Chuyện xúc động về người bà một mình nuôi cháu lớn khôn

(Dân trí) - Câu chuyện do bạn Nguyễn Thị Phượng kể về người bà kiêm luôn vai trò làm bố, làm mẹ để nuôi dạy em từ khi em còn bé cho đến khi đã là một sinh viên.

Câu chuyện xúc động được chia sẻ trên mạng xã hội
Câu chuyện xúc động được chia sẻ trên mạng xã hội

Cộng đồng mạng lan truyền câu chuyện của bạn Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1996, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Phượng kể rằng em không có bố từ khi lọt lòng, mẹ em bị nhiễm chất độc màu da cam nên không được minh mẫn và rồi cũng đã mất từ khi em còn nhỏ. Phượng chỉ còn lại một người bà kề bên sớm tối.

Bà vất vả nuôi em ăn học từng đó năm, để bây giờ em là sinh viên. Nhưng bà đã lớn tuổi, Phượng chia sẻ:

“Năm nay mừng thọ bà em 75 tuổi. Tuổi thơ của bà là những ngày chăn trâu cắt cỏ, chân lấm tay bùn, một mình bà vật lộn với cuộc sống mưu sinh (bởi các cụ đã mất khi bà vừa mới sinh ra), rồi những ngày chiến tranh bom đạn khói lửa, ông ra trận, bà ở nhà nuôi các bác khôn lớn, rồi chăm bẵm em lớn khôn từng ngày, bởi em không có cha, không có họ nội, người mẹ tật nguyền chẳng được minh mẫn do chất độc màu da cam cũng rời xa khi em còn thơ bé.

Một tay bà đã nuôi dưỡng em thành người, 21 năm em luôn là con ngoan, trò giỏi, để bà tự hào. Nay tóc bà đã trắng, lưng bà đã còng, nụ cười đã móm mém, em không biết sẽ còn được bên bà bao lâu nữa,nên lúc nào em cũng đòi chụp ảnh, lưu lại từng khoảnh khắc của bà.

Hôm nay trong lúc nghỉ ngơi khi 2 bà cháu làm vườn, em đã quay lại video này và bỗng rất muốn khoe nụ cười của bà với mọi người, khoe về người phụ nữ tuyệt vời nhất của em”.

Hình ảnh hai bà cháu hạnh phúc bên nhau.
Hình ảnh hai bà cháu hạnh phúc bên nhau.
Chuyện xúc động về người bà một mình nuôi cháu lớn khôn - 3
Chuyện xúc động về người bà một mình nuôi cháu lớn khôn - 4

Câu chuyện của Phượng cùng với những hình ảnh hai bà cháu hạnh phúc bên nhau khiến nhiều người xúc động.

Bạn Vũ Thành Nam chia sẻ: “Mong bà thật khỏe mạnh để thấy em thành công, hạnh phúc, vui vẻ sau này”.

Bạn Quang Đức nói: “Tôi có hoàn cảnh như bạn. Cũng ăn cơm ngoại nuôi từ bé. Bạn làm tôi nhớ ngoại quá. Nhớ đến nghẹn cả tâm mình”.

H.K