Chuyện nhóm sinh viên bị vị đạo diễn mắng "hãy làm nghề đàng hoàng hoặc cố kiếm đại gia"

(Dân trí) - Một nhóm sinh viên thực tập, thực hiện đề tài liên quan đến văn hóa đọc. Khi họ đặt câu hỏi cho một vị đạo diễn nổi tiếng, đã bị người này đặt ngược lại câu hỏi cùng những lời nói thẳng thắn.

Sự việc xảy ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM. Nhóm bạn trẻ gồm 3 người là sinh viên năm cuối một trường ĐH ở TPHCM, đang đi thực tập tại một công ty truyền thông.

Với đồ nghề máy quay, ghi âm, micro... các bạn thực hiện phỏng vấn lấy ý kiến quanh chủ đề về văn hóa đọc. 

Chuyện nhóm sinh viên bị vị đạo diễn mắng hãy làm nghề đàng hoàng hoặc cố kiếm đại gia - 1
Chuyện nhóm sinh viên bị vị đạo diễn mắng hãy làm nghề đàng hoàng hoặc cố kiếm đại gia - 2

Người trẻ chờ xin chữ ký tác giả trong một buổi ra mắt sách ở đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM 

Họ không bỏ lỡ cơ hội khi bắt gặp L.H, vị đạo diễn cực kỳ nổi tiếng đang ngồi cà phê, đọc sách ngay khu vực trung tâm đường sách. Các bạn thuyết phục được vị đạo diễn này để phỏng vấn, ghi hình. 

Sau vài câu hỏi các bạn đặt ra về văn hóa đọc như vì sao phụ huynh lười đọc sách cho con, người trẻ "làm ngơ" với sách, làm sao để phụ huynh quan tâm đến việc đọc sách trong gia đình... Đạo diễn L.H hỏi lại: "Các bạn hãy kể giúp tôi một số cuốn sách thiếu nhi nên đọc". 

Hai nữ sinh trực tiếp cầm micro phỏng vấn ú ớ, nói vòng vo thì vị đạo diễn hỏi tiếp: "Các bạn chỉ cần nói giúp tôi tên một cuốn sách thiếu nhi các bạn từng đọc". Một trong hai cô gái đáp: "Em nghĩ đó là cuốn kỹ năng phòng chống xâm hại...". 

Nghe đến đây, vị đạo diễn đanh đá nổi khùng, thẳng lời mắng té tát nhóm bạn trẻ rằng đến tên một cuốn sách thiếu nhi các bạn còn không biết, chính bản thân không đọc sách lại đi hỏi, đi dạy thiên hạ vì sao họ không đọc sách cho trẻ.

Khi cơn giận đã qua, có chút nguôi ngoai, ông vỗ vai các cô gái và nói rằng, nếu tôn trọng nghề nghiệp của mình, tôn trọng bản thân mình hãy học tập, làm nghề nghiêm túc.

Còn đơn thuần chỉ làm nghề như một công việc để kiếm sống thì ông khuyên, các bạn cũng có nhan sắc, thà đi kiếm đại gia để dựa dẫm vừa sung túc, nhàn thân hơn và ít gây hại cho người khác hơn. 

Cuộc phỏng vấn kết thúc... 

Câu chuyện lười đọc sách trong người trẻ là một vấn đề đã được nhắc đến từ lâu nay. Nhiều bạn trẻ khi ở phổ thông, ở giảng đường có thể vùi thời gian trong nhiều trò tốn công vô ích như tám chuyện, lướt mạng, mua sắm, nhậu nhẹt, lao vào những cuộc tranh cãi vô bổ... thay vì cầm một cuốn sách để đọc một cách nghiêm túc. 

Chuyện nhóm sinh viên bị vị đạo diễn mắng hãy làm nghề đàng hoàng hoặc cố kiếm đại gia - 3

Công nghệ nghe nhìn đang "lấn át" văn hóa đọc trong người trẻ

Nhà giáo dục Trịnh Thị Phương Thảo, từng dạy học ở Mỹ chia sẻ, ở sân bay, thấy nhóm bạn trẻ nào xúm đầu vào điện thoại, ipad thì có thể dễ dàng nhận ra hầu hết đó là người châu Á. Còn những người yên tĩnh ngồi đọc sách thì thường là người châu Âu hoặc người Mỹ. 

Về Việt Nam, bà càng nhìn thấy thực trạng nhiều bạn trẻ đang bị công nghệ và việc học "chiếm" hết thời gian và tâm trí khi không có thói quen đọc sách. 

Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến việc đọc sách của trẻ, trong đó theo các nhà phân tích, chính chương trình học nặng về kiến thức, thi cử, chưa khuyến khích trẻ đọc sách để tự học, tư duy và nỗ lực tự thân của mỗi người. 

Không ít bạn trẻ vào đời với hành trang kiến thức, nền tảng non yếu hay rỗng như trường hợp nhóm bạn bị vị đạo diễn mắng té tát trên. Âu họ cũng là nạn nhân nhưng cũng là "thủ phạm" khi chưa thật sự nỗ lực khổ luyện để khắc phục hạn chế của bản thân... 

63% học sinh tiểu học TPHCM thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử

Theo khảo sát "Niềm tin và thói quen đọc của giới trẻ tại TPHCM" của NXB Trẻ và Hội xuất bản Việt Nam vừa công bố ghi nhận 63% học sinh cấp 1 trả lời rằng thích chơi ipad, điện thoại hơn là đọc sách. 

Có 59% học sinh cấp 1, và 38% học sinh cấp 2 được hỏi trả lời loại sách mình thích đọc nhất là truyện tranh.

Quá trình khảo sát còn cho thấy nhiều em học sinh chưa hiểu đúng về định nghĩa “sách”, đặc biệt là các em khối lớp 6, 7. Nhiều em mang tâm lý sách là sách giáo khoa, là loại sách học tập, nên khi nói đến sách, các em thường cảm thấy sợ và chán. 

Khảo sát này nhấn mạnh, để tạo lập thói quen đọc trong nhân dân, nhất là giới trẻ, cần phải xác lập niềm tin rằng việc đọc sẽ tạo ra giá trị cho cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Giải pháp cốt lõi và đầu tiên chính là tạo dựng niềm tin nơi người đọc.

Hoài Nam