Chàng trai thích “đùa với lửa”

Không học qua lớp vẽ, Huỳnh Quốc Tuấn (sinh năm 1994, trường ĐH Công nghệ Kỹ thuật TP. HCM) vẫn cho “ra lò” những bức vẽ độc đáo được tạo hình từ … lửa. Tuấn chia sẻ : “Vẽ tranh là cách cảm nhận cuộc sông và thỏa sức với đam mê”.

Giấy ơi, đừng cháy !

Một lần, lấy mảnh vải nhỏ để đốt, Tuấn thấy tro tàn rơi xuống sàn nhà để lại hình dáng giống nhánh cây. Tuấn tự hỏi, nếu mình biến những vết cháy thành nét vẽ thì sao nhỉ?

Anh bạn tìm cách để vẽ nhưng kết quả là giấy thì cháy mà không có bức tranh nào được tạo nên. Một lần đi dạo, Tuấn trông thấy những móc khóa khắc chữ được người thợ dùng bút hàn điện chạm trên thanh gỗ. Tuấn nói: “Mình muốn vẽ những nét nhẹ nhàng trên giấy. Nếu dùng bút hàn điện vẽ thì nét khô cứng, giấy sẽ bị cháy”.

Tuấn tìm sách, đọc trên các trang mạng về quá trình tạo lửa, phản ứng cháy của lửa. Hơn một năm mày mò, Tuấn cho ra đời bút lửa theo “bí kíp” riêng. Bút gồm ống chứa gas, bộ phận đánh lửa, nút hiệu chỉnh lửa lớn nhỏ…

Huỳnh Quốc Tuấn dùng lửa sáng tạo nghệ thuật.
Huỳnh Quốc Tuấn dùng lửa sáng tạo nghệ thuật.

Ngày đầu, anh bạn tập tành vẽ trên giấy chuyên dụng trong in ấn. Bức tranh đầu tiên để lại nhiều kỷ niệm. Tuấn chia sẻ: “Sinh nhật người bạn, mình muốn vẽ một bức tranh tặng. Khi ấy, mình chưa biết cách kiểm soát lửa, suýt bỏng tay. Mình cặm cụi vẽ, đến nét thứ hai thì… giấy cháy.

Chẳng mấy chốc, xấp giấy chỉ còn vẻn vẹn 4 – 5 tờ. Mình phải tập trung từng chi tiết. Cuối cùng, bức vẽ cũng hoàn thành. Khi nhận món quà, niềm vui của bạn là động lực để mình cố gắng hơn”.

Sau bức vẽ đầu tiên, Tuấn vẫn hít khói, chịu bỏng thêm vài lần nữa. Cậu vui vẻ: “Mỗi lần vẽ, mình phải niệm “thần chú”: “Giấy ơi, đừng cháy nữa!”. Khi cầm bút để vẽ, phải biết kiểm soát ngọn lửa lên xuống nhịp nhàng theo từng chi tiết. Lửa quá nhỏ thì không tạo được nét, lửa quá lớn thì giấy bốc cháy ngay. Mỗi bức tranh như thử thách mình về lòng kiên nhẫn và tính cẩn thận”.

Họa sĩ không chuyên

Quá trình thực hiện một bức tranh trải qua các khâu, từ lên ý tưởng, vẽ phác thảo, dựng hình theo bố cục. Khâu quan trọng nhất là đốt tranh để vẽ phác thảo. Nếu bố cục phác thảo hỏng thì mọi công đoạn thành tro.

Tuấn chia sẻ: “Mình phải dùng chất dẫn cháy bôi lên các chi tiết. Sau đó, mình dùng bút lửa đốt tổng thể, rồi đến từng chi tiết nhỏ”.

Điều tạo nên giá trị cho những bức vẽ là Tuấn là dùng bút lửa vẽ trực tiếp trên giấy, hay vì vẽ trên tấm ván, gỗ. Giấy làm sao “chống chọi” với lửa là một câu hỏi đầy hứng thú cho người thưởng thức.

“Để khắc phục giấy cháy, mình ngâm giấy vẽ trong nước vài tiếng, đợi giấy nở. Sau đó, mình bôi lớp keo dính lên mặt giấy, để khô. Sau đó mới bắt đầu dùng lửa sáng tác”, Tuấn cho biết.

Ngoài tranh vẽ bằng lửa, Tuấn còn có những bức tranh tạo hình từ than. Vẽ tranh không chỉ đem lại niềm vui mà còn là cầu nối giúp Tuấn kết thân nhiều bạn cùng sở thích.

Để có những bức tranh sống động, Tuấn chăm chút từng chi tiết nhỏ. Tuấn vẽ chi tiết từ ngôi nhà lá đơn sơ, nhà thờ cho đến ngôi chùa cổ… Mỗi bức vẽ là mỗi câu chuyện khác nhau.

Tuấn bộc bạch: “Lửa có màu sắc rất đặc biệt, vừa mạnh mẽ, vừa mềm mại, uyển chuyển. Màu của lửa tưởng đơn sắc nhưng khi kết hợp nét vẽ sẽ tạo nên vẻ đẹp cân đối, hài hòa. Mỗi sản phẩm thể hiện một góc nhìn. Mình mong muốn mọi người sống chậm lại để cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống”.

Theo Bình Nguyên

Hoa học trò