"Chừng nào sĩ tử vẫn còn thi cam go, chừng đó còn Tiếp sức mùa thi"

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của anh Lê Quốc Phong - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam trong Hội nghị tổng kết chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2017.

Sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi hỗ trợ thí sinh bị tai nạn gãy chân vào trường thi
Sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi hỗ trợ thí sinh bị tai nạn gãy chân vào trường thi
SVTN hỗ trợ thí sinh sang đường trong những ngày cao điểm mùa thi
SVTN hỗ trợ thí sinh sang đường trong những ngày cao điểm mùa thi
Hình ảnh ra quân của những tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi
Hình ảnh ra quân của những tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi

Năm 2017 là năm thứ hai chương trình “Tiếp sức mùa thi” được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Thành đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam các tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng, chuyển biến tích cực trong công tác triển khai thực hiện chương trình, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền.

Nhiều phương thức tuyên truyền hiệu quả được các đơn vị quan tâm, triển khai thực hiện tốt như: thành lập Ban Truyền thông cập nhật tin tức, diễn biến về Chương trình tại các điểm thi của đơn vị; xây dựng trang fanpage riêng, clip, infographic giới thiệu Chương trình; phát hành cẩm nang “Tiếp sức mùa thi”; vẽ pano, treo băng rôn về Chương trình; thực hiện chương trình radio “Đồng hành Tiếp sức mùa thi 2017”; trong đó phương án thiết kế và phát động thay ảnh đại diện chương trình trên fanpage cá nhân là phương án truyền thông mới được nhiều đơn vị áp dụng, thực hiện, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, sinh viên. Các đơn vị tiêu biểu trong công tác tuyên truyền về Chương trình gồm có: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” trên cả nước thành lập được 3.385 đội hình với 65.459 tình nguyện viên tham gia chương trình, trong đó có 38.837 tình nguyện viên là sinh viên, 26.622 tình nguyện viên là đoàn viên, thanh niên, người dân địa phương tham gia hỗ trợ 866.005 thí sinh dự thi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.

Ngày 3/7/2017, Trung ương Hội sinh viên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2017 tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Ban tổ chức chương trình, Thường trực các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc, đại diện lãnh đạo Ban Thanh niên Trường học, Ban Thanh thiếu nhi Trường học, Thường trực Hội Sinh viên Việt Nam các tỉnh, thành phố.

Anh Lê Quốc Phong - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tổng kết chương trình Tiếp sức mùa thi 2017
Anh Lê Quốc Phong - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tổng kết chương trình Tiếp sức mùa thi 2017

Khép lại chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2017, anh Lê Quốc Phong - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam, phát biểu “Tiếp sức mùa thi 2017 không chỉ nhận được sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của sinh viên tình nguyện mà vẫn còn nhận được sự đồng hành lớn từ phía xã hội.

Điều này đã khẳng định ý nghĩa thiết thực của chương trình Tiếp sức mùa thi dù kì thi THPT Quốc gia đã có nhiều thay đổi. Ban tổ chúc chương trình Tiếp sức mùa thi khẳng định rằng chừng nào các sĩ tử vẫn đứng trước một kì thi cam go để đến với giảng đường đại học, chừng đó các hoạt động Tiếp sức mùa thi vẫn tiếp diễn”.

Những con số "biết nói" về hoạt động Tiếp sức mùa thi năm 2017:

Hội nghị tổng kết rằng chương trình năm nay, xuất phát từ thực tiễn, nhu cầu của các thí sinh và người nhà thí sinh, các phương thức hỗ trợ được lựa chọn, triển khai nhiều nhất như:

- Hoạt động tư vấn, hỗ trợ: cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc; hỗ trợ ứng phó các tình huống khẩn cấp; hướng dẫn, chỉ dẫn sơ đồ phòng thi; trông giữ hành lý, đồ đạc cá nhân cho thí sinh; giới thiệu các địa điểm ăn uống giá rẻ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà trọ miễn phí; phát các vật dụng, cung cấp các suất ăn, nước uống miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Kết quả, có 2.307 đội hình với 49.962 tình nguyện viên túc trực tại các điểm thi, hỗ trợ 132.153 suất ăn; 318.777 chai nước; 5.527 vé xe buýt, xe đò; 164.787 cẩm nang, bản đồ, 121.642 quạt, 59.050 tờ báo miễn phí; giới thiệu 8.387 chỗ ở miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh. Số đội hỗ trợ thí sinh di chuyển là 1.495 đội hình với sự tham gia của 10.849 tình nguyện viên.

Đặc biệt, 60/63 tỉnh, thành đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam cấp tỉnh, thành phố đã rà soát, lên phương án, hỗ trợ các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn với nhiều hình thức hỗ trợ như: thăm hỏi, tặng quà động viên thí sinh và gia đình; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm ôn tập và làm bài thi; hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký; giới thiệu chỗ ăn, nghỉ miễn phí, đưa đón, hỗ trợ thí sinh di chuyển, vào phòng thi... Kết quả: đã có 67.281 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ.

- Hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn ở các điểm thi: bố trí đội hình sinh viên tình nguyện tăng cường tại các khu vực cao điểm về an ninh trật tự, an toàn giao thông, hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực tập trung đông thí sinh, có mật độ giao thông cao. Cả nước có 1.751 đội hình với 17.081 tình nguyện viên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

Các đơn vị đã chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát khu vực, lực lượng bảo vệ nhà trường trong việc phân luồng giao thông, sắp xếp xe tại các điểm thi, đặc biệt có phương án, phân công tình nguyện viên quan sát, báo cáo kịp thời nhằm đảm bảo an ninh, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực lợi dụng kỳ thi, ảnh hưởng đến thí sinh và người nhà thí sinh như: gây mất trật tự, trộm cắp...

Một số đơn vị cũng đã lên kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, các bệnh viện, trạm y tế phường trong việc xử lý các sự cố bất thường về thời tiết, tai nạn, sức khoẻ…

Mai Châm