Chế nước tẩy rửa từ… rác

Tạo nước tẩy rửa sinh học từ rác là công trình nghiên cứu của nhóm 3 sinh viên năm thứ ba, khoa Môi trường, trường ĐH Nguyễn Tất Thành, gồm: Lê Văn Vũ Linh (trưởng nhóm), Trương Bội Linh và Phạm Tiến Đạt. Sản phẩm đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo TP. HCM, năm 2016.

Tìm công thức tẩy rửa từ rác rau củ

Từ rác thải như rau, củ, quả, vỏ trái cây… nhóm của Vũ Linh đã tạo thành dung dịch có khả năng tẩy rửa sinh học cao, an toàn và thân thiện với môi trường: “Tình cờ đọc được một bài báo về việc người ta ủ rác từ thực phẩm để bón cây, tò mò làm thử, mình nhận thấy, dung dịch này có khả năng tẩy rửa, có thể ứng dụng để rửa chén, chà sạch nhà vệ sinh… thế là bắt tay vào thực hiện ý tưởng”.


Vũ Linh (trái) và Tiến Đạt cùng sản phẩm nước tẩy sinh học của nhóm.

Vũ Linh (trái) và Tiến Đạt cùng sản phẩm nước tẩy sinh học của nhóm.

Nhóm mất 2 tháng để nghiên cứu, thực hành và cho ra sản phẩm. “Tụi mình chạy ra chợ xin rác thải từ rau, củ, quả của bà con tiểu thương, chỉ lấy rác không dính lẫn dầu để thuận lợi cho quá trình phân giải”, Tiến Đạt kể.

Sau khi có nguồn rác thải hữu cơ, nhóm đem về rửa sạch, cắt nhỏ và bắt đầu cân theo tỷ lệ để ủ. Thời gian ủ kéo dài khoảng 45 ngày. “Sau khi có được dung dịch, nhóm thử nghiệm chà sàn nhà vệ sinh và lavabo thì thấy hiệu quả thật khác biệt”, Vũ Linh cho biết.

Tuy nhiên, khó khăn xuất hiện khi các bạn xử lý mùi của sản phẩm. Trong quá trình phân giải, sản phẩm có mùi khá khó chịu. Nhóm khắc phục bằng cách phân tách, thử nghiệm riêng từng loại rác và nhận thấy, sau quá trình phân giải thì hết mùi.

Sản phẩm thân thiện với môi trường

Nhóm nhận được nhiều phản hồi tích cực. Sản phẩm không có hóa chất nên hoàn toàn yên tâm khi sử dụng. Dùng nguồn rác thải của các hộ gia đình để tạo ra sản phẩm sinh học nên chi phí rẻ hơn rất nhiều so với những dung dịch tẩy rửa khác. Hơn nữa, việc tận dụng lại rác thải còn góp phần bảo vệ môi trường. Chính những điều này khiến nhiều người thích thú về khả năng ứng dụng sản phẩm vào thực tiễn đời sống.

Nhưng chưa hết, trong quá trình phân giải, khí sinh ra là CH4 (mêtan) có thể thu lại tận dụng làm khí đốt, ngoài phần dung dịch sử dụng vào việc tẩy rửa sinh học. Phần bã vẫn có thể tận dụng làm phân bón bón cây. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu giảm thời gian ủ, phân tích định tính và định lượng sản phẩm.

“Mục tiêu trước mắt của nhóm là hướng về cộng đồng, giúp mọi người tận dụng được các loại rác hữu cơ thực vật để tạo ra sản phẩm nước tẩy rửa an toàn và thân thiện với môi trường. Phát triển sản phẩm theo hướng công nghiệp là hướng đi của nhóm.

Tuy nhiên, bây giờ, tụi mình vẫn còn là sinh viên nên gặp nhiều hạn chế về kinh phí, cũng như kiến thức kinh doanh. Vậy nên, đây sẽ là định hướng phát triển lâu dài của nhóm”, Vũ Linh chia sẻ.

Theo Hà Chi

Sinh viên Việt Nam