc ngồi, hay đi đứng cũng là ngoài sức của Thương. Chị chỉ nằm và di chuyển bằng cách lăn dưới nền phẳng trong nhà. Đặc biệt xương của chị rất dễ gãy, thậm chí ai đó vô tình ngã vào cũng làm xương chị gãy. Chị phải nằm một chỗ không thể cử động, đến vài tháng sau.

 

Thương không thể đến trường, nhưng vì ham học nên chị quyết đòi bố mẹ dạy chữ cho mình. Một chiều xuống nhà chơi Thương bắt gặp cảnh mẹ đang cặm cụi sửa quần áo thuê. "Lúc đó, mình cảm thấy rất tủi thân. Sau này bố mẹ già yếu rồi ai sẽ chăm lo cho mình? Nếu mình cứ chơi mãi thế này, tương lai sẽ đi về đâu. Mình cần phải làm gì đó để kiếm tiền nuôi sống bản thân”, cô gái chia sẻ.

 

Tình cờ xem được chương trình “Người tốt việc tốt” trên Đài truyền hình Hà Nội nói về Trung tâm dạy nghề “Vì ngày mai”, chị nảy ý định xin bố mẹ cho đi học nghề. Vốn thông minh nên Thương rất ham và tranh thủ học thật nhanh, bắt chước làm cũng nhanh.

 

Chỉ sau 3 tháng Thương đã tự mình hoàn thiện được sản phẩm đầu tiên: một chiếc đèn cúc kết ba bằng khuy áo. Từ ấy, Thương mày mò sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới như: Đèn bàn, áo len, lọ hoa…

 

Ước mơ về trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật

 

“Học nghề và sống với các bạn cùng hoàn cảnh đã thay đổi suy nghĩ của mình. Mình yêu tiếng cười nói của các bạn và bắt đầu mơ ước có một trung tâm dạy nghề đào tạo việc làm cho người khuyết tật để mình có một gia đình chung”, Thương tâm sự.

 

Nghĩ là làm, Thương chú trọng hơn đến các sản phẩm thủ công. Chị nhận thấy nhu cầu thị trường không chỉ ưa chuộng các sản phẩm bằng cúc áo mà còn cả các sản phẩm “tranh giấy quấn nghệ thuật”. Nắm bắt được điều đó, chị mày mò, học hỏi trên mạng rồi mở cửa hàng bán đồ thủ công để tích  tiền mở trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật.

 

“Học trò đầu tiên của mình là một cô bé tên Trúc mắc bệnh máu khó đông. Không nơi nào dám nhận Trúc, vì cứ một tháng cô bé lại vào viện một tuần để trị bệnh. Mình đã dạy nghề rồi giao hàng để Trúc mang về nhà làm. Bây giờ hai chị em vẫn là những người bạn thân thiết hỗ trợ lẫn nhau”, Thương kể.

 

Các học viên khuyết tật học nghề tại Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương.
Các học viên khuyết tật học nghề tại Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương.

 

Sau đó, Thương nhận 2-3 học trò về dạy nghề rồi giao sản phẩm cho họ tự làm đồng thời kiên trì bán các sản phẩm thủ công tại nhà. Mất 10 năm tích cóp, Thương còn phải làm nhiều việc khác, kể cả đi hát cho các trung tâm để có điều kiện mở trung tâm dạy nghề riêng. 

 

“Thương vừa nói ý tưởng, cả gia đình đã phản đối kịch liệt. Vì sức khỏe Thương yếu, mở trung tâm phải quản lí, dạy nghề, bán hàng… làm sao Thương kham nổi. Tôi chỉ muốn con làm cho vui vì gia đình có thể chu cấp cho cháu. Nhưng Thương vẫn quyết, cứ có cơ hội lại nài nỉ, phân tích để bố mẹ đồng ý”, bà Việt, mẹ Thương tâm sự.

 

Không thể lay chuyển quyết tâm của Thương, bố mẹ đành đồng ý cùng chị xây dựng Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật Thương Thương tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

 

Sống có ích khi có ước mơ, hoài bão

 

Dù nằm một chỗ nhưng Thương vẫn tiêu thụ được sản phẩm qua nhiều kênh, trong đó có trang thông tin điện tử thuongthuong.net.  Đôi tay bé nhỏ như của học sinh tiểu học, mềm oặt và yếu ớt vẫn lướt nhanh trên bàn phím để giao dịch hàng. Sự tự tin của Thương đã giúp các học viên khuyết tật có thêm niềm tin và nghị lực sống.

 

Số tiền bán sản phẩm được trích vào quỹ để duy trì trung tâm dạy nghề miễn phí và hỗ trợ ăn ở cho 14  học viên khuyết tật đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước; đồng thời chi trẻ lương cho mỗi học viên 1,8 triệu đến 3 triệu đồng/ tháng.

 

"Lúc đầu mình nghĩ, cứ được ăn được chơi là hạnh phúc rồi. Nhưng khi học nghề và tiếp xúc với bạn bè mới nhận ra mình đã sống quá phí.Cuộc sống thật vô nghĩa khi không có ước mơ, mục tiêu phấn đấu. Vì vậy, khi xây được trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật mình mới thấy đó là  hạnh phúc", Thương tâm sự.

 

Hiện Thương đang nỗ lực hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm. Chị muốn gây dựng trung tâm thành điểm du lịch đón tiếp các du khách nước ngoài đến trải nghiệm nghề thủ công của Việt Nam và cuộc sống của người khuyết tật. Qua đó sẽ bán được nhiều sản phẩm thủ công ra nước ngoài, tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật hơn.

 

Theo Thành Nam

Tuổi trẻ thủ đô